Theo đơn cầu cứu của các công nhân, tháng 7 vừa qua, trên 300 công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Signature Home Furnishings bất ngờ nhận được thông báo từ phía công ty cho thôi việc đột ngột. Không những không hỗ trợ người lao động, phía doanh nghiệp còn yêu cầu công nhân phải tự nguyện làm đơn xin thôi việc và cam kết không khiếu kiện nếu muốn được hỗ trợ giải quyết bảo hiểm thất nghiệp. Điều đáng nói, trước khi cho công nhân nghỉ việc, công ty vẫn còn nợ người lao động 40 ngày lương và 3 tháng bảo hiểm.
Anh Lâm Thành Lợi, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Signature Home Furnishings cho biết: "Hai vợ chồng tôi quê ở Sóc Trăng, vào Công ty làm từ năm 2020 đến nay. Trước đây, mọi công việc diễn ra bình thường, lương lĩnh đủ. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 6 đến giữa tháng 7 vừa qua, các công nhân làm việc nhưng không thấy công ty trả lương. Khi mọi người thắc mắc thì bất ngờ nhận được thông báo cho thôi việc đột ngột, sau đó là đóng cửa công ty, khiến tất cả công nhân đều nháo nhác lo sợ vì mất việc, trong khi lương vẫn chưa được nhận. Công ty hứa hẹn ngày 19/7 là ngày chậm nhất để trả tiền, nhưng tới nay đã hơn 2 tháng vẫn chưa thấy động tĩnh gì, chủ doanh nghiệp thì “mất tích” đâu không rõ”.
Cùng hoàn cảnh, chị Cáp Thị Thuận, hơn 4 năm gắn bó với công ty này, nhưng đến ngày 11/7, chị bất ngờ bị công ty yêu cầu viết đơn xin nghỉ việc, một ngày sau thì đóng cổng không cho vào công ty. Chị Thuận và các công nhân cho rằng, theo quy định, muốn chấm dứt hợp đồng lao động, phía công ty phải báo trước ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; báo trước ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; báo trước ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.
“Tôi năm nay ngoài 45 tuổi, hơn 2 tháng nay đi xin việc khắp nơi nhưng không có công ty nào nhận. Mong phía đơn vị sử dụng lao động sớm thanh toán đầy đủ chế độ lương, bảo hiểm để tôi còn trang trải cuộc sống. Bởi hiện Công ty vẫn còn nợ tôi 40 ngày lương và 3 tháng bảo hiểm chưa thanh toán”, chị Thuận mong mỏi.
Chị Lê Thị Hoa, công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Signature Home Furnishings bức xúc: "Không chỉ nợ lương, bảo hiểm, ngay cả bảo hiểm thất nghiệp, nhiều công nhân cũng không nhận được vì phía công ty không ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, không chốt sổ bảo hiểm. Trong khi đó, hàng tháng công nhân vẫn bị công ty trừ từ tiền lương 8% để trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1% theo quy định".
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Signature Home Furnishings do ông Abby Rafieha làm Tổng Giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bàn, ghế sofa. Hiện nay, phía công ty đang nợ lương của trên 300 công nhân với số tiền gần 3,2 tỷ đồng và 3 tháng bảo hiểm với số tiền trên 976 triệu đồng; nợ kinh phí công đoàn gần 2,5 tỷ đồng. Trước đó, ngày 11/7, công ty có gửi thông báo nội bộ (được ký bởi ông Tim Lam thuộc tập đoàn Abbyson - Mỹ, quản lý trực tiếp hoạt động của công ty tại Việt Nam tại thời điểm ra thông báo) với nội dung: “Công ty sẽ tạm ngừng hoạt động một thời gian chưa xác định, chờ thông tin từ văn phòng bên Mỹ. Tiền lương tháng 6 của công nhân sẽ được chi trả chậm nhất vào ngày 19/7". Tuy nhiên, đến nay phía công nhân vẫn chưa nhận được khoản lương nào.
Bà Trần Lê Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bình Phước cho biết, ngay sau khi nắm bắt được sự việc, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo Công đoàn các Khu công nghiệp nhanh chóng hỗ trợ người lao động các thủ tục pháp lý gửi đến cơ quan chức năng để hỗ trợ công nhân đòi quyền lợi.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, khó khăn lớn nhất hiện nay là chủ doanh nghiệp đã không còn có mặt ở địa phương. Bên cạnh đó, công ty trên cũng không có quyết định cho thôi việc với các công nhân nên việc giải quyết các chế độ về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo bà Hạnh, theo quy định liên quan đến vấn đề nợ lương, bước đầu tiên phải tổ chức cuộc họp hòa giải giữa các bên, nếu sau khi hòa giải không thành, Công đoàn các Khu công nghiệp sẽ hướng dẫn người lao động khởi kiện ra tòa.
“Hiện tại, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bình Phước cũng đã tạo mẫu đơn miễn tạm ứng án phí để người lao động có thể gửi đơn đến tòa án cũng như tất cả các cơ quan, ban, ngành để có hướng hỗ trợ người lao động đòi lương, đòi bảo hiểm xã hội…”, bà Hạnh cho biết.
Đến thời điểm này, mong muốn lớn nhất của trên 300 công nhân là các cơ quan chức năng, ban, ngành của tỉnh Bình Phước quyết liệt vào cuộc, sớm đòi lại quyền lợi chính đáng cho người lao động.