Đối phó với nguy cơ dịch chồng dịch

Dịch sởi đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố sau 3 năm vắng bóng, thêm vào đó là sự xuất hiện của dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm và lây lan khiến 2 người tử vong trong tháng 1/2014. Trong khi đó, dịch cúm A/H7N9 và cúm A/H10N8 tại Trung Quốc cũng đang lăm le xâm nhập vào Việt Nam trong mùa xuân - mùa thường xảy ra các dịch cúm.


Song hành nhiều chủng cúm


Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp và tăng cao so với năm 2013, riêng trong hơn một tháng đầu năm 2014, đã ghi nhận 151 trường hợp mắc mới, trong đó có 16 trường hợp tử vong. Tính từ tháng 3/2013 đến nay, Trung Quốc ghi nhận 298 ca, trong đó có 63 ca tử vong, tỷ lệ chết trên mắc là 21%; phần lớn trường hợp mắc có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Thêm vào đó, chính quyền Trung Quốc cũng đã xác nhận 2 ca mắc cúm A/H10N8 tại Giang Tây, cả hai đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm; đồng thời chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã thông báo ghi nhận trường hợp mắc cúm A/H6N1 đầu tiên ở người.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Bộ Y tế) đã tiếp nhận điều trị 124 ca cúm nặng, trong đó có 26 ca nhiễm cúm A/H3N1 của ổ dịch đầu tiên tại trường THPT Trí Đức, huyện Từ Liêm (Hà Nội) nhập viện từ 17 đến 23/1.


Tại Việt Nam, theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: “Thời gian vừa qua ngành y tế đã xét nghiệm rất nhiều các ca bệnh, tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có trường hợp nào nhiễm cúm A/H10N8, cúm A/H7N9. Tuy nhiên, trong tháng 1/2014 đã ghi nhận 2 ca tử vong do cúm A/H5N1 tại tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp, cả hai trường hợp đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh”.


Cũng có chung mối lo về nguy cơ bùng phát các dịch cúm trên đàn gia cầm và trên người, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết: “Hai trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 vừa qua đều do người dân không có ý thức tự giác trong việc phòng bệnh cho bản thân và gia đình. Họ vẫn sử dụng gia cầm ốm, chết; điều đáng nói là người ăn không mắc bệnh mà người tiếp xúc lại mắc và tử vong”.


Nguy cơ lây nhiễm cúm A/H5N1 từ gia cầm sang người luôn tiềm ẩn bùng phát do dịch cúm trên gia cầm vẫn liên tiếp được ghi nhận hàng tháng tại nhiều địa phương trong cả nước; thời tiết mùa đông - xuân lại rất thuận lợi cho sự phát triển và lan rộng của virút cúm nói chung và cúm gia cầm nói riêng; cùng với tập tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư.


Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là nguy cơ xâm nhập cúm A/H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam. Bởi lẽ, cũng gây dịch trên đàn gia cầm nhưng virút cúm A/H7N9 khó phát hiện hơn virút cúm A/H5N1, gia cầm nhiễm virút cúm A/H7N9 thường không có biểu hiện bệnh nên khó phát hiện; nhưng khi lây bệnh sang người lại chuyển biến nặng dễ gây tử vong. Thống kê cho thấy, phần lớn các ca bệnh nhiễm cúm A/H7N9 đều bị viêm phổi nặng với các triệu chứng như: sốt, ho và khó thở, dễ dẫn đến suy hô hấp, suy đa phủ tạng, thậm chí tử vong.


“Bộ Y tế khẳng định nguy cơ dịch cúm A/H7N9 xâm nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam trong mùa đông - xuân tới là rất lớn, nhất là khi tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), nơi tiếp giáp với Việt Nam, đã ghi nhận các ca bệnh trên đàn gia cầm và trên người. Hiện nay, do chưa kiểm soát được tình trạng gia cầm nhập lậu nên nguy cơ gia cầm nhiễm virút cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam rất cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc rất khó khống chế dịch trên đàn gia cầm”, TS Trần Đắc Phu nhận định.


Bên cạnh mối lo về dịch cúm gia cầm, TS Trần Đắc Phu cũng cho biết: “Trong một vài tháng tới, bệnh sởi vẫn có thể tiếp tục xảy ra rải rác hoặc thành dịch trên quy mô nhỏ và vừa tại một số địa phương. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nhóm trẻ dưới 10 tuổi chưa được tiêm vắcxin sởi hoặc tiêm vắcxin chưa đủ mũi, đặc biệt là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắcxin sởi thấp trong những năm trước đây hoặc những vùng có biến động dân cư cao”.


Năm 2013, cả nước đã ghi nhận 1.048 trường hợp mắc sởi. Trong tháng 1/2014, đã có 241 trường hợp mắc ở 24 tỉnh/thành phố, số mắc tập trung chủ yếu tại 4 tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, trong đó đã có 3 ca tử vong tại Hà Nội (1 ca) và Yên Bái (2 ca).


Chủ động giám sát và phòng bệnh


Theo TS Trần Đắc Phu, để chủ động phòng chống sự xâm nhập của cúm A/H7N9, cúm A/H10N8, cúm A/H6N1 từ Trung Quốc vào Việt Nam, cũng như sự bùng phát cúm A/H5N1 ở trong nước, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống và sẵn sàng ứng phó dịch bệnh do cúm A(H7N9) và các chủng virút cúm từ gia cầm lây sang người.


Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị ngành y tế thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tình hình dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh do các chủng virút cúm lây truyền từ gia cầm sang người, nhằm triển khai sớm, đồng bộ các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra tử vong, xử lý dứt điểm ổ dịch ngay từ ca bệnh đầu tiên.


Để phòng các bệnh cúm gia cầm, các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo người dân cần đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi, dùng bảo hộ lao động khi tiếp xúc với gia cầm nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt, cần báo cáo với các cơ sở y tế và thông báo cho chính quyền địa phương. Người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng. Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Tuân thủ đúng các nguyên tắc đảm bảo an toàn thực phẩm. Virút cúm không lây truyền bệnh khi sử dụng thực phẩm đã được nấu chín. Nếu có các biểu hiện cúm như: sốt cao, ho, đau đầu, khó thở, nhất là có tiền sử tiếp xúc với người đi từ vùng dịch về hoặc với gia cầm ốm chết thì cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn khám, điều trị kịp thời...


Đối với bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo các bà mẹ cách tốt nhất là nên đưa trẻ đi tiêm chủng vắcxin sởi đầy đủ, đúng lịch. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm cho trẻ từ 9 - 11 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ được 18 tháng tuổi. Ngoài ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng trong cả nước, đặc biệt là các địa phương xảy ra dịch sởi tăng cường các hoạt động giám sát, hướng dẫn việc cách ly, tổ chức điều trị kịp thời để hạn chế tối đa các trường hợp mắc, biến chứng và tử vong do sởi.

 

Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN