Dự và chỉ đạo Hội nghị có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công an; lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng; đại diện 68 mô hình điển hình tiên tiến và 265 cá nhân điển hình tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở 13 tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, giai đoạn 2018-2024, 13 địa phương thuộc khu vực Tây Nam Bộ đã xây dựng được 265 mô hình, nhân rộng 67 mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại 457 điểm. Hiện nay, cả nước có trên 4.700 mô hình và 945 điển hình, riêng khu vực Tây Nam Bộ có 891 mô hình và 260 điển hình. Bộ Công an đánh giá, mô hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khu vực Tây Nam Bộ khá phong phú trên nhiều lĩnh vực, phạm vi hoạt động, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa mạnh mẽ.
Qua các mô hình, điển hình, đồng bào dân tộc thiểu số cung cấp cho lực lượng Công an hơn 181.000 nguồn tin, giúp giải quyết gần 34.300 vụ việc. Đồng thời, phối hợp vận động đầu thú và truy bắt 1.638 đối tượng truy nã, trốn thi hành án; tham gia giáo dục, giúp đỡ gần 23.000 người lầm lỗi tại cộng đồng; hòa giải 122.443 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân; vận động giao nộp 18.565 vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ các loại...
Các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều mô hình hiệu quả trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, là điểm sáng theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình như các mô hình: "Rủ nhau làm tốt xóm Chăm" của tỉnh An Giang; "Tổ tự quản trong người Hoa" của tỉnh Bạc Liêu; "Vận động người Hoa trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương" của tỉnh Bến Tre; "Bảo đảm an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc Khmer" của thành phố Cần Thơ; "Ban Quản trị chùa Tam Hiệp tự phòng, tự quản về an ninh trật tự" của tỉnh Cà Mau; “Câu lạc bộ người hoàn lương” của tỉnh Đồng Tháp; "Tổ hòa giải trong vùng đồng bào dân tộc Khmer" của tỉnh Hậu Giang; "Tổ ngư dân đoàn kết giữ gìn an ninh, trật tự trên biển" của tỉnh Kiên Giang; "Chức sắc, chức việc, tăng, ni, phật tử huyện Cần Đước tham gia giữ gìn an ninh, trật tự" của tỉnh Long An...
Tại Hội nghị, đại diện các mô hình, điển hình tiên tiến các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ đã trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và kiến nghị, đề xuất một số biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam Bộ thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng biểu dương các tập thể, cá nhân, đại diện mô hình điển hình tiêu biểu trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam Bộ, giai đoạn 2018 - 2024 với những thành tích, kết quả lan tỏa trong cộng đồng, góp phần giữ vững an ninh trật tự địa bàn.
Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị, các tỉnh trong khu vực Tây Nam Bộ phát huy những kết quả đạt được; đồng thời tiếp tục xác định rõ công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp ủy đảng, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Các tỉnh thường xuyên lồng ghép công tác này với các phong trào thi đua yêu nước, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở từng đơn vị, địa phương và gắn đặc thù địa bàn vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam Bộ; kịp thời động viên, khen thưởng và nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng và mong muốn đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nâng cao vai trò, vị trí, hiệu quả hoạt động, đóng góp nhiều hơn công sức, trí tuệ, kinh nghiệm cho phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng tại khu vực Tây Nam Bộ thời gian tới.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Công an tôn vinh, biểu dương và trao tặng Bằng khen cho 27 tập thể, 41 cá nhân tiêu biểu.