Nhà nông thường có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp", nhưng ở xã Hướng Đạo, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), con gà mới chính là cơ nghiệp của bà con. Cả xã giàu lên nhờ gà, nhiều nhà sắm được ô tô, xây nhà cao tầng nhờ nuôi gà, đường làng ngõ xóm cũng được đầu tư sạch đẹp thêm.
Giờ đây, con gà đã trở thành "đầu cơ nghiệp" của rất nhiều gia đình tại xã Hướng Đạo. Ảnh: Internet |
Cũng giống như nhiều vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, xã Hướng Đạo đang hối hả chuyển mình theo cơ chế thị trường. Khắp làng đâu đâu cũng nghe tiếng gà. Người dân vừa cho gà ăn xong, cầm chén nước lên đã kháo nhau chuyện gà. Khắp đường làng ngõ xóm nườm nượp người xe qua lại mua bán, chuyên chở gà đi tiêu thụ. Nhờ gà, không ít nhà đã mua sắm được tivi, xe máy, thậm chí mua được ô tô đời mới, nhà tầng san sát mọc lên.
Thừa thắng xông lên, nhiều gia đình còn vay vốn để đầu tư thêm vào gà. Mạnh bạo nhất là hộ ông Phùng Văn Sơn thôn 10, mặc dù vào nghề chưa lâu nhưng ông đầu tư tới hơn 600 triệu đồng xây dựng trang trại chăn nuôi. Toàn bộ gần 4.000 m2 đồi gò trồng sắn, trồng cây tạp được ông phá bỏ để xây dựng chuồng trại, chuyển sang chuyên nuôi gà thịt. Có thời điểm gia đình ông nuôi tới 10.000 con gà nhưng chưa bao giờ để dịch bệnh lớn xảy ra. Mỗi năm trang trại của gia đình ông nuôi 3 lứa, trừ chi phí, có lãi từ 400- 500 triệu đồng. Riêng năm nay, giá gà, giá trứng đều được giá, lãi sẽ còn to hơn. Trong các đợt đại dịch cúm gà vừa qua, cả tỉnh, cả nước đều thiệt hại vì dịch, riêng gà của gia đình ông vẫn khỏe mạnh không bị dịch nhờ thực hiện nghiêm ngặt quy trình, kỹ thuật nuôi, phòng dịch tốt, cùng với kiến thức tự học, tự đọc.
Nhiều hộ ở xã không có nhiều vốn để đầu tư mua giống, mua cám đã mạnh dạn ký hợp đồng nuôi gia công gà với Công ty Japha Comefed vốn 100% của Inđônêxia nuôi gà xuất khẩu. Anh Đường Khắc Tuyết ở thôn 15 nhận nuôi 5.000 con gà đẻ trứng và gà thịt thương phẩm với Công ty, mỗi năm cũng thu nhập cả trăm triệu đồng. Anh Tuyết cho biết: Nuôi gà gia công không lãi lớn như các hộ tự bỏ vốn đầu tư mua giống để nuôi, nhưng bù lại gia đình chỉ cần đầu tư xây dựng chuồng trại, tham gia học kỹ thuật nuôi gà là Công ty sẽ cung cấp toàn bộ giống, thức ăn, bao tiêu sản phẩm. Ở xã Hướng Đạo không chỉ có anh Tuyết chọn cách nuôi gà gia công cho doanh nghiệp, mà còn có tới 25 trang trại khác nuôi từ 2.000 đến 30.000 con, mỗi năm thu lãi từ 50-60 triệu đồng.
Theo thống kê, hiện toàn xã có khoảng 80% hộ dân trong xã đầu tư phát triển chăn nuôi gà, trong đó có tới trên 100 trang trại gà có quy mô nuôi từ 5000-10.000 con, riêng thôn Trại Gà có tới 100% số hộ dân tập trung nuôi gà với mô hình chăn nuôi lớn. Chỉ tính riêng doanh thu từ gà, mỗi năm xã đạt doanh thu 15-20 tỷ đồng, chiếm từ 50% - 60% tổng thu nhập toàn xã. Chỉ 5 năm về trước, xã Hướng Đạo là địa phương nghèo nhất của huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), sản xuất nông nghiệp lạc hậu, không có nghề phụ, người dân bỏ quê đi khắp nơi làm thuê, làm mướn kiếm sống. Đến nay, xã đã vươn lên đứng hàng đầu huyện về thu nhập, nhiều năm nay xã không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm xuống thấp nhất toàn huyện./.
Lâm Đào An