Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, nhiều dự án giao thông trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh được khởi công đã lâu nhưng kéo dài đến nay chưa xong, như cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè), cầu Bưng (thuộc quận Tân Phú và Bình Tân), Cầu Nam Lý, Tăng Long (thuộc quận 9 và quận 2)…
Dự án cầu Long Kiểng mới bắc qua sông Phước Kiểng (huyện Nhà Bè) thay thế cầu sắt cũ nhỏ hẹp đã xuống cấp trầm trọng, được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt đầu tư từ tháng 5/2001; với vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng, do Khu Quản lý giao thông đô thị số 4 làm chủ đầu tư, nay thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố. Sau khi thi công nửa chừng, dự án xây dựng cầu buộc phải tạm dừng do vướng giải phóng mặt bằng. Đã gần 20 năm trôi qua, nhưng dự án vẫn chưa thể khởi động lại, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và việc đi lại của người dân.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (huyện Nhà Bè) nằm trong diện giải tỏa cho hay: “Tôi sống ở đây gần 20 năm, nhà có 80m2, khi làm cầu sẽ bị giải tỏa trắng. Việc đền bù nếu thỏa thuận giá cả với người dân sao cho hợp lý thì tôi đồng ý đi. Nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy chính quyền nói về việc đền bù giá đất như thế nào. Trước đó, chính quyền địa phương cũng ghé lấy hồ sơ thông báo việc thu đất để phục vụ dự án nhưng việc đền bù và khi nào rời đi thì chưa thấy thông báo”.
Trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng ban điều hành dự án Đường bộ 4 (thuộc Ban Quản lý Đầu tư các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Dự án xây dựng cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) trên đường Lê Văn Lương nhằm thay thế cầu cũ. Sau khi khởi công xây dựng đến nay, công trình được khoảng 50% khối lượng, dự án buộc phải tạm dừng do vướng giải phóng mặt bằng. Hiện nay, các bên đã tìm ra được phương án và đang trình lên Thành phố. Theo kế hoạch UBND huyện Nhà Bè, sẽ cố gắng bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư vào khoảng quý 4/2021. Chúng tôi sẽ thi công trong vòng 12 tháng”, ông Tuấn cho biết thêm.
Tương tự, dự án cầu Nam Lý nằm trên đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) là cây cầu huyết mạch đi qua các cảng Phú Hữu, đường vào cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, có tổng mức đầu tư hơn 857 tỷ đồng. Sau gần 4 năm khởi công xây dựng, khối lượng công trình xây lắp đã thực hiện đạt khoảng 39%, sau đó đã phải tạm dừng thi công nhiều năm nay do vướng mặt bằng.
Ghi nhận tại hiện trường, xung quanh công trình được rào chắn bằng những tấm tôn, nhiều hạng mục đang xuống cấp, cỏ dại mọc um tùm, phần sắt thép của công trình đang thi công dang dở đang bị hoen rỉ.
Anh Nhất Hoàng, sinh sống tại khu vực gần công trình xây dựng cầu trên đường Đỗ Xuân Hợp cho biết: “Hàng rào chắn công trình chiếm gần hết phần đường tạo thành nút thắt cổ chai, khiến khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trong ngày. Có thời điểm, tôi phải mất 30 phút mới đi qua được đoạn đường vài trăm mét này”.
Còn công trình xây dựng cầu Bưng nằm trên đường Lê Trọng Tấn (nối giữa quận Tân Phú và Bình Tân) được khởi công vào tháng 7/2017, kế hoạch hoàn thành 20 tháng. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm triển khai công trình vẫn chưa thể hoàn thành. Với tổng mức đầu tư hơn 514 tỷ đồng, đây là dự án nằm ở đường huyết mạch, được kỳ vọng giảm áp lực giao thông cho phía Tây của Thành phố.
Phía quận Bình Tân sau khi bàn giao mặt bằng, đơn vị thi công đã hoàn thiện một số hạng mục phần dầm cầu, đường dẫn và mố cầu. Tuy nhiên, mặt bằng phía quận Tân Phú thì hiện vẫn chưa được bàn giao, nên công tác thi công chỉ ở mức cầm chừng và chờ bàn giao mặt bằng. Do có dự án thi công xây dựng mới cầu Bưng (đường Lê Trọng Tấn), nên khu vực này phải rào chắn xung quanh, khiến đường bị thắt nút cổ chai, dẫn đến tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm.
Đại diện Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông Thành phố cho biết Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND TP Hồ Chí Minh để họp về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Sau khi có mặt bằng, đơn vị thi công sẽ đẩy nhanh tiến độ để thông xe trước tết Nguyên đán 2021.