Để hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động - Bài cuối: Đi tìm 'tiếng nói' chung

Nhiều doanh nghiệp sau khi ứng phó với đợt dịch COVID-19 bùng phát lại phải đối mặt với khó khăn do lạm phát, thiếu đơn hàng phải thay đổi quy mô sản xuất, cắt giảm lao động.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May mặc Dony, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Hồng Đạt/TTXVN

Đến khi đơn hàng nhiều, các đơn vị lại phải xoay sở tìm nguồn lao động, tốn nhiều chi phí tuyển dụng, đào tạo để vận hành lại các dây chuyền, nhà xưởng sản xuất…, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.

Cảm thông để cùng tháo gỡ, vượt qua khó khăn

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), lượng đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành Dệt may như châu Âu giảm tới 60%, Mỹ giảm từ 30 - 40%; lượng hàng tồn kho tăng chiếm khoảng từ 20 - 25%. Với nhiều ngành hàng, chi phí đầu vào tăng từ 20 - 30%. Trong khi đó, đơn hàng ít, khách hàng hạn chế khiến việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp gia tăng. Trong đó, ở một số lĩnh vực, ngành nghề, các đối tác đưa mức giá chỉ bằng 50%, thậm chí 40% so với bình thường.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp đã chuyển hướng tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu mới, đẩy mạnh tìm kiếm đơn hàng, cắt giảm chi phí không cần thiết và tăng năng suất lao động để bù đắp nhưng vẫn khó tránh khỏi khó khăn. Doanh nghiệp buộc phải giảm quy mô sản xuất, cắt giảm hàng ngàn lao động (không ít doanh nghiệp giảm hơn 50% lao động, có doanh nghiệp giảm 70% và thậm chí phải tạm ngừng hoạt động hoặc đóng cửa, giải thể…).

Chia sẻ về vấn đề này, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dự báo, các đơn hàng ngành May sẽ phục hồi vào quý II/2023. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt về sản phẩm, đơn hàng, giá cả từ các đối thủ ở các quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc hay Bangladesh. Trong khi thị trường sợi vẫn ảm đạm, chưa có dấu hiệu phục hồi, giá bán sợi trên thị trường vẫn ở mức thấp, giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị vẫn cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay. Tập đoàn Dệt may đang triển khai nhiều giải pháp đối với các doanh nghiệp sợi nhằm duy trì sản xuất, giữ ổn định nguồn lao động, đảm bảo dòng tiền và chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên.

Trước đó, ngay sau buổi làm việc với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam quyết định dành hơn 275 tỷ đồng hỗ trợ công nhân trong đợt cắt giảm vào tháng 3/2023. Bình quân, người lao động sẽ được hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc; trong đó, mức hỗ trợ cao nhất là 379 triệu đồng/người và thấp nhất là 12 triệu đồng/người. Tiền phép năm đối với người lao động thôi việc được doanh nghiệp thanh toán, tiền trợ cấp thất nghiệp do Cơ quan Bảo hiểm Xã hội chi trả theo quy định.

Lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn PouYuen Việt Nam mong muốn, các cơ quan chức năng giúp đỡ, hỗ trợ kết nối để cung cấp thông tin, kết nối cung - cầu lao động, giới thiệu việc làm để người lao động sớm tìm được việc làm mới phù hợp… Với việc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp sẽ hạn chế tối đa tranh chấp và người lao động được hưởng quyền lợi cao hơn luật định.

Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tỷ Hùng đã đàm phán thành công chi trả trợ cấp thôi việc, đảm bảo quyền lợi, lương thưởng đúng theo quy định; đồng thời, trả trợ cấp 2 tháng tiền lương cho toàn bộ người lao động bị mất việc cùng tiền thưởng năm. Ngoài ra, công nhân nhận được hỗ trợ từ Công đoàn cơ sở, Liên đoàn Lao động quận, Trung tâm Giới thiệu việc làm mới… Theo bà Phạm Thị Út, Phó Tổng Giám đốc Công ty Tỷ Hùng, đơn hàng của doanh nghiệp giảm từ 200.000 - 250.000 đôi giày/tháng xuống còn 60.000 - 70.000 đôi/tháng. Công ty không thể cầm cự, buộc phải thu hẹp sản xuất song vẫn duy trì khoảng 500 lao động ở khối hành chính, phòng mẫu và một vài dây chuyền sản xuất nhỏ…

Cũng gặp khó khăn về đơn hàng, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hansae Việt Nam (có hơn 20.000 lao động làm việc tại ba nhà máy ở TP Hồ Chí Minh, tỉnh Tiền Giang và Tây Ninh) phải tổ chức lại hoạt động sản xuất, lao động. Ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, thay vì xây dựng phương án để cắt giảm lao động, công ty đưa ra chính sách khuyến khích dựa trên cơ sở tự nguyện như: làm việc từ 10 năm trở lên nếu xin nghỉ sẽ được hỗ trợ 2 tháng lương; trên 12 năm được hỗ trợ 3 tháng lương... Qua đó, khoảng 4.000 người lao động đã chọn giải pháp này.

Trải qua nhiều khó khăn, doanh nghiệp và người lao động đã thấu hiểu, cảm thông để cùng tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn… Nhiều công nhân cùng doanh nghiệp đã chọn giải pháp giảm giờ làm, luân phiên làm việc hay nghỉ việc để mọi người đều có một phần thu nhập hoặc tìm việc mới. Ngược lại, các công ty cũng nỗ lực thực hiện tốt chính sách, chăm lo đời sống người lao động, cố gắng duy trì việc làm để giữ chân công nhân đến khi không còn giải pháp khác… Đó chính là văn hóa doanh nghiệp trước những thách thức mới.

Nhiều chính sách hỗ trợ công nhân, doanh nghiệp

Theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, không có đơn hàng, doanh thu giảm, thu nhập giảm, mất việc là điều ngoài ý muốn của cả doanh nghiệp và người lao động. Việc chi trả hỗ trợ cho công nhân của nhiều doanh nghiệp thời gian qua, nhất là tại Công ty PouYuen Việt Nam cao hơn so với luật định. Đặc biệt, công ty không thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi hay các trường hợp khó khăn, hộ nghèo, lao động khuyết tật, người lao động trong cùng gia đình... là điều đáng trân trọng.

Để quyền lợi của người lao động được đảm bảo, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đẩy mạnh thực hiện chính sách về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bù đắp chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống do bị mất việc. Các đơn vị liên quan (như Trung tâm Giới thiệu việc làm, trường nghề) tăng cường hỗ trợ, tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu tìm kiếm việc làm mới; bố trí nguồn lực, đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm cho người lao động.

Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị quản lý, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình lao động, khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Các cấp Công đoàn triển khai gói hỗ trợ người lao động bị giảm việc, ngừng việc, mất việc (từ ngày 1/10/2022 - 31/3/2023) của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đồng thời, thực hiện chi hỗ trợ, tặng quà công nhân có hoàn cảnh khó khăn. 

Theo ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, các cấp Công đoàn đã chủ động tham gia đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động để xây dựng phương án sử dụng lao động, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng. Công đoàn phối hợp cùng các cấp, ngành thực hiện giám sát chặt chẽ đảm bảo quyền lợi cho lao động mất việc; tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, ngày hội việc làm; giới thiệu doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng giải quyết việc làm cho người lao động.

Xác định hỗ trợ doanh nghiệp chính là tạo việc làm ổn định cho người lao động, Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản kiến nghị Nhà nước đẩy mạnh hỗ trợ vốn, tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vối ưu đãi; Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng”; thực hiện chính sách gia hạn, ân hạn nợ vay; hỗ trợ thị trường trái phiếu và tài chính; hỗ trợ về thuế. Ngành Thuế cần nhanh chóng hoàn thuế (VAT) cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngành gỗ, chế biến gỗ bởi việc xác minh nguồn gốc để đánh giá doanh nghiệp được hoàn thuế hay không rất phức tạp và kéo dài khiến đơn vị càng khó khăn, nguồn tiền cạn kiệt…

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đề xuất cần tăng cường cải cách hành chính; giảm bớt các công đoạn thẩm định; phát huy thêm chỉ số “hỗ trợ doanh nghiệp”; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; chấn chỉnh tình hình kiểm tra xây dựng, kiểm tra doanh nghiệp. Các địa phương đẩy mạnh chương trình cho vay kích cầu đầu tư, nâng số vốn cho vay, mở rộng thêm ngành nghề; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ bán hàng, kết nối trực tiếp với các thị trường trọng điểm xuất khẩu hoặc đang có lợi thế xuất khẩu như Ấn Độ, EU...

Theo Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh, Thành phố đang triển khai thực hiện các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế; đồng thời, tập trung triển khai đầy đủ, kịp thời các dự án, hoạt động của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022)…

Đơn hàng sụt giảm, chi phí đầu vào doanh nghiệp tăng, người tiêu dùng có tâm lý chọn lọc, tiết kiệm khiến sức mua sụt giảm, đầu ra hạn chế... khiến doanh nghiệp và cả người lao động gặp nhiều khó khăn. Vì vậy trước mắt, mỗi doanh nghiệp cần tự xây dựng phương thức làm việc mới, thích ứng với thực tiễn. Tuy nhiên, làm cách nào để hài hòa lợi ích doanh nghiệp - người lao động; để doanh nghiệp dễ dàng tìm lại người lao động có kinh nghiệm, tay nghề; để người lao động sẵn sàng quay lại làm việc với doanh nghiệp khi có đơn hàng dồi dào... là sự lựa chọn, cách ứng xử của cả doanh nghiệp và cả người lao động.

Thanh Vũ (TTXVN)
Để hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động - Bài 1: Bài toán cắt giảm lao động
Để hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động - Bài 1: Bài toán cắt giảm lao động

Tình hình kinh tế thế giới suy thoái từ nửa cuối năm trước đến nay chưa có dấu hiệu dừng đã và đang tác động trực tiếp đến cung - cầu sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp, nhất là các công ty xuất khẩu, doanh nghiệp FDI.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN