Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn 4/4:

Để đất nước không còn ảnh hưởng nặng nề của bom mìn sau chiến tranh

Khảo sát, rà phá được gần 500.000 ha đất; công bố Bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc; hỗ trợ hơn 5.000 nạn nhân và các đối tượng liên quan; tổ chức giáo dục nguy cơ cho hơn 3 triệu người dân và học sinh...

Chú thích ảnh
Các thành viên đội MAT 19 rà tìm các vật liệu nổ bằng máy chuyên dụng tại vùng cát huyện Hải Lăng. Ảnh tư liệu: Hồ Cầu/TTXVN

Đây là những kết quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được qua 10 năm thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 (Chương trình 504). Với định hướng đưa đất nước phát triển ổn định, bền vững, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện tất cả các giải pháp để hướng tới một tương lai đất nước không còn phải chịu ảnh hưởng nặng nề của bom mìn sau chiến tranh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, cũng như mang lại môi trường an toàn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Vì cuộc sống bình yên 

Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình 504 với các mục tiêu, giải pháp và giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Giai đoạn 2010 - 2020, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam và các ban, bộ, ngành, địa phương, công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng, trong đó có việc xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thống nhất.

Bộ Quốc phòng với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam đã tham mưu với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở triển khai công tác khắc phục hậu quả chiến tranh một cách đồng bộ, phù hợp với các quy định và tiêu chuẩn quốc tế.

Theo đó, Bộ Quốc phòng đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2019/NĐ-CP về quản lý và thực hiện hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, ban hành 9 thông tư ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, quy trình hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Các bộ, ngành đã tham mưu, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, chế độ hỗ trợ người khuyết tật, chính sách y tế đối với nạn nhân bom mìn, quy định về quản lý vật liệu nổ công nghiệp… và tham gia các công ước quốc tế có liên quan.

Theo điều tra khảo sát, trước khi ban hành Chương trình 504, mật độ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam là 6,1 triệu ha đất đai, chiếm 18,82% diện tích đất đai của cả nước. Giai đoạn 2010 - 2020, toàn quốc đã triển khai khảo sát và rà phá bom mìn vật nổ được 485.000 ha (trung bình đạt gần 50.000 ha/năm, tăng 35% so với giai đoạn trước) với ngân sách 12.614 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trong nước 10.417 tỷ đồng, ngân sách viện trợ không hoàn lại trực tiếp của nước ngoài là 2.197 tỷ đồng (tương đương 95,5 triệu USD). Như vậy, đến nay diện tích ô nhiễm bom mìn đã giảm xuống còn 5,6 triệu ha đất đai, tương đương 17,71% diện tích cả nước.

Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát, lập Bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc và tổ chức công bố số liệu vào tháng 4/2018, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện.

Tại tỉnh Hà Giang, các dự án rà phá bom mìn, giải phóng đất đai phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc được tổ chức triển khai đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế - xã hội thiết thực cho địa phương, đồng thời thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, sự tri ân của toàn xã hội đối với các Anh hùng Liệt sỹ, những người có công trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, các dự án ODA không hoàn lại của chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, gồm Chính phủ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Australia, Na Uy... và của các tổ chức quốc tế cũng đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống của người dân tại nhiều địa phương trên cả nước, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Là một trong những giải pháp quan trọng nhằm khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, vật liệu nổ của các bộ, ngành, địa phương đã nhận được sự phối hợp, ủng hộ tích cực của đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam bằng nhiều hoạt động thiết thực, với các hình thức đa dạng, phong phú như: tổ chức thông cáo báo chí, xây dựng và trình chiếu phim, triển lãm ảnh; tổ chức các cuộc mít tinh, các cuộc thi, hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn 4/4 hằng năm...

Các hoạt động nâng cao nhận thức đã tiếp cận và thu hút được hàng triệu lượt người tham gia. Kết quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục được thể hiện qua số vụ tai nạn bom mìn ngày càng giảm rõ rệt. Theo điều tra, trước năm 2010, số nạn nhân bình quân hằng năm là gần 400 người, trong đó gần 200 người tử vong. Tuy nhiên, những năm gần đây, số nạn nhân bom mìn hằng năm là dưới 50 người. Nhiều địa phương trong nhiều năm nay không còn xảy ra tai nạn bom mìn.

Tháng 10/2014, Việt Nam đã phê duyệt Công ước người khuyết tật và ban hành các khuôn khổ pháp lý về người khuyết tật, trong đó có trợ giúp nạn nhân bom mìn, góp phần đảm bảo cho nạn nhân bom mìn có quyền bình đẳng tham gia các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, tạo công ăn, việc làm; được tiếp cận các hoạt động văn hóa - xã hội, công trình công cộng, các phương tiện giao thông, công nghệ thông tin phù hợp với từng dạng tật và mức độ khuyết tật, không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của các nạn nhân bom mìn.

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trong cả nước đã tiến hành xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, bao gồm nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc hóa học. Đến hết năm 2019, gần 3 triệu người khuyết tật đã được cấp giấy xác nhận khuyết tật, các đối tượng đã được trợ cấp hàng tháng, tặng nhà tình nghĩa, phương tiện nghe nhìn, được học nghề, được hỗ trợ sinh kế..., trong đó, hơn 5.860 trường hợp nạn nhân bom mìn và các đối tượng bị ảnh hưởng khác được hỗ trợ với số kinh phí hơn 50 tỷ đồng.

Tiếp tục nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh 

Chú thích ảnh
Nhiều quả đạn pháo, đạn cối được lực lượng công binh phát hiện ở khu vực Thượng Thành, thành phố Huế.  Ảnh tư liệu: Đỗ Trưởng/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam đã nhấn mạnh: "Bom mìn, vật nổ do chiến tranh để lại ở Việt Nam là hiểm họa hàng ngày đối với người dân, là vấn đề nhức nhối của đất nước, gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, cản trở sự phát triển bình thường của kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn... Đây là hậu quả rất nặng nề, bởi mất mát về con người là không thể bù đắp được".

Thủ tướng cũng nêu rõ, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, hậu quả bom mìn, chất độc da cam nói riêng. Việc ban hành Chương trình 504 có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ổn định cuộc sống người dân, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, trách nhiệm và sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước nhằm sớm loại bỏ sự nguy hiểm bởi bom mìn do chiến tranh để lại ở Việt Nam, hàn gắn vết thương chiến tranh để lại.

Báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về công tác khắc phục hậu quả bom mìn toàn cầu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 năm 2021 đã đánh giá cao kết quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam trong thời gian qua. Việt Nam thực hiện đầy đủ các điều ước, thỏa thuận quốc tế đã ký kết, đồng thời tại các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, chung tay gìn giữ hòa bình. Phiên thảo luận cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về khắc phục hậu quả bom mìn do Việt Nam khởi xướng và chủ trì đã được đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả quan trọng, công tác khắc phục hậu quả bom mìn của Việt Nam còn những khó khăn, hạn chế, như chưa đạt được chỉ tiêu diện tích rà phá bom mìn làm sạch đất đai; việc quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước cho khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh chưa tập trung; hoạt động rà phá bom mìn chưa thực sự gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương... Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, với tinh thần nhân văn và trách nhiệm cao nhất, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt mọi khó khăn, có giải pháp khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại để công tác khắc phục hậu quả bom mìn đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.

Để đẩy nhanh tốc độ khắc phục hậu quả bom mìn, đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia không còn bom mìn sau chiến tranh, không còn người dân vô tội bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh gây ra, công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh cần được coi là nhiệm vụ cấp bách.

Cùng với việc tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động điều tra, khảo sát và rà phá bom mìn, vật nổ, nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện hệ thống chế độ, chính sách, hành lang pháp lý khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh cần được triển khai tích cực, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện; song song với việc nâng cao năng lực toàn diện cho Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam và hệ thống cơ quan khắc phục hậu quả bom mìn tại các địa phương.

Đặc biệt, việc tăng cường hợp tác quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh là yếu tố quan trọng, cần được thực hiện đồng thời với các hoạt động tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân, phấn đấu để đến năm 2025 không còn xảy ra các vụ tai nạn do bom mìn vật nổ gây ra trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, làm chủ công nghệ trong rà phá bom mìn, nghiên cứu, vận dụng và thực hiện phương thức quản lý bom mìn một cách chủ động, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Đồng thời, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, chủ động hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bao trùm và nhân văn.

Hiền Hạnh (TTXVN)
Việt Nam nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy khắc phục hậu quả bom mìn
Việt Nam nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy khắc phục hậu quả bom mìn

Ngày Thế giới phòng chống bom mìn (4/4) được Liên hợp quốc tổ chức hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của con người về một thế giới không còn mối đe dọa về bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn, Việt Nam đã và đang nhân đôi nỗ lực ở trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy khắc phục hậu quả bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN