Giải thưởng Kovalevskaia 2018: Nỗ lực vì môi trường trong sạch

Luôn nỗ lực tìm kiếm những giải pháp nhằm giải quyết vấn đề môi trường tại Việt Nam là mục tiêu hàng đầu của các nhà khoa học nữ tại Bộ môn Công nghệ môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Sau nhiều năm theo đuổi đam mê, phấn đấu, các chị đã "gặt hái" nhiều thành công trong hoạt động nghiên cứu, được Đảng, Nhà nước công nhận và xứng đáng trở thành tập thể nữ xuất sắc được trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2018.

Biến chất thải thành sản phẩm hữu ích

Một bộ môn khoa học có 13 cán bộ, trong đó có tới 9 người là nữ nhưng đã khiến giới chuyên môn trong và ngoài nước phải ngạc nhiên vì bề dày thành tích. Chỉ trong vòng 10 năm gần đây, các nhà khoa học nữ của Bộ môn đã chủ trì 33 đề tài và tham gia 65 đề tài nghiên cứu khoa học ở tất cả các cấp, từ cấp đại học đến đề tài hợp tác quốc tế; đóng góp 24 sách/giáo trình trong nước, 3 sách quốc tế, 30 bài báo công bố trên các Tạp chí khoa học quốc tế, 114 bài báo trên các Tạp chí khoa học uy tín trong nước…

Cụm công trình tiêu biểu mà tập thể cán bộ nữ của bộ môn được trao Giải Kovalevskaia năm 2018 tập trung vào hai hướng nghiên cứu chính là công nghệ kỹ thuật về xử lý và tận dụng chất thải; phân tích đánh giá chất lượng môi trường.

Các chị chia sẻ, tại Việt Nam hiện nay, rác thải ngày một nhiều và đa dạng, quỹ đất để chôn lấp ngày một thu hẹp. Chính vì vậy, định hướng phát triển của công nghệ môi trường nói riêng và công nghệ nói chung không chỉ dừng lại ở việc xử lý chất ô nhiễm để đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường mà còn phải nghiên cứu đưa ra các công nghệ để quay vòng, tái sử dụng, tận dụng, thu hồi, biến chất thải thành các sản phẩm, tài nguyên hữu ích.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hà, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ môi trường cho biết: Một nhà máy công nghiệp có thể thải ra hàng tấn bùn mỗi ngày. Để đảm bảo môi trường trong sạch, cần có phương pháp hữu hiệu thu hồi kim loại trong bùn thải bằng cách tách ra thành các dạng ô xít kim loại, tận dụng sản xuất thành những sản phẩm hữu ích trong cuộc sống. Tuy nhiên, khó khăn mà các chị gặp phải trong quá trình nghiên cứu chính là phải cân đối giữa yếu tố kinh tế và môi trường.

"Lúc đầu, chúng tôi định tận dụng bùn thải để sản xuất men mầu, gốm sứ nhưng khi áp dụng tại các cơ sở sản xuất ở Bát Tràng đã gặp phải khó khăn khi lượng men màu dùng rất nhỏ. Kế hoạch được chuyển hướng tận dụng bùn thải đó làm chất phối trộn để tạo ra gạch lát vỉa hè. Sau khi đưa ra thử nghiệm đã cho kết quả rất tốt về tính chất cơ lý, độ chịu lực cũng như sự thôi nhiễm lại kim loại có trong bùn dưới điều kiện mưa gió...", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Hà chia sẻ.

Các nhà khoa học nữ của Bộ môn Công nghệ Môi trường, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên còn thực hiện nhiều đề tài có giá trị thực tiễn như: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật mô hình hóa trong công nghệ xử lý yếm khí nước thải giàu hữu cơ vào thực tiễn Việt Nam; xây dựng mô hình công nghệ khả thi quy mô pilot để xử lý bùn thải công nghiệp giàu kim loại nặng theo hướng tận thu tài nguyên, tiết kiệm năng lượng… Với kết quả đó, các nhà khoa học nữ của Bộ môn Công nghệ Môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã tích cực tạo ra các sản phẩm và giải pháp hữu ích để tận dụng chất thải từ các nguồn thải khác nhau.

Uơm mầm thế hệ trẻ

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Khải, Trưởng khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên: Đây là đơn vị đầu tiên của cả nước đào tạo về ngành môi trường. Bộ môn Công nghệ môi trường đã và đang cùng với Khoa tham gia hỗ trợ các đơn vị trường/viện khác trong xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành về môi trường nhằm góp phần làm lớn mạnh lĩnh vực này trên cả nước, đóng góp nguồn nhân lực trình độ cao cho Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường. "Không chỉ đam mê nghiên cứu, mỗi năm, các nữ khoa học còn tham gia giảng dạy hàng nghìn tiết học, đào tạo ra những cử nhân chính quy cho ngành môi trường của Việt Nam", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Khải chia sẻ.  

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Khải đánh giá, cán bộ nữ của bộ môn đã đóng góp hiệu quả vào tiến trình này, là lực lượng nòng cốt tham gia các chương trình giảng dạy của Khoa. Đặc biệt, một số giảng viên còn tham gia tích cực xây dựng chương trình đào tạo quốc tế bậc đại học và cao học. Trung bình mỗi năm học, các cán bộ nữ trong bộ môn đã giảng dạy (trên lớp) khoảng 2.000 giờ cho hệ cử nhân chính quy và khoảng 300 giờ sau đại học, đào tạo 300 thạc sỹ và 400 sinh viên. Nhiều cựu học viên, sinh viên đã và đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng góp phần xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển đất nước và bảo vệ môi trường.

Các nữ cán bộ của bộ môn Công nghệ môi trường còn tham gia tích cực trong biên soạn khung chương trình, đề cương môn học, giáo trình, bài giảng cho các bậc học. Tính đến nay, các giảng viên nữ đã chủ biên và tham gia viết, xuất bản hàng chục giáo trình, bài giảng phục vụ cho đào tạo. Đặc biệt, một số giảng viên còn tham gia xây dựng chương trình đào tạo quốc tế bậc đại học (hợp tác với Đại học Indiana, Mỹ); bậc Tiến sĩ Kỹ thuật Môi trường (hợp tác với Đại học Kitakyushu, Nhật Bản); bậc cao học cho chương trình Thạc sĩ Công nghệ Môi trường (Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội); chương trình Thạc sĩ Kỹ thuật Môi trường (Đại học Valladolid, Tây Ban Nha)...

Gần đây, chương trình Công nghệ kỹ thuật môi trường do Bộ môn đảm nhiệm đã được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN - QA của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á. Bộ tiêu chuẩn này đòi hỏi cao về ngoại ngữ và yếu tố thực tiễn trong việc nghiên cứu và đào tạo, cũng như tích hợp các chương trình thực hành, thực tập cho sinh viên trong chương trình giảng dạy.

Niềm vui bất ngờ

Cống hiến hết mình cho hoạt động nghiên cứu khoa học và truyền thụ kiến thức cho thế hệ trẻ nhưng vẫn phải đảm bảo chu toàn thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, các nữ cán bộ trong bộ môn thừa nhận đôi lúc cũng khó có thể đảm bảo cân bằng. Mặc dù vậy, với sự phát triển của xã hội và lối sống ngày càng hiện đại, họ đã quen với việc sắp xếp khoa học để vẹn cả đôi đường công việc và hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, đằng sau sự trọn vẹn này là những hy sinh thầm lặng về sở thích, niềm vui cá nhân của những nhà khoa học nữ.

Tiến sỹ Trần Thị Huyền Nga chia sẻ: Có những thời gian dài tham gia nghiên cứu, chủ yếu chỉ ngồi trong phòng thí nghiệm, đôi lúc rất căng thẳng, mệt mỏi. Công việc thầm lặng nên ít người biết đến để cảm thông và chia sẻ. Vì vậy, giải thưởng lần này là nguồn động viên rất lớn đối với tập thể các nhà khoa học nữ của Bộ môn Công nghệ môi trường. "Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi biết tin được trao tặng giải thưởng. Đó thực sự là thành quả rất đáng tự hào và trở thành mục tiêu phấn đấu cho đội ngũ các nữ khoa học kế cận", Tiến sỹ Nga chia sẻ.

"Một trong những ưu điểm của phụ nữ là tính kiên trì và sự hy sinh. Đó là yếu tố rất quan trọng làm nên thành công. Giải thưởng cao quý Kovalevskaia không chỉ là sự ghi nhận tài năng của đội ngũ các nhà khoa học nữ, mà còn có ý nghĩa tinh thần vô cùng to lớn giúp chị em có thêm động lực để tiếp tục cống hiến", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Khải nhấn mạnh.

Đỗ Bình (TTXVN)
Tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường
Tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường

Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến, góp phần xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN