Dự án trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu: Đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người dân khi thu hồi đất

Trong quá trình triển khai Dự án trụ sở Bộ Công an 44 Yết Kiêu (Hà Nội), các chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được áp dụng theo đúng quy định của pháp luật. Đến cuối năm 2023, nhiều hộ dân đã nhận tiền đền bù và chấp hành việc di dời đến nơi ở mới.

Theo thông báo của Bộ Công an, từ ngày 4/12/2023, Bộ Công an chuyển trụ sở làm việc từ địa điểm số 44 Yết Kiêu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; sang địa điểm số 30 Trần Bình Trọng, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Việc chuyển trụ sở là nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản về việc bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh để xây dựng, mở rộng trụ sở Bộ Công an.

Đảm bảo quyền lợi cho người dân từ chính sách đặc thù: Tái định cư bằng đất ở

Trong khi các dự án khác chỉ được tái định cư bằng căn hộ tại quỹ nhà do thành phố bố trí, dự án Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu được bố trí tái định cư bằng đất ở tại Khu đất tái định cư thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Khu đất có diện tích 32.695 m2, trong đó có 9.894,56 m2 quy hoạch đất ở, còn lại là quy hoạch đường giao thông, bãi đỗ xe, cây xanh.

Khu đất đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, vỉa hè, cấp điện, chiếu sáng, cấp thoát nước... trước là để đấu giá, sau đó được chuyển đổi tái định cư cho các hộ dân thuộc dự án. Khu đất có vị trí thuận lợi, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, trong vùng quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ và du lịch.

Diện tích tái định cư theo quy định tối thiểu là 40m2, tuy nhiên dự án đã được UBND TP chấp thuận cơ cấu diện tích tái định cư thấp nhất là 56m2 để đảm bảo nguyên tắc nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ.

Video phóng viên ghi nhận sự đồng thuận của nhiều người dân về dự án này:

Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, ông Chu Văn Chúc (Tập thể 151 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) cho biết lý do gia đình bàn giao ngôi nhà đang ở để thực hiện dự án là vì cơ quan chức năng đã giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia và lợi ích của người dân bằng việc coi đây là dự án trọng điểm, từ đó đưa ra các chính sách đặc thù về hỗ trợ bồi thường cho chúng tôi bằng đất ở và tiền hỗ trợ cao.

Theo ông Chu Văn Chúc, đất ở có giá trị sở hữu lâu dài, làm tài sản tích lũy, phù hợp với tâm lý "ăn chắc mặc bền" của nhiều người Việt, nhất là người “có tuổi” như ông. Do được sở hữu riêng, nên chủ nhà có thể xây dựng theo ý mình, hoặc có thể bán đi dễ dàng, giá trị cao hơn hẳn căn hộ.

“Khu đất tái định cư tại Mai Lâm, Đông Anh đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng, nên ngay sau khi nhận đất, nhiều người đã tìm đến tôi mua lại với giá cao hơn gần 1 tỷ đồng so với giá gốc ban đầu”, ông Chu Văn Chúc chia sẻ.

Ông Ngô Văn Chương (151 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) cho rằng, việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) bằng đất ở thuận lợi hơn với người dân làm nghề tự do, buôn bán. Bởi căn hộ thường phù hợp hơn với các gia đình trẻ, có công việc ổn định trong cơ quan, xí nghiệp... còn với người có tuổi như gia đình ông hay với người làm nghề buôn bán, tự do thì được hỗ trợ đền bù bằng đất ở phù hợp hơn căn hộ.

Ông cũng chia sẻ thêm về mức bồi thường, với căn hộ hơn 20m2, gia đình ông Ngô Văn Chương nhận được 3,8 tỷ đồng, trong khi giá thị trường căn hộ bán được khoảng 1,5 tỷ đồng đã là may mắn. “Tôi được mua đất tái định cư tại Mai Lâm, Đông Anh, vẫn còn tiền cầm về cho con cháu, như vậy là hài lòng rồi”, ông Ngô Văn Chương nói.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (151 Lê Duẩn, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) cũng đã bàn giao căn nhà 3 tầng mà gia đình sinh sống bấy lâu nay để phục vụ dự án. Bà cho biết: “Việc đền bù rất thoả đáng, nên tôi là một trong những người nhận đền bù đầu tiên và bàn giao nhà luôn. Nhà tôi 3 tầng, tổng diện tích 53,5m2, được đền bù 7,9 tỷ đồng, trừ tiền mua đất tái định cư ở Mai Lâm, Đông Anh, tôi còn dư số tiền 6,2 tỷ đồng. Như vậy, mình vừa góp sức cho dự án mục đích lợi ích quốc gia, vừa bảo đảm được cuộc sống”.

Ngoài ra, UBND TP còn chấp thuận chính sách tái định cư bằng nhà ở chung cư hoặc nhận tiền để tự lo tái định cư để người dân có nhiều phương án lựa chọn. Khi di chuyển, UBND TP đã bố trí quỹ nhà tạm cư tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên đảm bảo điều kiện sinh sống cho người dân, thời gian sử dụng trong 1 năm và người dân không phải trả khoản tiền thuê nhà.

Khẳng định với phóng viên báo Tin tức, ông Nguyễn An Tuyến, Chủ tịch UBND phường Cửa Nam,  cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 30/59 hộ dân chấp hành di chuyển và bàn giao mặt bằng.

Tất cả các văn bản, quy định, thông báo, thông tin dự án, các bước thực hiện công tác GPMB, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đều được thực hiện công khai, niêm yết minh bạch theo đúng quy định, trình tự của pháp luật. UBND quận Hoàn Kiếm cũng thường xuyên chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm, UBND phường Cửa Nam tiếp nhận, lắng nghe, đối thoại, giải đáp vấn đề người dân quan tâm, tâm tư nguyện vọng của người dân...

“UBND phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm rất mong nhận được sự đồng tình, ủng hộ, chấp hành của các hộ gia đình, cá nhân. Đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân, đóng góp vào công tác thực hiện quốc phòng an ninh của Đảng và Nhà nước”, Chủ tịch UBND phường Cửa Nam bày tỏ.

Dự án vì vì mục đích an ninh và vì lợi ích quốc gia

Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội được Liên Xô (cũ) viện trợ, đầu tư xây dựng từ năm 1976. Đến nay, mặc dù đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng yêu cầu công tác, chiến đấu. Công trình nằm xen kẹt với khu đông dân cư, tường rào trụ sở liền kề với nhà dân, từ bên ngoài có thể quan sát được các hoạt động diễn ra bên trong trụ sở.

Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nguy cơ lộ lọt bí mật nhà nước, lộ lọt thông tin triển khai các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Công an bên trong trụ sở là rất cao nếu không nằm độc lập, tách biệt với khu dân cư, ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Chú thích ảnh
Quy trình thực hiện cưỡng chế được thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật.

Trong khi đó, trụ sở tại số 47 Phạm Văn Đồng được đưa vào sử dụng vào năm 2010, nhưng phần lớn diện tích tại đây phải chuyển đổi công năng sử dụng để phục vụ xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, nên không thể di chuyển trụ sở ra 47 Phạm Văn Đồng.

Do vậy, việc hiện đại hóa, đầu tư xây dựng, mở rộng trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội giữ vai trò là trung tâm chỉ huy, chỉ đạo, điều hành toàn diện, mọi mặt công tác Công an, là biểu tượng sức mạnh chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...

Đây là dự án vì mục đích an ninh và vì lợi ích quốc gia, trong trường hợp hộ dân không đồng thuận, vẫn cố tình không chấp hành di chuyển, bàn giao mặt bằng, sau khi đủ thời gian 180 ngày theo quy định (26/12/2023), UBND quận Hoàn Kiếm sẽ ban hành Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư và tiến hành biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật đất đai năm 2013.

Đồng thời theo quy định khi bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất các hộ dân sẽ phải di chuyển về quỹ nhà cưỡng chế tại Xuân Nộn, Đông Anh, do Sở Xây dựng Hà Nội bố trí và các khoản tiền bồi thường chi phí di chuyển, thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng sẽ không được áp dụng.

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 9/5/2023 (trong đó nêu rõ: Về quy mô đầu tư: Thu hồi khoảng 0,6 ha đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để giải phóng mặt bằng Trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu, TP Hà Nội; Về địa điểm thực hiện dự án: Phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm và phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng; Về thời gian, tiến độ thực hiện, giai đoạn 1: Năm 2023; Sau đó Bộ Công an đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình trụ sở Bộ Công an số 44 Yết Kiêu.

Theo Đồ án Quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của 36 Bộ, ngành Trung ương tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 423 ngày 20/4/2023 với phạm vi quy hoạch là toàn bộ hệ thống trụ sở làm việc của 36 Bộ, ngành Trung ương trong địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, bao gồm cả khu vực nội đô lịch sử thì Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và 13 cơ quan khác được ổn định vị trí, không thuộc diện di dời về Khu trụ sở bộ, ngành trung ương tập trung tại Tây Hồ Tây và Mễ Trì.

Trung Nguyên/Báo Tin tức
Cụm thi đua số 4, Bộ Công an phát huy hiệu quả phong trào thi đua 'Vì an ninh Tổ quốc'
Cụm thi đua số 4, Bộ Công an phát huy hiệu quả phong trào thi đua 'Vì an ninh Tổ quốc'

Ngày 24/11, tại Vĩnh Phúc, Cụm thi đua số 4, Bộ Công an gồm Công an 8 tỉnh: Bắc Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN