Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào cao điểm của mùa nước lũ hàng năm. Đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn ra bất thường, vấn đề an cư giúp bà con đảm bảo được an toàn tính mạng và tài sản trong những ngày này đang được các ngành chức năng quan tâm.
Vì người dân vùng lũ
Với mục tiêu giải quyết chỗ ở cho người dân vùng lũ ĐBSCL có cuộc sống ổn định, an toàn, không phải di dời mỗi khi lũ về; từng bước tiến tới phát triển bền vững trong điều kiện ngập lũ… ngay từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 105/2002/QĐ-TTg xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ thuộc các tỉnh ĐBSCL.
Theo đó, 8 tỉnh, thành bao gồm: Long An, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ vốn thường xuyên ngập lụt sẽ được ưu tiên chọn lựa.
Với dự toán đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, chương trình sẽ giúp các địa phương vùng lũ hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống cấp điện...
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chương trình đã thực hiện 982 cụm, tuyến dân cư và 73 bờ bao khu dân cư góp phần giúp 185.500 hộ, trong đó gần 80% thuộc diện nghèo được vào các cụm tuyến dân cư nhằm tránh lũ, đảm bảo an toàn cuộc sống.
Nhờ đầu tư đồng bộ, cụm tuyến dân cư vượt lũ thuộc xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng (Long An) đã giúp bà con vùng lũ an cư. |
“Đến cuối năm 2011, chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà vượt lũ cho người nghèo khu vực ĐBSCL đã tôn nền và đắp bờ bao khu dân cư có sẵn cho hơn 800 dự án, đạt 100% chỉ tiêu đề ra.
Riêng việc xây dựng những công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho các dự án trên đã đạt hơn 94%. Nhiều tỉnh đầu nguồn và trọng điểm về sạt lở như: Đồng Tháp, An Giang… đã cơ bản bố trí hầu hết số hộ dân vào ở trong những cụm, tuyến dân cư.
Đây thật sự là một chương trình tầm vóc có ý nghĩa xã hội và kinh tế rất lớn thiết thực giúp người dân yên tâm sản xuất”, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định.
Ông Hồ Văn Dân - Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng (Long An) cho biết: Tân Hưng đã chủ động xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ cho người dân. Hiện huyện đã hoàn thành 28 tuyến cụm dân cư, di dời được hơn 5.000 hộ sống trong vùng trũng thấp với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng.
Ngoài những giải pháp đảm bảo an toàn về tính mạng cho người dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng của lũ, huyện đã tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ khâu thi công các công trình hạ tầng giao thông trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án phục vụ nhu cầu người dân. Còn tại Vĩnh Long, trong giai đoạn 1, tỉnh đã đầu tư 219 tỷ đồng giúp tôn nền 43 cụm tuyến dân cư, với diện tích 282 ha, tạo điều kiện sống ổn định lâu dài cho khoảng 7.000 hộ dân.
Các tỉnh được đánh giá cao trong công tác thực hiện như: An Giang, Đồng Tháp… đã cơ bản giải quyết xong vấn đề nhà ở cho bà con tại các địa điểm nguy hiểm khi lũ về.
Sẽ là nông thôn mới
Người dân vùng lũ cho rằng, chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL đang phát huy hiệu quả trông thấy. Cuộc sống của họ đã được ổn định, chất lượng cuộc sống nâng cao so với những ngày sinh hoạt phân tán kém ổn định trước đây. Ngành chức năng đã không phải tốn thời gian, kinh phí làm công tác di dời, hỗ trợ cho người dân vùng ngập lũ mỗi khi nước về.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo nâng cấp đường giao thông nội bộ trong các cụm, tuyến dân cư nhà ở vùng ngập lũ bằng bê tông xi măng, đồng thời hoàn thiện đầu tư hạ tầng xã hội như: Xây dựng các trạm cấp nước, cấp điện sinh hoạt, đầu tư bãi chôn lấp rác thải… bố trí dân cư vào ở trong cụm theo đúng kế hoạch đề ra. Hoàn chỉnh được như thế, trong tương lai tại đây sẽ hình thành những cụm nông thôn mới ở khu vực ĐBSCL”, ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Ông Hồ Văn Dân, Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng (Long An): Hiện trên địa bàn Tân Hưng còn hơn 3.500 hộ với khoảng 51.000 dân, trong đó người địa phương khác chuyển đến chiếm gần 3.000 hộ cần giải quyết vào nhà ở vượt lũ. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mới giải quyết cho những người dân của huyện, còn những hộ diện tạm trú ở nơi khác chuyển đến vẫn chưa được giải quyết. Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang: Chính sách của Chính phủ đưa ra mỗi nền nhà trong cụm, tuyến dân cư vượt lũ là 18 triệu đồng/căn (23 m2) và được bán cho dân trả chậm trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, do trượt giá nên hiện nay, mỗi nền sau khi hoàn thành san lấp mặt bằng giá đội lên thêm 5-10 triệu đồng/nền. Chủ trương của An Giang trong giai đoạn 2 khi bố trí hết các hộ dân vào ở, còn dư mới tính đến chuyện bán nền linh hoạt để lấy kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng được Chính phủ cho phép. Chương trình đã giúp cho nhiều hộ nghèo trước đây vốn thường xuyên bị lũ lụt đe dọa thật sự an cư mỗi khi nước tràn về. Anh Huỳnh Minh Toàn, nông dân huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp: Sinh sống ở cụm tuyến dân cư vượt lũ gần 3 năm, dù không kiếm tiền nhiều như lúc sống dọc bờ sông, kênh, nhưng ngoài trồng lúa bà con vẫn có thể tăng thu nhập bằng mua bán nhỏ, đan lác, đan lục bình… Để chương trình này phát huy hiệu quả hơn nữa, theo tôi địa phương cần lưu tâm hỗ trợ người dân trong việc mưu sinh, trong đó, công tác đào tạo nghề là vô cùng quan trọng. Do đa số người dân được xét vào khu dân cư là hộ nghèo không phương tiện sản xuất, bao năm quen với tập quán cuộc sống tạm bợ bám ven sông rạch khai thác thủy sản để mưu sinh nên nhu cầu có việc làm và cuộc sống ổn định là vô cùng bức thiết. |
Là một trong 2 chi lưu của sông Hậu, sông Bình Di trên địa bàn huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) mùa này ăm ắp nước. Dòng nước đục ngầu phù sa chảy từ Campuchia về hung hãn vỗ vào hai bờ sông vàng rực bông điên điển.
Đưa chúng tôi thăm khu vực đê bắc Cù Lao, đoạn qua vùng Bảy Chúc đang thi công nạo vét, anh Huỳnh Thanh Phong, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú chia sẻ: “Huyện đã hoàn tất 37 cụm tuyến dân cư đưa hàng ngàn hộ dân vào sinh sống. Trong quá trình thi công các công trình đê bao, hầu hết bà con bị mất diện tích đất canh tác do công trình đi qua đều vui vẻ nhận tiền đền bù giải tỏa, tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ công trình. Họ đã nhận thức được khi công trình hoàn tất, chính họ là người được hưởng lợi chứ không ai khác”.
Nằm trong vùng trũng của Đồng Tháp Mười, Tân Hồng (Đồng Tháp) là huyện thuần nông, cuộc sống bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Ngay khi triển khai xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ, huyện đã chú ý lồng ghép các công trình đê bao kết hợp với giao thông nông thôn, cống đập, chương trình thắp sáng đường thôn xóm… góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương, đặc biệt các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Nhờ có đê bao khép kín, những mô hình làm ăn trong mùa lũ như: Nuôi tôm càng xanh, trồng hoa màu… được phát huy triệt để nâng cao thu nhập của bà con. Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng (Long An) Hồ Văn Dân, cho biết: Huyện đang chú trọng trong việc xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 kết hợp chặt chẽ giữa hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và tạo dựng cuộc sống bền vững cho bà con.
Ngoài việc quan tâm nâng cao đời sống cho người dân, huyện cũng chủ động vận động bà con tự giác góp sức, góp của cùng nhà nước làm đường bê tông, cầu xi măng vững chắc… tạo bộ mặt khang trang xóm ấp.
Còn nhiều việc phải làm
Sau gần 10 năm triển khai, chương trình trọng điểm quốc gia về xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ giúp người dân các tỉnh thành ĐBSCL sẽ kết thúc vào năm 2013. Hiện các tỉnh được chọn triển khai đang khẩn trương hoàn thành chương trình. Theo đó, sẽ phấn đấu bố trí khoảng 52.300 hộ trong vùng có nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao vào sinh sống ở các cụm tuyến dân cư.
Nhiều nhà khoa học cho rằng, khi chuyển sang giai đoạn 2 xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ, ngành xây dựng, nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL cần chú ý trong việc gắn kết lợi thế giao thông đường thủy của vùng. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã cụ thể hóa vấn đề này trong "Dự án phát triển hạ tầng giao thông ĐBSCL”, trong đó tiếp tục khẳng định, phát triển giao thông thủy nội địa tạo tiền đề phát triển những điểm dân cư dọc theo tuyến kênh có khả năng vượt lũ, kết hợp làm giao thông đường bộ nông thôn, xây cầu vững chắc thay cầu khỉ, góp phần hình thành nông thôn mới ở ĐBSCL.
Theo ngành nông nghiệp An Giang, tỉnh đang gấp rút hoàn thiện 42 cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 nhằm bố trí hơn 12.000 hộ dân vào sinh sống. An Giang cũng đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung cho địa phương 19 cụm tuyến dân cư vượt lũ để bố trí thêm hơn 5.500 hộ bị ảnh hưởng sạt lở nặng nề phát sinh từ mùa lũ 2011.
Còn tại Đồng Tháp, ngoài 46 cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 đang được xây dựng để ổn định chỗ ở an toàn cho 14.000 hộ dân có nhu cầu, tỉnh kiến nghị hỗ trợ thêm hơn 330 tỷ đồng nhằm xây dựng 5 cụm tuyến dân cư vượt lũ bố trí hàng ngàn hộ dân trong vùng sạt lở nguy hiểm ở các huyện Châu Thành, Hồng Ngự… vào nơi ở an toàn.
Riêng Hậu Giang đã đầu tư 77 tỷ đồng ưu tiên để xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu san lấp mặt bằng, đường giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước cho các dự án cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ.
Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua đã có không ít địa phương ồ ạt xây dựng cụm tuyến dân cư mà thiếu hoặc thực hiện không đầy đủ công tác khảo sát, quy hoạch… đang làm giảm đi tính hiệu quả thiết thực của chương trình. Thực tế có những khu vực không cần thiết phải triển khai như: Vùng không có lũ hoặc lũ nhỏ, các điểm dân cư vùng cao… lại được đầu tư xây dựng. Trong khi đó người dân sống trong vùng sạt lở hết sức nguy hiểm lại không có cụm tuyến dân cư để vào.
Cụ thể, tại Đồng Tháp đã hoàn thành giai đoạn 1 nhưng bỏ sót hơn 2.000 hộ sống trong vùng sạt lở, tỉnh An Giang vẫn còn 5.500 hộ sống ở khu có nguy cơ sạt lở cao… Ngoài ra, còn có không ít trường hợp địa phương đăng ký xây cụm tuyến dân cư vượt lũ nhưng sau đó không thực hiện đã làm phát sinh quy hoạch treo, một số cụm tuyến dân cư bỏ hoang trong khi nhu cầu của người dân ở nơi khác hết sức cấp bách…
Riêng tại huyện Tân Hưng (Long An) rất nhiều người dân sinh sống tại cụm tuyến dân cư vượt lũ thuộc xã Hưng Điền 3 phản ánh, cơ sở hạ tầng vẫn chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Thực hiện chủ trương di dời của huyện từ năm năm 2010, nhưng đến nay nước sạch, điện… vẫn chưa đến được với đại bộ phận người dân. Dọc theo tuyến kênh 79 với gần 1.000 hộ sinh sống vẫn tiếp tục “hồi hộp” mỗi khi lũ về.
Chị Nguyễn Thị Mỹ cho hay: “Gia đình tôi sống trên ngôi nhà tạm dựng ở đây gần 10 năm và hàng năm vào mùa lũ, gia đình phải kè chống nhà, kê giường cao hơn để ở, không có nước sạch để sử dụng, phải kéo nước sông làm nước nấu nướng. Nguyện vọng của tôi được giải quyết vào nhà ở vượt lũ nhưng vẫn chưa được giải quyết. Nguyên nhân là do gia đình tôi chỉ có hộ khẩu tạm trú nên rất khó giải quyết”.
Lê Nghĩa