Để người mua nhà thu nhập thấp không nản

Thời gian qua, việc giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất ưu đãi vẫn chưa đáp ứng kì vọng của người dân.

 

Gỡ khó thủ tục xác nhận nhà

 

Một trong những nguyên nhân khiến người dân khó tiếp cận nguồn vốn giá rẻ là do gặp khó khăn trong quá trình xin xác nhận các thủ tục tại địa phương.


Những vướng mắc trong thủ tục sẽ dần được tháo gỡ để người thu thập thấp có thể mua được nhà ở. Ảnh: Hoàng Dương


Anh N.T.K ở TP.HCM, có nhu cầu vay tiền mua nhà, sau khi chạy đôn chạy đáo làm các thủ tục của ngân hàng yêu cầu thì cuối cùng vẫn phải bỏ cuộc. “Từ ngày 10/6, tôi đến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Chi nhánh Tây Sài Gòn (BIDV-CNTSG) làm thủ tục xin vay mua căn hộ. Các thủ tục giấy tờ khác thì tôi đều đáp ứng, chỉ vướng ở chỗ, trong khi BIDV-CNTSG yêu cầu tôi phải có xác nhận của UBND phường về việc chưa có nhà ở thì UBND phường lại từ chối yêu cầu này với lí do không thể quản lý hết sở hữu nhà của các cá nhân. Hơn một tháng trời chạy tới chạy lui giữa ngân hàng và UBND phường, tôi đành bỏ cuộc”, anh K than thở.


Trường hợp của anh K không phải là cá biệt. Bản thân các ngân hàng luôn lấy lí do đảm bảo an toàn vốn để đưa ra những quy định ràng buộc người mua nhà. Chẳng hạn, có ngân hàng đưa ra quy định: muốn vay tiền mua nhà, người dân phải chờ chủ đầu tư xuất trình sổ đỏ của dự án, trong khi đó, theo các chủ đầu tư thì để lấy được sổ đỏ phải chờ hàng năm trời. Quy định khác là muốn vay tiền cần phải có tài sản thể chấp cũng gây khó cho người dân. “Người dân mà đã có tài sản thế chấp thì không cần vay tiền mua nhà thu nhập thấp làm gì”, anh Hùng (Hải Phòng), một người dân có nhu cầu mua nhà bức xúc.


Không chỉ người dân mà cả các doanh nghiệp cũng khó tiếp cận gói 30.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển đầu tư Hải Phòng, chủ đầu tư một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hải Phòng cho biết, để giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, bên cạnh những quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì các ngân hàng thương mại lấy lí do đảm bảo an toàn vốn đang tự “đẻ ra” nhiều điều kiện, mà lại là những điều kiện khó khả thi khiến doanh nghiệp có muốn cũng không thể thực hiện được, còn người mua nhà chỉ biết dài cổ chờ vay tiền. “Ví dụ quy định khi rủi ro, chủ đầu tư phải mua lại căn hộ, trong khi đó nhà thu nhập thấp không được chuyển nhượng dễ dàng như nhà ở thương mại. Các điều kiện pháp lí để mua lại căn hộ này chưa có”, ông Thành phân tích.


Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã, phường tổ chức thực hiện việc xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở theo quy định tại Thông tư số 07 của Bộ Xây dựng, không để trường hợp người dân không được xác nhận mà không có lý do. NHNN sẽ đề nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo các văn phòng công chứng chấp thuận công chứng tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay, đặc biệt là nhà ở xã hội để người dân có thể tiếp cận gói hỗ trợ.


Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết: NHNN và Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn từng trường hợp cụ thể và mở hơn cho một số đối tượng mới. Điển hình như: Khách hàng mua nhà đang công tác tại doanh nghiệp đóng bảo hiểm đủ một năm nhưng không liên tục vẫn được xem xét cho vay vốn. Ngay cả trường hợp, khách hàng chưa có nhà nhưng đã có đất (đã đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cũng có thể vay hỗ trợ lãi suất.


Đơn giản hóa hơn nữa


Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến ngày 13/8, nếu tính cả số tiền chưa giải ngân, đã có 219 khách hàng cá nhân được vay với số tiền 65,57 tỷ đồng theo gói hỗ trợ lãi suất 6%. Con số này còn khá khiêm tốn. Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ đang kiến nghị Thủ tướng cho phép thành lập tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình thực tế các ngân hàng cho vay gói tín dụng hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.


Mấu chốt vấn đề ở đây là các ngân hàng phải đơn giản hóa các thủ tục vay mua nhà thì người dân mới có thể dễ dàng tiếp cận được với gói tín dụng. Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, Bộ Xây dựng đã có công văn 1550 hướng dẫn các địa phương xác nhận cho người dân chưa có nhà ở để có đủ thủ tục đi vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều nơi còn né tránh việc này vì sợ phải chịu trách nhiệm. “Phải đợi thời gian để văn bản này có sự lan tỏa đến các địa phương. Thời gian tới, những vướng mắc xuất phát từ phía người xử lí hồ sơ, gây khó dễ cho người dân mua nhà sẽ bị đoàn thanh tra liên ngành xử lí triệt để”, ông Cường cho biết.


Còn theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư kí Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, vướng mắc về phía các ngân hàng chính là việc xác định đối tượng đủ điều kiện mua nhà. Vướng mắc này đang được các cơ quan chức năng là Bộ Xây dựng và NHNN tìm hướng giải quyết để thời gian tới nhiều người dân vay được tiền thuận lợi hơn.



Nam Hoàng - Minh Phương

Tháo gỡ khó khăn cho vay mua nhà ở xã hội
Tháo gỡ khó khăn cho vay mua nhà ở xã hội

Các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản, đặc biệt là gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, vẫn chưa phát huy tác dụng do còn nhiều vướng mắc. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/7, các ngân hàng mới chỉ cam kết cho 150 khách hàng cá nhân vay với số tiền 46 tỷ đồng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN