Dự án cứu sông Đồng Nai - Kỳ 2: Cắt nguồn ô nhiễm

Quyết định di dời KCN Biên Hòa 1 được xem là giải pháp xóa đi một nguồn gây ô nhiễm sông Đồng Nai. Bởi những vấn đề tồn tại, khó giải quyết trong công tác xử lý nước thải và môi trường tại KCN này đang thực sự là mối nguy hại khôn lường đối với dòng sông đang cung cấp nguồn nước cho 20 triệu người dân trong khu vực kinh tế phía Nam.


 

Sông Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng.

 

Hiện nay, mỗi ngày, 105 doanh nghiệp đóng tại KCN Biên Hòa 1 xả ra lượng nước thải khoảng 7.745 m3. Trong số này, chỉ có 1.153 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa 2 để xử lý, lượng nước thải còn lại được các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm qua đã tạo cho sông Đồng Nai một gánh nặng quá sức so với khả năng tự làm sạch tự nhiên, dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên sông ngày một trở nên trầm trọng.

 

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường


Theo các báo cáo giám sát môi trường KCN Biên Hòa 1 do Tổng công ty Sonadezi thực hiện trong năm 2012, kết quả phân tích chất lượng nước tại các điểm xả từ KCN Biên Hòa 1 ra sông Đồng Nai có các chỉ tiêu vượt QCVN 40:2011/BTNMT, cột A như chất rắn lơ lửng (SS), Sắt (Fe), N-NH4+, coliform do nước từ các nguồn thải này bao gồm nước thải tự xử lý từ các nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 và nước thải từ các khu dân cư lân cận chỉ được xử lý qua bể tự hoại. Đối với nước thải của các nhà máy ký hợp đồng xử lý nước thải, nước thải được thu gom về xử lý tại nhà máy xử lý nước thải Biên Hòa 2, nước sau xử lý sẽ ra suối Bà Lúa rồi ra sông Đồng Nai. Còn lại, nước thải từ các doanh nghiệp không đấu nối về hệ thống xử lý nước thải tập trung sẽ thoát ra sông Đồng Nai theo 7 điểm xả chung từ KCN Biên Hòa 1 vào nhánh sông Cái - sông Đồng Nai.


Nhiều năm qua, lượng nước thải chưa qua xử lý hoặc qua xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn môi trường quy định của KCN Biên Hòa 1 là một trong các tác nhân ảnh hưởng đến sự giảm sút của chất lượng nước trên sông Đồng Nai, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của người dân và các doanh nghiệp. Theo ghi nhận, tình trạng ô nhiễm ở khu vực sông Đồng Nai đã được báo động từ nhiều năm trước và đến nay tình trạng ô nhiễm này vẫn còn tái diễn. Tại khu vực làng cá bè ở phường Thống Nhất, phường An Bình, xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa), có những đoạn nước sông vẫn đục, bốc mùi. Khảo sát cho thấy nhánh sông Cái nằm trên sông Đồng Nai cũng là nguồn tiếp nhận nước thải từ KCN Biên Hòa 1 và các loại nước thải đa dạng, chưa được xử lý tốt từ TP Biên Hòa, từ hoạt động giao thông thủy, nuôi cá bè,… nên chất lượng nước chưa đạt yêu cầu, bị ô nhiễm hữu cơ và vi khuẩn gây bệnh như coliform.


Tổng Công ty Sonadezi cho biết, kết quả xử lý nước thải của các cơ sở tự xử lý nước thải trong KCN Biên Hòa 1 có một số chỉ tiêu thường vượt giới hạn cho phép là tổng chất rắn lơ lửng, COD, BOD5, Chì (Pb), coliform. Với lượng lớn nước thải không đạt tiêu chuẩn môi trường đang xả trực tiếp ra sông Đồng Nai như hiện nay thì việc duy trì hoạt động của KCN Biên Hòa 1 là một mối nguy hại đối với sông Đồng Nai.

