Vui mừng có nhà mới
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và những khu vực chịu nhiều tác động thiên tai.
Căn nhà mới của ông Lại Văn Quang tại xã Mậu Đông (huyện Văn Yên, Yên Bái) đang dần được hoàn thiện
Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị và chương trình hành động, trong đó có: Nghị quyết 41-NQ/TW về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 90/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ chính sách; Chương trình hỗ trợ nhà ở của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm xây dựng nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
Tại các địa phương, phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát đang được triển khai tích cực. Theo kế hoạch, năm 2025, huyện miền núi Văn Yên (Yên Bái) thực xóa 201 nhà tạm, nhà dột nát. Đến đầu tháng 4/2025, các xã, thị trấn đã khởi công 198 căn và đang gấp rút hoàn thiện.
Gia đình ông Lại Văn Quang, thôn Ngọn Ngòi, xã Mậu Đông (huyện Văn Yên, Yên Bái) là hộ nghèo trong xã. Gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng theo chương trình xóa nhà tạm; cộng đồng hỗ trợ hơn 30 triệu đồng và gia đình góp thêm khoảng 100 triệu đồng, để xây dựng nhà mới.
Ông Quang cho biết, căn nhà cũ xây dựng đã 30 năm, do bố mẹ ông để lại. Đợt bão số 3 năm 2024, gió to làm tốc mái, gia đình không có chỗ ở. Vì vậy, khi chính quyền xã vận động, dù gia đình còn nhiềukhó khăn, nhưng vẫn quyết tâm làm nhà mới.
Còn hộ ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Cầu A (xã Mậu Đông) trước đây ở trong ngôi nhà tạm của bố mẹ; hoàn cảnh gia khó khăn do bị tai nạn lao động. Được hỗ trợ theo chương trình xóa nhà tạm, cộng với tiền hỗ trợ của họ hàng, căn nhà mới trị giá gần 171 triệu đồng của ông đã sắp hoàn thành.
Đến giúp ông Hùng hoàn thiện căn nhà mới, anh Nguyễn Thành Luận, cháu ông Hùng cho hay: Khi biết gia đình ông Hùng được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, anh em họ hàng đã bàn nhau hỗ trợ thêm mỗi người một vài triệu đồng hoặc góp ngày công. Căn nhà hiện đã cơ bản thành hình và dự kiến hoàn thành trước dịp 30/4.
Theo ông Phạm Tiến Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Đông, năm 2025, xã Mậu Đông (huyện Văn Yên) có 10 hộ nằm trong diện xoá nhà tạm, nhà dột nát, trong đó, xây mới 7 căn, sửa chữa 3 căn. Từ đầu năm, sau khảo sát và các chủ hộ lên phương án, chính quyền địa phương đã huy động nhân lực hỗ trợ. Đến nay, các hộ đã khởi công và dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2025. Đây là cơ sở để giảm số hộ nghèo, cận nghèo tại địa phương.
Năm 2024, xã còn 41 hộ nghèo, 43 hộ cận nghèo, sau chương trình xoá nhà tạm và tạo sinh kế, năm 2025, xã dự kiến sẽ giảm 22 hộ nghèo và 13 hộ cận nghèo.
Đến trung tuần tháng 4, huyện vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) đã khởi công 767/771 nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công. Để đảm bảo công tác xóa nhà theo đúng tiến độ, các địa phương trên địa bàn huyện đã tập trung chỉ đạo nhân dân chuẩn bị các loại vật liệu để làm nhà.
Hơn 20 năm nay, gia đình ông Chang Bùa Thào, ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, ở trong ngôi nhà tạm, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhất là vào những ngày mưa gió, giá rét. Năm 2025, niềm vui đến với gia đình ông Thào khi được huyện hỗ trợ 60 triệu đồng, ông góp thêm gần 100 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà.
Nậm Có là xã có diện tích rộng thứ 2 của huyện Mù Cang Chải, với 1.746 hộ dân sinh sống; trong đó có 965 hộ nghèo, chiếm trên 55%. Năm 2025, xã được giao xóa 109 nhà cho hộ nghèo, trong đó 103 nhà làm mới, 6 nhà sửa chữa.
Ông Hờ A Chỉnh, Phó Chủ tịch HĐND xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Sau khi có kế hoạch của huyện về việc thực hiện nhà ở, xã cũng đã tổ chức họp triển khai, phân công các đồng chí phụ trách trực tiếp vào bản rà soát các hộ gia đình đăng ký làm nhà trong năm 2025 và tuyên truyền ,vận động các hộ dân địa phương cùng chung tay hỗ trợ vật liệu, ngày công, góp sức xây dựng, đảm bảo tiến độ”.
Là địa phương có trên 33% hộ nghèo, năm 2025, xã Chế Cu Nha cũng được huyện Mù Cang Chải giao chỉ tiêu xoá 48 nhà cho hộ nghèo. Để tập trung xóa nhà tạm xong trước ngày 30/4, xã đã chỉ đạo các ngành đoàn thể vận động hội viên giúp người dân làm nhà ngay sau dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ông Giàng A Ly, Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha bày tỏ: “Ngay sau khi huyện chỉ đạo, xã cũng đã tổ chức hội nghị và thành lập ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công an, dân quân tự vệ cơ sở phụ trách từng hộ gia đình trong danh sách được làm nhà. Xã phấn đấu trước ngày 30/4 hoàn thành toàn bộ 48 căn nhà trong chương trình xoá nhà tạm năm 2025”.
Năm 2025, tỉnh Yên Bái thực hiện xoá 2.208 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công trên địa bàn. Tỉnh đã khởi công hơn 98% số nhà tạm, nhà dột nát và sẽ phấn đấu hoàn thành trong tháng 6/2025.
Tỉnh Lạng Sơn cũng đang gấp rút thực hiện chương trình xóa nhà tạm. Theo thống kê, tỉnh có hơn 4.400 nhà tạm sẽ được xây mới, sửa chữa. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành hơn 1.000 căn và đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào tháng 9/2025.
Nhận căn nhà mới theo dạng chìa khoá trao tay, ông Hoàng Văn Ngụ, thôn Liên Hòa, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) bày tỏ vui mừng khi sắp có ngôi nhà mới dành cho con trai lấy vợ. Ông Ngụ cho biết: "Hai vợ chồng thường xuyên đau yếu, kinh tế gia đình trông chờ vào làm nông, mỗi năm thu nhập chỉ hơn 20 triệu đồng. Với thu nhập đó, gia đình không có tiền để xây dựng nhà mới. Cuối năm 2024, gia đình được Nhà nước trao tặng nhà mới, chúng tôi rất cảm ơn chính quyền vì có cơ hội thoát nghèo, chuyển sang cận nghèo".
Căn nhà mới của ông Hoàng Văn Ngụ theo hình thức chìa khóa trao tay được bàn giao cho gia đình dịp Tết Ất Tỵ 2025.
Còn tại tỉnh Quảng Bình, việc hỗ xóa nhà tạm, nhà dột nát được sự hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Anh Đinh Minh Hoàn, xã Hóa Hợp, huyện Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Trước đây, nhà gỗ của gia đình bị dột nát, mối mọt. Được Nhà nước hỗ trợ 90 triệu, gia đình mới có thể xây nhà mới. Đến khi khởi công, chúng tôi lại được hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội thêm 30 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, để cơi nới diện tích rộng ra, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt”.
Hết cảnh "hễ mưa là dột"
Ở xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, bà Thạch Thị Hoa, 60 tuổi, dân tộc Khmer, không giấu được niềm vui khi nhận căn nhà mới khang trang. Bà Hoa tâm sự, mùa mưa năm nay sẽ không còn là nỗi ám ảnh thường trực. Căn nhà trước đây của bà là nhà lá, đã xuống cấp, mưa nắng đều khổ sở. Nếu không được chính quyền hỗ trợ, cả đời tích cóp, bà cũng không đủ tiền để cất nhà mới...
Bà Thạch Thị Hoa trong căn nhà mới.
Điều kỳ diệu đã đến với bà Hoa khi được hỗ trợ một căn nhà mới từ chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Bộ Công an phối hợp với tỉnh Trà Vinh triển khai. Giọng bà Hoa run run: “Tôi vui lắm. Được Bộ Công an và các đơn vị mạnh thường quân hỗ trợ xây nhà mới, bây giờ không còn sợ mưa rét nữa, có nhà che nắng che mưa, tôi cảm thấy hạnh phúc”.
Ngôi nhà của bà Thạch Thị Hoa là một trong 1.300 căn được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Bộ Công an (50 triệu đồng/căn) và ngân sách tỉnh Trà Vinh đối ứng thêm 15 triệu đồng/căn. Sau gần 4 tháng thi công, tất cả các căn nhà đều hoàn thành đúng tiến độ và được đưa vào sử dụng, giúp bà con ổn định nơi ở, yên tâm lao động, sản xuất. Không chỉ là mái nhà che nắng mưa, mỗi căn nhà còn mang theo hy vọng về một tương lai đổi thay. Bà Hoa giờ đã bắt đầu trồng rau quanh nhà, nuôi thêm gà vịt, có thu nhập nhỏ để sống đỡ vất vả.
Ông Thạch Ngân ở ấp Sa Bình, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, cũng không giấu được xúc động khi nhận nhà mới: “Ngôi nhà được hỗ trợ xây kiên cố, gia đình tôi vui mừng và cảm ơn Đảng, Nhà nước, ngành Công an đã quan tâm, xây dựng cho gia đình căn nhà này”...
Những mái nhà tình nghĩa không chỉ giúp người nghèo có nơi ở an toàn, mà còn là điểm tựa tinh thần cho cả gia đình vượt lên nghịch cảnh. Đằng sau mỗi căn nhà là sự góp sức của nhiều người dân, chiến sĩ công an, chính quyền địa phương, đến những tấm lòng thiện nguyện trong và ngoài tỉnh.
Với bà Hoa, mỗi sáng thức dậy dưới mái nhà mới là một lần thấy cuộc sống đổi khác. Trên sân nhà, những chậu vạn thọ vàng rực đã được bà trồng ngay khi nhận nhà như lời biết ơn thầm lặng. Căn nhà tuy nhỏ, nhưng ấm lòng.
Những căn nhà mới từ chương trình xoá nhà tạm đang mang tới cuộc sống mới với nhiều niềm tin vàý nghĩa, để không ai bị bỏ lại phía sau khi bước vào kỷ nguyên mới.
Bài 2: Tháo gỡ khó khăn, quyết tâm về đích