Cụm, tuyến dân cư phát huy tác dụng

Năm nay, dự báo lũ tại vùng Đồng Tháp Mười của ĐBSCL sẽ không lớn hơn hàng năm. Thời điểm này, khi nước lũ tràn đồng, cũng là lúc các địa phương vận động những gia đình có nhà cửa dễ bị ngập hoặc đang sống ngoài đồng trống, chuyển vào sống trong cụm, tuyến dân cư hoặc sẵn sàng di dời lên chỗ cao khi cần thiết.


Chiều về, khu dân cư Vĩnh Lợi thuộc huyện Tân Hưng (Long An) thanh bình dưới tán cây rợp mát. Xa xa, dòng nước lũ đục ngầu phù sa từ thượng nguồn đang cuồn cuộn đổ về xuôi.


Ông Tô Văn Tỏ, nguyên Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi nhớ lại: “Sau khi cơ bản xây dựng xong cụm tuyến dân cư vượt lũ, năm 2005 xã bắt đầu vận động bà con chuyển về đây sinh sống. Lúc đó thuyết phục bà con từ bỏ tập quán sinh sống ở các căn nhà ven sông, kênh rạch rất khó khăn vì ở đó bà con tiện cho việc mưu sinh cũng như đi lại. Nhưng sau khi thấy những tiện ích mà cụm tuyến dân cư thiếu thốn như điện, nước sạch, đường giao thông nông thôn, bệnh xá… bà con đã tự giác xin chuyển về".


Thiếu kinh phí xây dựng, rất nhiều hộ dân ở 3 xã bờ đông của huyện An Phú (An Giang) đang mong chờ ổn định cuộc sống.


Tính đến tháng 8/2012, tỉnh An Giang đã bố trí cho hơn 150.000 hộ dân thuộc các huyện An Phú, Tân Châu, Châu Thành, Châu Đốc… vào sinh sống tại các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Ngoài việc bố trí chỗ ở an toàn cho người dân trong các cụm, tuyến dân cư, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng… ngành nông nghiệp đã chủ động lồng ghép vào các chương trình dạy nghề, hỗ trợ vốn làm ăn… giúp bà con cải thiện tăng thu nhập ổn định cuộc sống.


“Khác với trước đây, khi vào sống ở những cụm dân cư, bà con còn ngần ngại vì lo mất mối công ăn việc làm, hiện nhờ đa dạng các chương trình hỗ trợ, đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ, người dân đã rất yên tâm khi chuyển về sinh sống. Hiện chúng tôi đã đầu tư thêm hơn 1.084 tỷ đồng chuyển sang giai đoạn 2 thực hiện khoảng 42 cụm tuyến với diện tích hơn 224 ha”, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết.


Tương tự An Giang, tỉnh Đồng Tháp cũng được đánh giá làm tốt công tác xây dựng các cụm tuyến dân cư vượt lũ đảm bảo ổn định được cuộc sống bà con mỗi khi mùa nước tràn về. Sau gần 10 năm triển khai, tại nhiều vùng quê thường xuyên bị ngập sâu trên địa bàn, cuộc sống, giao thông vốn khó khăn hiện đã hình thành nên những cụm tuyến dân cư có điều kiện sống gần như đô thị.


Cụ thể như cụm dân cư xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh); xã Phú Cường (huyện Tam Nông); xã Định Yên (huyện Lấp Vò); huyện Tân Hồng… đã được xây dựng thành những tuyến dân cư khép kín vừa giúp bà con an cư, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi hình thành những cánh đồng mẫu lớn tạo hiệu quả kinh tế cao.


Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp: Đến nay tỉnh xây dựng xong 204 cụm tuyến dân cư, đã bố trí xong hơn 37.000 hộ dân vùng lũ vào sinh sống ổn định. Hiện tại, tỉnh đang gấp rút thực hiện giai đoạn 2 giúp hơn 14.000 hộ dân vùng ngập lũ, sạt lở cần phải di dời.


Ở một khía cạnh khác, trong nỗ lực tạo lập hệ thống cảnh báo và giám sát lũ lụt hiệu quả ở các tỉnh vùng ĐBSCL. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ đang xây dựng và lắp đặt hoàn thiện các thiết bị của 89 trạm thủy văn nội đồng, 117 tiêu báo lũ và sẽ đưa vào hoạt động ngay trong mùa lũ năm 2012.


Theo đó, các trạm được gắn thiết bị hiện đại, tự động thu thập số liệu nhằm phục vụ nhanh công tác xử lý, tính toán, dự báo nhanh và chính xác tình hình thời tiết, đặc biệt là công tác dự báo bão, lũ.


Ngoài ra, nắm chắc phương châm "4 tại chỗ", các tỉnh Long An, Đồng Tháp… đã tổ chức thêm các đội thanh niên xung kích, y tế, chữ thập đỏ (1-3 đội/xã), kết hợp với những cụm, tuyến dân cư vượt lũ có kế hoạch cụ thể huy động các phương tiện tại chỗ của dân có trọng tải lớn phòng ngừa ứng phó di dời khi lũ lớn về.


Riêng tại huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) vốn là khu vực xung yếu nơi tiếp nhận 2 nguồn nước khổng lồ từ Campuchia và sông Tiền tràn về thường gây nhiều thiệt hại về người và của, ngành chức năng đã thành lập 58 chốt cứu hộ, 37 điểm giữ trẻ và 26 điểm đưa đón học sinh. Tại những điểm quan trọng như cầu Phú Quý, nơi giao nhau giữa hai nguồn nước, chốt cứu hộ sẽ trực ban ở đây thường xuyên kịp thời giúp bà con giảm thiệt hại.


Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN