Mưa là ngập
Tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu mùa mưa đến nay, hễ có cơn mưa to kéo dài là rất nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước, thậm chí có những tuyến đường xưa nay hiếm khi ngập thì hiện nay cũng bị ngập cục bộ.
Mưa lớn gây ngập phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) chiều tối 19/6. |
Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 22 tuyến đường ngập do mưa. Trong số này, có nhiều tuyến ngập trên dưới 2 giờ mới rút, nhiều tuyến ngập do mưa lớn và ngập do rác thải nhiều bít hệ thống thoát nước.
Hầu hết các quận đều có điểm ngập, nhiều nơi ngập sâu đến 0,5m như đường Võ Văn Ngân, Kha Vạn Cân, xa lộ Hà Nội đoạn dưới chân cầu Rạch Chiếc (quận Thủ Đức), Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt (quận 9), Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), Phan Huy Ích, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), An Dương Vương, Hồ Học Lãm (quận 6)... Một số tuyến đường trước đây ít ngập như Trần Hưng Đạo (quận 5), Phạm Văn Đồng (Phú Nhuận) thì nay chỉ cần một cơn mưa lớn đã ngập lênh láng.
Mặc dù dự án thoát nước qua kênh Tân Hóa - Lò Gốm nhằm chống ngập cho khu vực Bàu Cát (quận Tân Bình) và khu vực Đầm Sen (quận 11) đã được triển khai nhưng vẫn chưa phát huy được khả năng thoát ngập do mưa.
Bên cạnh đó, thành phố có 27 trạm bơm với 56 máy có công suất từ 168m³/giờ - 64.000m³/giờ (tổng công suất 475.680m³/giờ) phục vụ bơm khi có mưa và hỗ trợ bơm chống ngập khi có mưa kết hợp triều cường; 5 cống kiểm soát triều lớn điều tiết nước trong các tuyến sông, kênh rạch nhằm tăng khả năng trữ nước khi xuất hiện mưa; 1.077 van ngăn triều và nhiều tuyến đê tạm (tường gạch), phay chặn tại các vị trí ngập triều... Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng này vẫn không mang lại nhiều hiệu quả khi có mưa lớn.
Trong khi đó, tại Thủ đô Hà Nội, trong buổi họp báo cuối tháng 5 của Thành ủy, ông Võ Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Với các trận mưa từ 50mm trong vòng 2 giờ, nội thành Hà Nội có nguy cơ bị ngập lụt ở 18 điểm cố hữu, 170 điểm nhỏ ở các ngõ xóm nhỏ và hàng chục điểm tại các huyện ngoại thành.
Chỉ vài ngày sau cuộc họp báo, thông tin này đã được... ông trời kiểm chứng. Liên tục nhiều ngày trong tháng 6, các trận mưa lớn kéo dài 1 - 2 tiếng đồng hồ đổ xuống Hà Nội đã khiến hàng loạt tuyến phố ở các quận trung tâm ngập lụt nghiêm trọng.
Đơn cử như trận mưa lớn chiều tối 19/6 đã khiến hàng loạt khu vực như Kim Mã (đoạn gần Cầu Giấy), ngã tư Cát Linh - Tôn Đức Thắng - Quốc Tử Giám, Hai Bà Trưng (đoạn gần Tràng Tiền Plaza), Thợ Nhuộm - Hai Bà Trưng, Lê Duẩn (đoạn trước Ga Hà Nội)... ngập nặng. Nhiều phương tiện “liều mình” lao qua điểm ngập đã bị chết máy.
Theo ông Võ Nguyên Phong, hệ thống tiêu thoát nước của Hà Nội hiện nay phần lớn chưa được đầu tư, chưa được hoàn thiện, phụ thuộc nhiều vào ao hồ tự nhiên nên chưa chủ động được việc tiêu thoát nước mùa mưa.
Tuy nhiên theo các chuyên gia xây dựng thì tình trạng ngập úng sau mưa có nguyên nhân sâu xa là do quá trình đô thị hóa, bê tông hóa diễn ra quá nhanh nên việc thẩm thấu nước sau mưa gặp khó khăn. Nhiều ao hồ tự nhiên vốn là “chìa khóa” tiêu thoát nước tự nhiên của Hà Nội đã bị san lấp. Một nguyên nhân khác đến từ ý thức người dân khi xả rác bừa bãi khiến nhiều cửa cống, hố thu nước bị rác thải chặn lấp, không thể thoát nước khi có mưa.
Trước mắt vẫn “sống chung với ngập”
Trước tình trạng ngập lụt nghiêm trọng, TP Hồ Chí Minh đã đầu tư dự án cống kiểm soát triều “Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” với tổng kinh phí lên tới 10.000 tỷ đồng. Dự án đã được khởi công từ tháng 6/2016 với các hạng mục xây dựng gồm: 8 cống kiểm soát triều, 7,8 km đê kè và nhiều hạng mục phụ trợ, điều hành khác.
Mục tiêu của dự án là điều tiết nguồn nước do triều cường và mưa lớn, giúp giảm ngập đô thị trên diện tích 570 ha với 5,6 triệu dân sinh sống thuộc nhiều quận, huyện. Hiện dự án mới triển khai xây dựng đồng loạt các cống kiểm soát triều, đạt 38% khối lượng công trình. Đơn vị thi công cho biết sẽ vận hành vào ngày 30/4/2018. Như vậy có nghĩa là, trong mùa mưa năm nay, người dân thành phố vẫn phải chấp nhận “sống chung với ngập”. Chưa kể hiệu quả của dự án khi đưa vào sử dụng vẫn cần có thời gian kiểm chứng.
Còn tại Hà Nội, tuy không có dự án lớn đến cả vạn tỷ đồng như TP Hồ Chí Minh nhưng lãnh đạo thành phố cho biết đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp cùng các đơn vị thoát nước thực hiện các giải pháp: Đưa vào vận hành một số trạm bơm tiêu mới và huy động người, phương tiện ứng trực tiêu thoát nước; lập đường dây nóng tiếp nhận các sự cố liên quan đến thoát nước mùa mưa; kiểm tra, xử lý các công trình, tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Đồng thời, đầu tư xây dựng một số công trình phục vụ tiêu thoát nước theo hình thức BT.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng đã xây dựng “kịch bản” thoát nước năm 2017. Theo đó, mỗi khi có mưa, công ty đều bố trí lực lượng ứng trực tại hiện trường, thực hiện công tác vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy và phối hợp hướng dẫn giao thông. Các thiết bị cơ giới, các xe bơm di động đã được bố trí ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc tại các vị trí được phân công. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa và đập Thanh Liệt đã được mở để điều hòa nước theo quy trình. Trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm khác đang vận hành các bơm để tiêu thoát nước trên hệ thống.
Hi vọng với những giải pháp như trên thì tình trạng ngập úng do mưa tại 2 thành phố lớn nhất nước sẽ phần nào được hạn chế.