"Đo nắng, đong mưa" nơi thâm sơn cùng cốc

Đằng sau mỗi bản tin thời tiết là vô vàn những khó khăn, cơ cực của những người làm khí tượng, thủy văn. Đó là 5 chàng trai đo thủy văn nơi thâm sơn cùng cốc bốn bề là sông núi, không điện, không nước hay hai mẹ con làm khí tượng trên đỉnh đồi chợ Rã (Bắc Kạn)...

Sống trong bóng tối

Mất hơn một giờ đồng hồ di chuyển trên Sông Năng, một nhánh đổ ra hồ Ba Bể (Bắc Kạn) bằng xuồng (phương tiện di chuyển duy nhất ở nơi đây) chúng tôi mới đặt chân đến trạm thủy văn Đầu Đẳng. 

Trạm Thủy văn Đầu Đẳng nằm trong sâu trong khu vực vườn quốc gia Ba Bể. Để đi được đến trạm phải đi thuyền mất hơn một giờ đồng hồ.

Mặc dù có vị trí, vai trò rất quan trọng, không chỉ giám sát lượng nước của hồ Ba Bể mà còn phục vụ cho các nhà máy thủy điện Na Hang, Tuyên Quang, thế nhưng ở đây hoàn toàn không có điện lưới quốc gia, không có hệ thống nước sạch, chủ yếu phải sử dụng nước mưa. 

Không có điện, nước sạch, mọi sinh hoạt của các cán bộ nơi đây rất vất vả.

Trạm trưởng Trạm Thủy văn Đầu Đẳng Nguyễn Huy Hoàng cho biết, mỗi tháng trạm được cấp 20 lít xăng, lượng xăng này chỉ để phục vụ công tác chuyên môn.  Khi nào bơm nước thì dùng bình ắc quy để kích điện; khi dùng máy phát điện mở máy tính, kiểm tra công văn giấy tờ thì … tranh thủ sạc điện thoại. Mọi thứ đều hết sức tiết kiệm, mỗi lần chỉ bật 10 – 15 phút. Chính vì thế, điều kiện sinh hoạt của anh em rất khó khăn, mùa hè thì không có quạt, mùa lũ không thể dự trữ được thức ăn, thậm chí có đủ điện để xem tivi hay nghe đài phát thanh.

Tự nuôi gà, trồng rau để có thức ăn tươi.

Cả trạm có 5 nhân viên, trong đó 4 người là thanh niên trẻ, chưa vợ. Nếu thời tiết thông thường thì mỗi ngày trực 4 ca: một giờ sáng, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ, nhưng ngày lũ phải đo mực nước mỗi tiếng 1 lần và một người trực điện báo 24/24. Nhân lực mỏng nên mỗi khi lũ về, tất cả nhân viên của trạm đều phải căng sức để làm rất vất vả.

Quan trắc viên Nông Quốc Tuấn, dân tộc Tày cho biết, những ngày lũ là những ngày vất vả nhất, ngoài việc trực ca thường xuyên, liên tục thì quan trắc thủy văn cũng gặp vô vàn khó khăn trên thực địa. Muốn đo được mực nước thì bắt buộc các cán bộ phải giữ thuyền vào dây cáp rồi kéo ra giữa sông. “Có những hôm bão to, thuyền bị mắc gỗ chìm phải chặt dây cáp hoặc chặt “cá sắt” (dụng cụ thả ngầm để đo mực nước) rồi đo lại từ đầu. Dù có sự cố thì cũng phải đảm bảo một giờ truyền tin một lần”, quan trắc viên Nông Quốc  Tuấn cho biết.

Các quan trắc viên đo mực nước trên sông.

Vì nằm ở nơi “thâm sơn cùng cốc” nên việc đi lại khó khăn, cứ 5 ngày, anh em mới đi thuyền độc mộc lên chợ phiên mua đồ. Mùa lũ không có nguồn thức ăn thì chủ yếu ăn rau rừng. Để phục vụ cuộc sống, những người quan trắc viên tại đây cũng đồng thời trở thành những người nông dân, cuốc đất, trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà để cải thiện cuộc sống. 

Vì ở nơi khó khăn và chiếm vị trí quan trọng nên trạm được xây kiên cố với 2 tòa nhà xây dựng theo mô hình nhà chống lũ để mùa lũ nước dâng lên mấp mé sàn nhà thì anh em vẫn đảm bảo thực hiện công việc. Cũng chính vì lúc xây dựng chưa tính toán kỹ thế nên anh em tự làm cây cầu khỉ bằng tre nứa để thông hai nhà, tiện đi lại mùa lũ.

Vất vả, gian nan là vậy nhưng khi hỏi có bao giờ chán nghề chưa thì các quan trắc viên trẻ tuổi ở đây đều lắc đầu quả quyết, đó là nghề họ đã chọn và không hề ân hận. Niềm vui của họ là đem đến thông tin, cảnh báo kịp thời cho mọi người về những thời tiết bất thường.

Địu con đo khí tượng trong đêm

Rời trạm thủy văn Đầu Đẳng, chúng tôi đến với Trạm khí tượng chợ Rã (Bắc Kạn), đây là trạm khí tượng khá đặc biệt, khi chỉ có hai nhân viên đều là nữ và là hai mẹ con chi Nguyễn Thị Tính và con gái Ma Thị Minh Hảo. 

Căn phòng làm việc cũng là nơi sinh hoạt trong mỗi ca "ốp" hàng ngày của mẹ con chị Tính.

Phòng làm việc cũng là phòng sinh hoạt mỗi ca “ốp” của mẹ con chị Tính là gian nhà cấp 4 cũ kỹ nằm trên ngọn đồi khuất nẻo tại thị trấn chợ Rã, huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Từ phòng làm việc lên đến nơi quan trắc khí tượng phải leo lên ngọn đồi. Đường lên là những bậc thang đất, dốc gần như thẳng đứng, người chưa quen phải cần thận bước từng bước nếu không dễ xảy chân. Ấy vậy mà đều đặn cứ ngày 4 lần: 1 giờ sáng, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ chị Tính và con gái thay nhau lên trạm quan trắc để truyền dữ liệu về trung tâm. Nhiệm vụ chính của mẹ con chị là quan trắc mây, gió, nhiệt độ, độ ẩm để báo về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Việt Bắc và Bắc Kạn, phục vụ cho phát triển kinh tế địa phương, nông nghiệp và an ninh quốc phòng.

Khoảng thời gian 25 năm làm quan trắc viên của mình, chị Tính không thể đo đếm được mình đã trải qua bao nhiêu khó khăn vất vả. Nhưng có những kỷ niệm mà có lẽ cả đời chị sẽ không bao giờ quên. “Cái vất vả nhất của khí tượng là phải đo đạc cả ban đêm, nhất là những hôm mưa bão hay thời tiết thất thường thì phải đo 1 tiếng 1 lần để cập nhật thông tin. Hồi đó, con gái tôi chưa đầy 1 tuổi, đêm ngủ không thấy mẹ là khóc nên làm ca đêm tôi cũng phải mang con đến trạm, 1 giờ sáng đi “ốp” phải địu con trên lưng lên đài khí tượng. Nhiều hôm con theo mẹ lên trạm, chơi loanh quanh rồi té ngã lúc nào không biết. Thương con mà cũng không biết làm cách nào khác”, chị Tính kể.

Chị Nguyễn Thị Tính truyền kinh nghiệm về nghề khí tượng cho con gái.


Hay cách đây vài tuần, trong ca “ốp” ban đêm, trời mưa bão, đường trơn nên chị trượt chân ngã, lăn từ đỉnh đồi xuống dưới nhưng đến giờ phải truyền dữ liệu nên vẫn phải làm ngay, chuyển tin xong chị mới thấy mình đang rét run, quần áo rách lúc nào không biết, tay chân thì xước xát, rớm máu, đến giờ vẫn phải lấy dầu xoa bóp.

Cũng chính vì được theo chân mẹ “đếm gió, đo mưa” từ nhỏ mà Ma Thị Minh Hảo đã có niềm đam mê với nghề khí tượng tự lúc nào không hay. Thế nên khi thi đại học, em quyết định thi vào trường Đại học Tài nguyên và Môi trường để nối nghiệp mẹ. 

Khi Hảo ra trường cũng là lúc trạm khí tượng chợ Rã thiếu nhân lực, em được nhận về làm nhân viên hợp đồng, làm “đồng nghiệp” của mẹ. Mới thực sự trở thành nhân viên khí tượng được một thời gian ngắn nhưng Hảo cũng đã có những kỷ niệm “để đời”. “Cột gió cách mặt đất 12 mét nên rất hút sét. Hôm đó, mưa bão, sét đánh vào cột gió rồi theo đường truyền về phòng làm việc, một số máy móc bị hỏng, điện thoại bàn cũng bị cháy, em phải lấy điện thoại di động gọi về  trung tâm chuyển số liệu, vừa gọi cũng vừa nơm nớp bị sét đánh”, Hảo chia sẻ.

Khi được hỏi, nghề này tương đối vất vả đối với nữ giới, nhưng tại sao lại quyết tâm theo? Hảo cười giòn nói, chứng kiến mẹ em làm nghề từ bé, em hoàn toàn hiểu những khó khăn khi con gái theo nghề khí tượng. Thế nhưng đam mê vẫn là đam mê, vất vả nhưng em vẫn thích làm nghề này.

Nỗi vất vả và tình yêu nghề của những người làm khí tượng thủy văn bất giác làm tôi nhớ đến truyện ngắn  “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long, viết về cuộc sống của 1 cán bộ khí tượng trẻ, sống một mình trên đỉnh núi, âm thầm làm công việc đo gió, mưa, nắng phục vụ chiến đấu, sản xuất. Họ có một điểm chung, đó là dù công việc âm thầm, vất vả, gian nan đến đâu thì vẫn luôn nở nụ cười rất đỗi lạc quan, và quan trọng, là tình yêu nghề không hề bị lay động, đó là điều trân quý nhất.

Bài và ảnh: Thu Trang
Tăng cường quản lý nhà nước về khí tượng thuỷ văn
Tăng cường quản lý nhà nước về khí tượng thuỷ văn

Ngày 20/12, Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN