Điều đáng nói, việc dùng máy kích điện bắt giun đất, đặc biệt trên đất nông nghiệp với số lượng lớn làm mất cân bằng sinh thái, gây ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng… Trong khi đó, việc xử lý cho việc tận diệt giun đất này đang gặp rất nhiều khó khăn cho ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ và chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Có mặt tại xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, chúng tôi bắt gặp một số thương lái dựng lán, ngồi chờ thu mua giun đất của những người dân đi đánh bắt giun đất về bán. Phía xa xa, một một cặp vợ chồng đang cắm hì hục đưa kích điện cắm xuống ruộng, chỉ khoảng vài giây đồng hồ những chú giun đất ngoi lên khỏi mặt ruộng và sau đó được cặp vợ chồng này nhặt vào xô. Cứ như thế, bình quân mỗi ngày cặp vợ chồng này có thể đánh bắt được từ 22 - 30 kg mỗi ngày, thậm chí là nhiều hơn.
Thấy chúng tôi xuất hiện, cặp vợ chồng này di chuyển dần về phía trước, nhằm tránh sự tiếp cận của phóng viên và từ chối mọi câu hỏi của phóng viên.
Tại lán trại, một người đàn ông trung tuổi chuyên thu mua, gom giun đất cho biết, mới đầu một người dân có thể bắt được từ 40 - 50 kg giun mỗi ngày, sau đó thuê người mổ cả đêm. “Nếu như người mới đến đây thì không chịu nổi bởi mùi thối…”, người đàn ông này cho hay!
Anh Nguyễn Đình Nghiệp, khu 6 xã Tam Sơn, huyện Cẩm Khê cho biết, trước đây, anh được các thương lái thuê mổ, công mổ giun được thương lái trả 5.000 đồng/kg. Bình quân một ngày có thể mổ được 1 tạ, cũng kiếm được 500.000 đồng.
“Nhưng đó là chuyện trước đây, còn bây giờ tôi không mổ nữa bởi việc việc đánh bắt giun là một hành vi vi phạm đang bị cấm, vì thế việc mổ giun đồng nghĩa là tiếp tay cho những vi phạm nên tôi “giải nghệ” anh Nghiệp chia sẻ!.
Hiện tượng người nông dân đã và đang trở thành những bậc thầy “săn” giun đã diễn ra nhiều tháng nay tại các xã thuộc huyện Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Sơn, Hạ Hòa… Tuy lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã nhắc nhở và yêu cầu người dân dừng ngay việc tận diệt giun đất nhưng tình trạng này thực tế vẫn đang diễn ra.
Đại diện lãnh đạo các xã cho biết, các xã đã tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các hộ bắt, thu mua giun đất chấm dứt ngay việc đánh bắt giun đất. Bởi nó có ảnh hưởng trực tiếp không tốt tới việc sản xuất nông nghiệp của chính người nông dân nên hoạt động đánh bắt giun đất đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một vài hộ vì quá tham lợi nhuận đã bắt trộm, hoặc đi sang các xã lân cận để đánh bắt. Xã đã nhiều lần nhắc nhỏ, lập biên bản, nếu cố tình tiếp tục đánh bắt sẽ xử lý theo quy định…
Giun đất có vai trò rất lớn đối với ngành nông nghiệp bởi chúng làm đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu cho đất… Với giá bán khá cao (từ 22.000 - 30.000 đồng/kg giun tươi), trong khi sử dụng máy kích điện khiến việc bắt giun rất dễ dàng nên một số hộ dân trên ở các huyện trên đã bắt giun đất với số lượng lớn để đem bán.
Ngay khi tình trạng này xảy ra, các cấp chính quyền địa phương đã vào cuộc kiểm tra, kiểm soát; đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của việc làm này.
Trung tá Trần Anh Vũ, Đội Trưởng đội an ninh, Công an huyện Cẩm khê cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã xuất hiện người dân dùng một số thiết bị kích điện để đánh bắt các loại giun đất, trung bình 1 ngày một người dân có thể bắt được từ 20 - 30 kg giun đất. Trước tình hình này, lực lượng công an huyện phối hợp với công an các xã thường xuyên tuần tra, canh gác và đã phát hiện, lập biên bản đối với một số hộ dân trong việc đánh bắt, thu mua giun đất.
UBND huyện Cẩm Khê cũng có văn bản yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xác minh làm rõ các hoạt động thu mua, chế biến giun đất cũng như tình trạng ô nhiễm do hoạt động mổ, sấy giun đất trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định của phát luật…
Ông Phan Văn Đạo, Chi Cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Thọ cho biết, con giun đất rất có lợi cho người dân và được ví như một lưỡi cày sinh học của nhà nông, giun làm cho đất tơi xốp và là một mắt sinh quan trọng trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng, tạo điều kiện để sinh các chất hữu cơ có lợi cho cây trồng, giúp cho cây trồng phát triển rất tốt. Bởi vậy, việc đánh bắt giun đất là một hoạt động hủy diệt làm ảnh hưởng đến hệ sinh vật trong đất, ảnh hưởng đến môi trường…
Bên cạnh đó, việc đánh bắt giun đất bằng kích điện đã vi phạm vào những hành vi bị cấm. Vì vậy, mọi hoạt động đánh bắt giun đất, đặc biệt là đánh bắt giun đất bằng kích điện đều là vi phạm vào điều 2, khoản 7 của Luật Bảo về môi trường năm 2014.
Hiện nay, chưa có chế tài xử phạt hành vi sử dụng máy kích điện để bắt giun nên chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp trước mắt, thời gian tới ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các huyện, thị, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát về lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý; chủ động nắm bắt tình hình và khi phát hiện các đối tượng dùng kích điện bắt giun tiến hành lập biên bản nhắc nhở, xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đề nghị bà con nhân dân tố giác những đối tượng cố tình đánh bắt giun đất trên địa bàn; báo cáo với chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý và ngăn chặn kịp thời.