Giá cả tăng theo lương
Chị Bích Liên, cán bộ công chức tại một phường ở Hà Nội, cho biết, từ cuối tháng 6/2024, mọi người trong cơ quan đã háo hức về thông tin tăng lương cơ sở của Chính phủ. Làm công chức phường hơn 10 năm, đây là lần điều chỉnh lương cơ sở cao nhất chị Liên từng chứng kiến và mức thu nhập được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, giá cả tiêu dùng các mặt hàng 2 tuần nay trên thị trường cũng tăng nhanh, trở thành nỗi lo kéo theo khi lương tăng...
Còn anh Nguyễn Hoàng, cán bộ đơn vị sự nghiệp tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ: "Thông tin tôi nhận được là tiền lương tăng, nhưng sẽ bị cắt giảm các khoản khác từ tháng 7/2024. Lý do là đơn vị tự chủ, nên tổng nguồn thu vẫn vậy, lương tăng, nhưng giảm các khoản phụ cấp khác. Tính chung thu nhập không đổi trong bối cảnh giá cả leo thang...".
Hướng tới đảm bảo an sinh
Bên cạnh việc thống nhất sẽ tăng tiền lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng cho tất cả cán bộ, công chức, từ ngày 1/7/2024, Chính phủ cũng đã có Nghị định công bố tăng lương tối thiểu vùng 6%, đồng thời tăng 15% với lương hưu, tăng 35,7% với người có công; đối tượng bảo trợ xã hội tăng 38,9%.
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc tăng lương khu vực công và khu vực có quan hệ lao động là điều kiện nâng cao thu nhập, tạo động lực để tăng năng suất lao động. Việc điều chỉnh lương, trợ cấp tác động đến tất cả các nhóm hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, Chính phủ đối với bảo đảm an sinh xã hội theo hướng ngày càng nâng cao và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động cả nước, nhất là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... đều phấn khởi trước thông tin tăng lương. Điều này góp phần cải thiện, nâng cao đời sống, tạo động lực cho đoàn viên, người lao động tiếp tục làm việc, cống hiến. Tuy nhiên, Chính phủ cần có các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiềm chế gia tăng các mặt hàng thiết yếu, nhất là giáo dục, y tế, xăng dầu... trực tiếp liên quan đến người lao động.
Trước đó tại họp báo thường kỳ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Bộ Chính trị đã thống nhất thực hiện 4/6 nội dung trong đề án cải cách tiền lương. Trước hết, mức lương cơ sở sẽ được điều chỉnh tăng 30%. Do quá trình thực hiện có nhiều bất cập phát sinh, các cơ quan phải thận trọng nghiên cứu từng bước, nên mức lương cơ sở và hệ số lương chưa thể bãi bỏ.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu thực hiện đầy đủ nội dung cải cách tiền lương khu vực công, mức tăng tổng quỹ lương của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%, không bao gồm tiền thưởng. Vì vậy, mức lương cơ sở sẽ tăng tương ứng từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng một tháng. Các trường hợp hưởng chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở cũng tăng 30%.
Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát bộ khung pháp lý, từ đó có cơ sở để quyết định sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của cơ quan cho phù hợp. Từ ngày 1/7, trong thời gian chưa sửa đổi, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo lương cơ sở 2,34 triệu đồng, không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024.
Theo nghị quyết về cải cách tiền lương, sẽ có 9 loại phụ cấp mới như phụ cấp kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, ưu đãi theo nghề... Tuy nhiên, từ ngày 1/7, các điều kiện chưa đủ thực hiện 9 loại phụ cấp này, nên Chính phủ đề nghị giữ nguyên phụ cấp hiện hành.
Cải cách tiền lương là vấn đề hệ trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong khu vực công, mà còn tác động đến hơn 50 triệu người hưởng các chính sách gắn với mức lương cơ sở. Vì vậy, cần phải nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện.