Đó là nhận định của ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, khi nói về tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng hiện nay.
Theo ông Tuấn, tỉ lệ vi phạm xây dựng ở nhà ở riêng lẻ chiếm 2 - 3% trên tổng số công trình được cấp giấy phép, còn tỉ lệ vi phạm ở nhà cao tầng chiếm đến 10% so với số công trình được cấp phép; đồng thời tình trạng này sẽ tăng trong thời gian tới. Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 145 công trình cao tầng đang thi công, trong đó có 15 công trình vi phạm về xây dựng và có một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Một trong các nguyên nhân để xảy ra vi phạm tại các công trình xây dựng cao tầng là do năng lực quản lý còn hạn chế.
Các công trình xây dựng nhà cao tầng cần tuân thủ nghiêm ngặt việc xin giấy phép xây dựng để hạn chế vi phạm. Ảnh minh họa |
“Hiện nay việc quản lý trật tự xây dựng có sự phối hợp nhưng rõ ràng trong phối hợp vẫn còn thể hiện sự bất cập. Điều này sẽ dẫn tới việc đùn đẩy, sơ hở mà hậu quả là tình trạng vi phạm xây dựng như thời gian qua. Tình trạng này giống như quả bom nổ chậm không biết nổ lúc nào”, ông Tuấn cho biết thêm.
Theo ông Tuấn, để nâng cao năng lực quản lý về trật tự xây dựng, nhất là đối với nhà cao tầng, Sở Xây dựng dự tính đưa lực lượng thanh tra xây dựng về lại các quận, huyện, khi đó họ sẽ được gọi là trật tự đô thị. Các quận, huyện thống nhất thì Sở sẽ trình kế hoạch lên UBND TP Hồ Chí Minh trong thời gian sớm nhất. Sở cũng đang tham mưu UBND TP ban hành chỉ thị nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm công chức vi phạm.
Ngoài ra, tình trạng tranh chấp giữa chủ đầu tư, Ban Quản trị và cư dân ở những chung cư được đầu tư theo Luật Nhà ở cũng đang diễn biến phức tạp. Những mâu thuẫn này tập trung ở công tác quản lý, vận hành, sở hữu chung, riêng... Chẳng hạn có những chung cư phí quản lý 5 - 6 tỉ đồng/năm nhưng có những chung cư có phí quản lý 50 - 70 tỉ đồng/năm. Do việc quản lý này không thống nhất giữa cư dân và ban quản trị nên tranh chấp mới xảy ra thường xuyên.
Theo ông Tuấn, để giải quyết tình trạng này, đơn vị sẽ phối hợp các quận, huyện tuyên truyền tập huấn pháp luật cho các Ban quản trị cũng như đơn vị vận hành chung cư, tiếp tục nâng cao năng lực của một số Ban quản trị, chủ đầu tư, đơn vị quản lý để hạn chế các vi phạm trên…
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng (xây dựng không phép, sai phép) vẫn còn diễn biến phức tạp ở các địa phương như: quận 7, 9, huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Thành phố cũng đã cấp 38.242 giấy phép xây dựng với tổng diện tích sàn xây dựng 13.154.605 m2. Sở cũng đã tổ chức kiểm tra 51.557 lượt công trình xây dựng (so với cùng kỳ tăng 36%), đã phát hiện 1.595 trường hợp vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, chiếm tỷ lệ 3% trên tổng số lượt kiểm tra (tăng 24% so với cùng kỳ). Trong đó, xây dựng không phép 830/1.595 trường hợp (tăng 36%), công trình sai phép là 557/1.595 trường hợp (tăng 15%).