Gấp rút cải tạo môi trường Thủ đô

Ngày 24/11, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, Tòa Tổng giám mục Hà Nội và Tổng hội Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc, đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới, tầm nhìn 2025”.

Nổi cộm nhiều vấn đề ô nhiễm

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nên ô nhiễm môi trường là vấn đề bức thiết và đang đặt ra cho các tổ chức, cá nhân có những hành động thiết thực, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp. Nổi cộm là vấn đề môi trường về nước và không khí.

Tuyến đường Giải Phóng cạnh bến xe Nước Ngầm và Giáp Bát ùn tắc nhiều giờ đồng hồ.

Đối với vấn đề ô nhiễm nguồn nước thải Hà Nội, hiện mới chỉ khoảng 18% nước thải qua xử lý. Tại các KCN mới có 95% nước thải được xử lý. Trong lĩnh vực chăn nuôi chỉ có 20% trang trại có hệ thống xử lý nước thải. Gần đây, vấn đề môi trường mặt nước ao hồ Hà Nội, liên quan đến hiện tượng cá chết tại Hồ Tây, Linh Đàm và trước đây là hồ Đống Đa khiến dư luận rất quan tâm. Riêng với Hồ Tây có 40 cửa xả thải, trong đó có 8 cửa xả thải nước sinh hoạt. “Nguyên nhân cá chết thời gian vừa qua sẽ do Bộ Tài nguyên Môi trường kết luận, nhưng sơ bộ có thể thấy ngoài vấn đề xả thải nước sinh hoạt, còn có yếu tố tự nhiên, mật độ cá nuôi Hồ Tây lớn, sự bồi lắng bùn nhiều, có nơi bùn dày 1,8 m”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Về vấn đề ô nhiễm không khí, trạm quan trắc tại một số sứ quán tại Hà Nội vào những thời điểm nhất định đã công bố một số tiêu chuẩn ô nhiễm gấp vài lần đến vài chục lần. Nguyên nhân do xả thải ô tô quá đát, xây dựng. “Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm ô nhiễm môi trường. Trước mắt trong năm 2016 sẽ lắp 10 trạm quan trắc không khí tự động, năm 2017 sẽ lắp 50 trạm; đồng thời sẽ lắp 40-50 trạm quan trắc nước thải. Muốn xử lý vấn đề ô nhiễm nước và không khí, trước tiên phải có các thông số cụ thể để có giải pháp phù hợp. Về giải pháp lâu dài và trước mắt là triển khai kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh. Hiện chỉ số cây xanh tại Hà Nội là 6,8 m2 cây xanh/người và hướng tới 10 m2 cây xanh. Qua 6 tháng triển khai, Hà Nội đã trồng mới hơn 150.000 cây xanh”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Triển khai giải pháp đồng bộ

Hà Nội sẽ tiến hành các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. “Hà Nội sẽ xây dựng lộ trình thanh thải ô tô quá đát, triển khai cơ giới hóa thu gom rác, đồng thời xử lý rác thải theo hướng đốt để phát điện. Hà Nội quan tâm phát triển kinh tế xanh, năng lượng xanh, trong đó ưu tiên việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, các hộ nông thôn sử dụng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, để có được môi trường xanh đúng nghĩa cần sự chung tay của tất cả mọi người, của cả hệ thống chính trị, tổ chức xã hội”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội: Năm 2015, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra tại 1.948 đơn vị, xử lý vi phạm hành chính hơn 600 đơn vị với số tiền phạt hơn 12 tỷ đồng. Từ hoạt động thanh kiểm tra, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đề nghị Thanh tra Chính phủ xây dựng, hoàn thiện thể chế để tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động đôn đốc, xử lý sau thanh, kiểm tra được thuận lợi hơn; xây dựng quy định về cưỡng chế trong xử lý sau thanh, kiểm tra; kiện toàn hoạt động của bộ phận xử lý sau thanh, kiểm tra từ Trung ương đến địa phương. Qua đó sẽ tăng cường hiệu quả xử phạt, không để tái phạm

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết: Để phát huy vai trò toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, trong những năm qua, Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức thành viên tuyên truyền các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường, vận động hướng dẫn tổ chức cho nhân dân nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi theo hướng tích cực bảo vệ môi trường ở các địa bàn dân cư; tuyên truyền và tôn vinh những mô hình, điển hình tiên tiến, phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường cấp phát hơn 253.000 lượt tờ rơi đến từng hộ gia đình thực hiện nề nếp việc tổng vệ sinh ở khu dân cư vào sáng thứ 7 hoặc ngày chủ nhật xanh sạch.
X.C
Đốt rơm rạ gây ô nhiễm bụi mịn rất đáng lo ngại
Đốt rơm rạ gây ô nhiễm bụi mịn rất đáng lo ngại

Với ô nhiễm bụi mịn thì khẩu trang cũng vô ích, bụi chui sâu vào phổi, gây các bệnh về hô hấp, thậm chí ung thư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN