Trong thời gian qua, với sự quyết tâm cao độ và sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh Đồng Nai, dự án di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang được xúc tiến nhằm bảo vệ sông Đồng Nai, cũng là bảo vệ nguồn nước sạch cho 20 triệu dân, vì sự phát triển bền vững của cả khu vực. Để bạn đọc rõ hơn từng bước đi cụ thể trong dự án chưa có tiền lệ này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Đinh Quốc Thái (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về vấn đề này.
´Di dời một khu công nghiệp tập trung lớn như Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là chưa từng có ở nước ta. Vậy khi triển khai dự án này sẽ gặp khó khăn, thuận lợi gì?
Khu kỹ nghệ Biên Hòa (nay là KCN Biên Hòa 1) được hình thành từ trước năm 1975 là KCN đầu tiên của miền Nam Việt Nam. Trải qua gần 50 năm hoạt động, KCN Biên Hòa 1 đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình đối với quá trình phát triển công nghiệp của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường do KCN Biên Hòa 1 gây ra là nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước sạch cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương nhưng khó có giải pháp khắc phục triệt để do điều kiện thiết bị công nghệ cũ kỹ và kinh phí thực hiện của các doanh nghiệp. Do vậy việc chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hòa 1 là cấp bách và cần thiết.
Thuận lợi trong việc triển khai dự án là được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, giao UBND tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan lập dự án, trong đó làm rõ cơ chế, chính sách và các điều kiện thuận lợi để di chuyển các doanh nghiệp, nhà máy ra ngoài KCN Biên Hòa 1, bảo đảm phù hợp với quy hoạch và trình duyệt theo quy định. Việc triển khai thành công dự án sẽ giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường sông Đồng Nai, góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc thành phố Biên Hòa; các nhà máy sẽ được di dời tới địa điểm khác được quy hoạch phù hợp với ngành nghề sản xuất và đây cũng là cơ hội để các nhà máy có điều kiện đổi mới công nghệ, đổi mới thiết bị để sản xuất hiệu quả hơn.
Khu xử lý nước thải của một nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 chưa đạt tiêu chuẩn. Ảnh: TPO |
Bên cạnh thuận lợi thì các khó khăn cũng rất nhiều, vì việc chuyển đổi công năng một KCN hoạt động lâu năm là chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Nhiều lĩnh vực về kinh tế và xã hội cần cân nhắc thận trọng. Do vậy UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 581/QĐ - UBND ngày 5/3/2010 thành lập Ban chỉ đạo Dự án chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 gồm lãnh đạo các sở, ngành địa phương liên quan do một đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Ban chỉ đạo có trách nhiệm nghiên cứu toàn diện, đề xuất các phương án để lãnh đạo tỉnh xem xét thống nhất báo cáo xin chủ trương của Chính phủ trước khi tổ chức thực hiện.
´Các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa 1 nói chung đều thống nhất với chủ trương của tỉnh Đồng Nai về việc di dời. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng di dời sẽ gặp những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và cả việc “giữ chân” khách hàng và duy trì thương hiệu trong thời gian di dời... Vậy tỉnh Đồng Nai sẽ có những biện pháp gì để không chỉ giải quyết những khó khăn đó mà còn giúp cho doanh nghiệp có cơ hội phát triển bền vững?
Nhìn chung lúc đầu khi mới có chủ trương trên, nhiều doanh nghiệp lo lắng vì việc di dời chắc chắn doanh nghiệp sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, nhưng càng về sau thì hầu hết các doanh nghiệp đều ủng hộ chủ trương di dời và cho rằng việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 là một xu thế phát triển tất yếu.
Để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu xây dựng đề án phù hợp với nguyện vọng của doanh nghiệp và các qui định chung, Ban Chỉ đạo đã tổ chức đợt gửi phiếu khảo sát ý kiến các doanh nghiệp ngày 17/11/2009 và ngày 22/5/2012, và tổ chức đợt đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp vào các ngày 2 và 3/11/2010.
Tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, Đề án đề xuất cụ thể về tiến độ thực hiện theo từng khu vực, chuẩn bị địa điểm di dời, đặc biệt là chú trọng về cơ chế chính sách di dời. Đây là vấn đề tất cả các doanh nghiệp đều quan tâm đề nghị nghiên cứu giải quyết thỏa đáng. Tuy nhiên cơ chế cho việc di dời KCN chưa có qui định cụ thể nên phải vận dụng các qui định liên quan để kiến nghị Trung ương xem xét.
´ Khu công nghiệp Biên Hòa 1 hiện có gần 30.000 lao động, vậy khi di dời thì tỉnh Đồng Nai sẽ có chủ trương nào để tạo công ăn việc làm cũng như bảo đảm đời sống cho người lao động?
Đề án đề xuất thực hiện chính sách bồi thường hỗ trợ di dời theo đúng Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế tài chính phục vụ di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị như các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp di dời do ngừng việc, nghỉ việc, ngừng sản xuất, đào tạo nghề... Bên cạnh đó tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vị trí đất xây dựng nhà ở công nhân ở gần nơi nhà máy di dời đến.
´Di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 là một dự án lớn đòi hỏi nhiều nguồn lực trong một thời gian dài. Vậy tỉnh Đồng Nai có cơ chế chính sách gì nhằm thu hút nhà đầu tư, tạo nguồn lực để triển khai thành công dự án?
Hiện nay các chính sách di dời doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 và phương án đầu tư khai thác quĩ đất KCN Biên Hòa 1 sau khi các nhà máy di dời đang trong quá trình xem xét báo cáo xin ý kiến Trung ương, đề xuất xin được ưu đãi ở mức cao nhất.
Tuy nhiên nguyên tắc chung là tỉnh sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp trong KCN thuộc diện di dời, và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư dự án theo phương án được Chính phủ phê duyệt.
´Dự án di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 mang mục tiêu tổng hợp từ kinh tế đến xã hội, từ hiện đại hóa đô thị đến bảo vệ môi trường; liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong phạm vi điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật và nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Vậy thì tỉnh Đồng Nai có kiến nghị Trung ương cho áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù gì?
Mục tiêu chính của dự án là góp phần giải quyết triệt để việc ô nhiễm môi trường nước và không khí của KCN Biên Hòa 1, bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai. Do đây là dự án quy mô lớn và chưa có tiền lệ, hiệu quả kinh doanh thấp nhưng hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn, cần có sự hỗ trợ của tỉnh, và kiến nghị Trung ương cho phép thực hiện cơ chế chính sách đặc thù.
UBND tỉnh sẽ giao các cơ quan chức năng nghiên cứu để ban hành quy chế hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho các doanh nghiệp di dời đến địa điểm sản xuất mới; bổ sung các tuyến xe buýt để vận chuyển công nhân đến các địa điểm di dời; v.v...
Đồng thời, tỉnh đang kiến nghị Trung ương xem xét các chính sách tài chính hỗ trợ trực tiếp cho Công ty đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp thuộc diện di dời.
Sau khi được Trung ương thống nhất chủ trương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo tiến độ đề ra.
Viết Tôn - An Châu (thực hiện)