Dùng cỏ khô làm thức ăn cho gia súc vào mùa đông

Cỏ khô loại tốt là một trong những nguồn cung cấp protein, gluxit, vitamin và chất khoáng chủ yếu, đặc biệt cho gia súc vụ đông. Hàm lượng và thành phần các chất dinh dưỡng trong cỏ khô có sự khác nhau rất rõ rệt và tùy thuộc vào thành phần thực vật của cây cỏ, điều kiện đất đai và khí hậu, loại và liều lượng phân bón sử dụng, thời gian thu hoạch cỏ, tình trạng thời tiết lúc cắt cỏ và kỹ thuật phơi, sấy. Giai đoạn phát triển thực vật lúc thu hoạch cỏ để phơi khô cũng ảnh hưởng rất nhiều đến thành phần hóa học của nó. Theo mức độ thành thục và già đi của cây, hàm lượng xenluloza trong cỏ tăng lên, còn hàm lượng protein, vitamin và chất khoáng lại giảm xuống.

Đối với các loại cỏ bộ đậu (cỏ stylo, cỏ medicago và cỏ ba lá...), tốt nhất là thu hoạch vào giai đoạn có nụ hoa vì khi đó hàm lượng protein trong cỏ khô cao nhất. Cỏ được trồng ở những nơi đất mầu mỡ chứa nhiều caroten (tiền chất tạo vitamin A) hơn nơi đất cằn cỗi. Vì vậy, đối với những nơi cằn cỗi cần bón thêm phân đạm cho cỏ. Trong thành phần cỏ khô có nhiều loại cây bộ đậu thì lượng caroten càng phong phú.

Điều đáng chú ý nữa là hàm lượng vitamin D trong cỏ khô. Trong cây xanh không có vitamin D nhưng lại có ergosterin (tiền chất tạo vitamin D2). Khi phơi nắng, dưới ảnh hưởng của tia cực tím, ergosterin tạo thành vitamin D2. Cỏ sấy khô nhân tạo hầu như không có vitamin D. Rõ ràng là, nếu cỏ khô giầu vitamin A thì lại rất nghèo vitamin D và ngược lại, vì ánh sáng mặt trời phá hủy vitamin A nhưng lại thúc đẩy quá trình tạo thành vitamin D. Nếu cỏ khô bị mưa thì hàm lượng vitamin A và D trong đó giảm rõ rệt, và trong trường hợp này cho dù gia súc được cung cấp số lượng lớn cỏ khô vẫn không thể thỏa mãn được nhu cầu của chúng.

XM (theo TTKNQG)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN