Dự báo, thời tiết trên địa bàn Đồng Nai còn tiếp tục nắng nóng gay gắt. Do đó, địa phương cần chủ động ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa có công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong thời gian tới, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa hè. Nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Do đó, nguy cơ tiếp tục xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khu vực Nam Bộ.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, lượng mưa đến ngày 8/4/2024 đạt 0,1% so với trung bình nhiều năm; từ tháng 3 đến tháng 5 là thời kỳ cao điểm nắng nóng với nhiệt độ cao nhất có thể từ 38 - 39 độ C. Nhiệt độ trung bình các tháng 3, 4, 5/2024 cao hơn trung bình nhiều năm, có một vài đợt nắng nóng diện rộng, khả năng nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất từ 37 - 39 độ C; số ngày có nắng nóng có thể từ 15 - 20 ngày.
Tổng lượng mưa trong mùa khô phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm dẫn đến khả năng thiếu nước ngọt cho đời sống và cây trồng. Mực nước tại các sông, suối trên địa bàn xuống thấp trong mùa khô, đề phòng tình trạng thiếu hụt nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt có thể xảy ra.
Để hạn chế thiệt hại do nắng nóng, khôn hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn đối với sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu, các đơn vị, địa phương theo dõi sát tình hình, tăng cường chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai, thời tiết cực đoan, nhất là nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền người dân có ý thức tích trữ nước; trường hợp xảy ra thiếu nước, không cung cấp đủ cho nhu cầu sử dụng thì ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt và cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao.
Các sở, ban, ngành theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động phân phối nguồn nước phù hợp cho sinh hoạt, sản xuất; phối hợp với Công ty thủy điện Trị An và Công ty thủy điện Phú Tân 2 rà soát phương án sản xuất điện, ưu tiên nguồn nước của các hồ chứa thủy điện phục vụ phòng, chống hạn hán, thiếu nước, đẩy mặn cho vùng hạ du…
Đồng Nai có hơn 280.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh đã hình thành 300 vùng sản xuất tập trung với một số cây lâu năm có diện tích lớn như cao su, điều, hồ tiêu, cà phê, chuối, xoài, bưởi, chôm chôm, sầu riêng, mít… Địa phương hiện có 139 công trình thủy lợi đang hoạt động với tổng năng lực phục vụ tưới tiêu khoảng 64.000 ha. Thời tiết nắng nóng, khô hạn những tháng vừa qua khiến nhiều diện tích cây trồng bị chết, suy kiệt, giảm năng suất; một số khu vực người dân thiếu nước sinh hoạt.