 

Cần di chuyển để cứu môi trường


Vì sao KCN Biên Hòa 1 lại xảy ra tình trạng gây ô nhiễm đối với sông Đồng Nai và môi trường xung quanh trong nhiều năm qua mà không thể giải quyết triệt để, không thể khắc phục và buộc phải di dời để cứu lấy sông Đồng Nai?


Tổng Công ty Sonadezi cho biết, một số nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 hiện vẫn đang kế thừa cơ sở vật chất của các nhà máy cũ trước 1975 với các thiết bị, công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu, năng lực sản xuất yếu kém dẫn đến không có khả năng tài chính để đổi mới công nghệ. Mặt khác, phần lớn các nhà máy, đơn vị trong KCN Biên Hòa 1 là đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc nên quyền tự chủ trong việc sản xuất, kinh doanh nhất là trong việc xây dựng cơ sở vật chất, thay đổi công nghệ, thiết bị rất hạn chế. Vì vậy vấn đề bảo vệ môi trường tại các DN trong KCN Biên Hòa 1 chưa được coi trọng, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường KCN Biên Hòa 1 và đặc biệt còn gây ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Đồng Nai và môi trường của các khu dân cư lân cận tại phường An Bình, cù lao Hiệp Hòa.


Bên cạnh đó, do cơ sở vật chất được xây dựng trước 1975 nên ở thời điểm đó hầu hết các nhà máy trong KCN Biên Hòa 1 đều không có hệ thống xử lý nước thải riêng và cũng khó thực hiện việc tách riêng hệ thống nước mưa và hệ thống nước thải trong nội bộ nhà máy để đấu nối vào hệ thống nước thải chung của KCN nên một lượng lớn nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất tại KCN Biên Hòa 1 được xả trực tiếp xuống sông Đồng Nai mà chưa qua bất kỳ một công đoạn xử lý nào, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.


Trước tình hình trên, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đã có nhiều cuộc khảo sát nghiên cứu và đưa ra các biện pháp giải quyết. Phương án xử lý triệt để là triển khai thực hiện dự án cải tạo nâng cấp hạ tầng KCN Biên Hòa 1 đã được triển khai từ năm 2001, đến nay cơ bản hoàn tất. Nước thải phát sinh từ KCN Biên Hòa 1 được thu gom về trạm bơm để đưa về xử lý tại nhà máy xử lý nước thải KCN Biên Hoà 2. Tuy nhiên, các nhà máy lại không có khả năng tách riêng hệ thống nước mưa, nước thải trong nội bộ nhà máy cũng như xây dựng công trình xử lý nước thải sơ bộ trước khi chảy vào hệ thống chung của KCN. Đến nay, dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng KCN Biên Hòa 1 chỉ hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài tường rào các nhà máy, còn hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên trong nhà máy và đặc biệt là việc xây dựng các công trình xử lý nước thải, khí thải của từng nhà máy chưa được triển khai đồng bộ do các nhà máy không có đủ kinh phí để trang trải cho vấn đề bảo vệ môi trường.


Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, muốn giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thì phải cắt nguồn gây ô nhiễm, không thể tiếp diễn tình trạng nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn đổ thẳng ra môi trường như đang tồn tại tại một số khu vực. Do vậy, nếu tiếp tục duy trì hoạt động của KCN Biên Hòa 1 như hiện nay thì vấn đề ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước và môi trường không khí sẽ khó giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp nước sạch cho 1 khu vực lớn dân cư bao gồm Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương.


Bài và ảnh: Viết Tôn - An Châu

Kỳ 3: Mở ra cơ hội phát triển bền vững

Dự án cứu sông Đồng Nai - Kỳ cuối: Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Dự án cứu sông Đồng Nai - Kỳ cuối: Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

Trong thời gian qua, với sự quyết tâm cao độ và sự chỉ đạo sâu sát của tỉnh Đồng Nai, dự án di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1 đang được xúc tiến nhằm bảo vệ sông Đồng Nai, cũng là bảo vệ nguồn nước sạch cho 20 triệu dân, vì sự phát triển bền vững của cả khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN