Giải pháp giảm thiểu tín dụng đen

Những vụ vỡ nợ tín dụng hàng trăm tỷ đồng liên tiếp xảy ra thời gian qua cho thấy, “cơn lốc” tín dụng đen đang lan nhanh và gây ra nhiều hệ lụy lớn trong xã hội. Những vụ việc đó không mới so với những vụ vỡ hụi của hàng chục năm trước đây nhưng vẫn có rất nhiều người dân rơi vào vòng xoáy này.


Mờ mắt vì lãi suất cao


Cách đây không lâu, hàng trăm hộ dân của thị trấn Yên Mỹ (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đứng ngồi không yên vì đã huy động tiền từ mọi nguồn, thậm chí cắm cả sổ đỏ vay lãi ngân hàng để gom tiền cho một chủ nợ cho vay nặng lãi nhưng số tài sản lớn đó đã “cao chạy xa bay”. Vụ vỡ nợ gần 400 tỷ đồng của cặp vợ chồng Bốn - Mai đã bỏ trốn khỏi địa phương được ví như một cơn bão lớn quét qua thị trấn Yên Mỹ gây nên những thiệt hại vô cùng lớn cho nhiều gia đình. Không ít gia đình từ chỗ nhà cao cửa rộng, cuộc sống sung túc bỗng chốc trở thành không nhà, không tài sản. Điều đáng nói, nhiều chủ nợ là những người buôn bán nhỏ ngoài chợ, những cụ già mấy chục năm bán từng mớ rau, chắt chiu từng đồng tiền tiết kiệm để dưỡng già đến những người dọn vệ sinh môi trường cả đời thắt lưng buộc bụng. Những người này đang sống trong cảnh ngậm ngùi bởi lợi nhuận chưa thấy đâu mà chỉ thấy của cải dành dụm bấy lâu tự nguyện “dâng” cho kẻ khác.

Hộ cận nghèo làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội tại điểm giao dịch xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Trần Việt - TTXVN


Tương tự, vụ việc cặp vợ chồng “siêu lừa” Nguyễn Văn Trung và Tạ Bích Liên tại thành phố Lạng Sơn mới đây cũng khiến nhiều người dân điêu đứng. Món hời lãi suất cao khiến nhiều người vay mượn cầm cố để cho Trung - Liên vay, thậm chí có căn nhà đang xây cũng thế chấp được để vay tiền ngân hàng chuyển vào tài khoản cho cặp siêu lừa này sử dụng. Hay gần đây nhất, cả thành phố Hà Nội xôn xao bởi vụ việc “xù nợ” của Chủ tịch HĐQT trường THPT dân lập Phương Nam. Không ít người vì ham chênh lệch lãi suất đã rơi vào cảnh nợ nần chồng chất và khiến người thân rơi vào cảnh không nhà.


Những vụ vỡ nợ quy mô lớn và liên tiếp diễn ra tại nhiều tỉnh, thành thời gian qua đã cho thấy, thực trạng đáng báo động của hình thức thị trường tài chính, tiền tệ phi chính thức này. Điều đáng nói, các vụ vỡ nợ này đều có chung một "kịch bản": huy động tiền của nhiều người với lãi suất cao, ban đầu trả lãi rất đúng hẹn sau đó tuyên bố vỡ nợ hoặc bỏ trốn do mất khả năng thanh toán. Mặc dù luôn được cảnh báo, nhưng vì "mờ mắt" bởi lãi suất cao nên nhiều người dân điêu đứng. Thậm chí, nhiều người không chỉ dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm được mà còn giấu gia đình cắm sổ đỏ vay tiền ngân hàng, đi huy động anh em, họ hàng, người thân giúp để có tiền góp vốn cho vay.


Tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức


Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để hạn chế tình trạng trên, trước hết cần có sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn thị trường tài chính - tín dụng về tổ chức, chủng loại, quy mô, thủ tục và chất lượng sản phẩm tín dụng để ngày càng bao quát, phủ sóng, đáp ứng các nhu cầu tín dụng chính đáng của người dân và doanh nghiệp, không để cho tín dụng đen có đất để tồn tại và phát triển.


Trao đổi với phóng viên, chuyên gia tài chính ngân hàng TS Cấn Văn Lực nhìn nhận, trong vài năm trở lại đây, khi kinh tế khó khăn hiện tượng này ngày một tăng lên. Để giải quyết vấn đề này, theo TS. Cấn Văn Lực, cần nhiều giải pháp, trong đó thị trường tài chính tín dụng cần được phát triển nhiều hơn nữa, đặc biệt là ở khu vực nông thôn để tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân. Ước tính, tại Việt Nam hiện có khoảng trên 20% người lớn có tài khoản tiết kiệm tại các ngân hàng, trong khi đó tại nước láng giềng Trung Quốc con số này chiếm khoảng 64%. Như vậy, khả năng tiếp cận với thị trường tài chính tín dụng của người dân Việt Nam hiện còn thấp. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát và minh bạch hóa thị trường tài chính nhiều hơn nữa.


Hiện nay, tại khu vực nông thôn, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã phủ sóng rộng khắp. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, nguồn vốn tại hệ thống ngân hàng này cho vay so với nhu cầu của người dân vẫn quá ít. Cũng theo một điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 2008 - 2012 có khoảng 50% hộ nông dân được vay vốn và 60% trong số này vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Như vậy, nhu cầu ủy thác tín dụng chính thức chỉ đáp ứng được khoảng 50% và 50% còn lại thì người dân khi có nhu cầu về vốn vẫn phải tìm từ các nguồn huy động khác, trong đó có tín dụng đen.


Bài toán tín dụng đen xem ra vẫn chưa có lời giải. Bởi theo giới luật sư, hiện tại tín dụng đen vẫn là hoạt động khó kiểm soát, khó xử lý một cách triệt để bởi nó chỉ diễn ra ngầm giữa các cá nhân với nhau, không có một thủ tục vay mượn chính thức nào. Bên cạnh đó hình phạt cho các hành vi này hiện chưa đủ sức răn đe. Do vậy, công tác truyền thông vẫn cần phải được chú trọng hơn nữa khi tăng cường khuyến cáo về những rủi ro của loại hình này tới người dân.

Đỗ Huyền

Nhức nhối tín dụng đen với lãi suất cắt cổ
Nhức nhối tín dụng đen với lãi suất cắt cổ

Không có tiền trả “nợ gốc”, vợ chồng chị Bình bị chủ nợ buộc phải làm thủ tục công chứng, bán đứt nhà và đất cho họ với giá 450 triệu đồng. Cũng kể từ đó, vợ chồng chị Bình phải thuê lại chính căn nhà do mình gầy dựng để tá túc qua ngày...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN