Mốc son, bước ngoặt đầu tiên
Trước yêu cầu tập hợp, tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác ở nhiều cơ quan khác nhau trong một công đoàn ngành, phù hợp với tiền lệ thế giới và nhu cầu phát triển của Việt Nam, ngày 2/7/1994, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 739/QĐ-TLĐ về việc thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam, là công đoàn ngành, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoạt động theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Kể từ đây, ngôi nhà chung thân thương mang tên Công đoàn Viên chức Việt Nam trở thành nơi sinh hoạt công đoàn, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, nơi đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi, nơi phát động, triển khai hàng trăm phong trào thi đua yêu nước của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể chính trị, hội quần chúng, đơn vị sự nghiệp Trung ương.
Trong 30 năm qua, với 6 kỳ đại hội, đi qua gần 3/4 chặng đường đổi mới của đất nước, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã trưởng thành về mọi mặt, trở thành một công đoàn ngành quan trọng, có vị thế đặc thù trong hệ thống Công đoàn Việt Nam.
Ra đời trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đổi mới chưa lâu, thiếu thốn về nhân sự, cơ sở vật chất đơn giản, nghèo nàn, nhưng những cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam đầu tiên dưới sự chủ trì của Chủ tịch Nguyễn An Lương đã khắc phục mọi khó khăn, sớm tổ chức Lễ ra mắt Công đoàn Viên chức Việt Nam; bắt tay ngay vào công việc, đề ra ba chương trình công tác gồm: Xây dựng và củng cố tổ chức, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn; tổ chức động viên đội ngũ công chức, viên chức thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng và Công đoàn; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công chức, viên chức.
Với việc xác định đúng, trúng nhiệm vụ công tác phù hợp với một công đoàn ngành mới được thành lập, có đặc thù đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác tại các cơ quan Trung ương, cùng nhiệt huyết cháy bỏng của những người cán bộ Công đoàn Viên chức lớp đầu, nên chỉ sau thời gian ngắn, hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam đã đi vào nề nếp, hoạt động hiệu quả, phát huy vài trò, tác dụng ở từng cơ quan, đơn vị.
Từ tiền đề của mốc son đầu tiên ấy, các thế hệ cán bộ, đoàn viên Công đoàn Viên chức Việt Nam nối tiếp nhau, thấm nhuần lý tưởng của Đảng, nhận rõ trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tổ chức ngày càng bài bản, hấp dẫn các hoạt động công đoàn, để Công đoàn thực sự là môi trường học tập, rèn luyện, làm việc, môi trường thúc đẩy sự tiến bộ của mỗi đoàn viên, người lao động.
Trong 30 năm qua, các cấp công đoàn đã làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; động viên, khích lệ đoàn viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của từng cơ quan, đơn vị và thành tựu của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Để đáp ứng yêu cầu của đội ngũ đoàn viên, người lao động có trình độ cao tại các cơ quan trung ương, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục liên tục được đổi mới về nội dung, phương thức; Hoạt động xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh được tập trung; tích cực, tham gia xây dựng Đảng và cơ quan chuyên môn trong sạch, vững mạnh.
Phát động nhiều phong trào, mô hình hay
Công đoàn Viên chức Việt Nam trong quá trình phát triển của mình, đã có những đóng góp đặc thù và quan trọng cho sự lớn mạnh và phát triển của Công đoàn Việt Nam, thông qua việc vận động đoàn viên tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách, nghiên cứu khoa học về công nhân, công đoàn; tham gia truyền thông về tổ chức; tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, thực thi chính sách, pháp luật.
Ba thập kỷ lớn mạnh cùng Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Viên chức Việt Nam tự hào là nơi có nhiều đổi mới, khởi xướng nhiều phong trào, cuộc vận động, mô hình hay, cách làm hiệu quả, đề xuất các giải thưởng có sức lan tỏa rộng lớn. Đó là Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, nay là “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, phong trào “Xây dựng cơ quan văn hóa và ngày làm việc 8 giờ chất lượng, hiệu quả”, phong trào “Thực hành tiết kiệm, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí”; giải thưởng “Gương mặt của năm”, giải thưởng “Cống hiến”; mô hình tổ chức các các cuộc thi cải cách hành chính, mô hình công đoàn ngành phối hợp với các bộ triển khai các chương trình công tác, nhiệm vụ chuyên môn, đem lại hiệu quả thiết thực.
Bên cạnh chỉ đạo hiệu quả hoạt động của các đơn vị trực thuộc, Công đoàn Viên chức Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với tất cả các LĐLĐ tỉnh, thành phố chỉ đạo hoạt động Công đoàn Viên chức các địa phương, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống Công đoàn Viên chức thực hiện các nhiệm vụ đặc thù, tập trung vào nhiệm vụ tham gia cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, chất lượng tham mưu, phục vụ; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam khẳng định: 30 năm hình thành và phát triển với rất nhiều thành tựu đã đạt được và cả những việc còn dang dở, cần làm tốt hơn. Đội ngũ cán bộ Công đoàn Viên chức hiện nay rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, để định hướng cho chặng đường tiếp theo phía trước, đó là: Nắm chắc, quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị trong hoạt động công đoàn; không ngừng đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có phẩm chất, năng lực, nhiệt tình, sáng tạo, sâu sát với cơ sở; chủ động tham mưu với cấp uỷ, đề xuất với công đoàn cấp trên, phối hợp với thủ trưởng cơ quan, chính quyền đồng cấp; coi trọng vai trò chủ thể của đoàn viên, phát huy sức sáng tạo, năng lực của từng cá nhân trong hoạt động công đoàn.