Song song đó, một số địa phương đang bước đầu triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống sạt lở theo hướng xanh, thuận thiên, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo tính hiệu quả lâu dài.
Có nên xây kè tràn lan...?
Để xử lý các đoạn sạt lở bờ sông, kênh, rạch nhằm ổn định cuộc sống cho người dân, nhiều công trình kè với vốn đầu tư lớn đã được xây dựng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên có công trình kè chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, nhiều lần bị sạt trượt, sụt lún, “đội” chi phí xây dựng. Điển hình như Dự án kè khu vực chợ Bình Thành (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2020, tổng mức đầu tư hơn 90 tỷ đồng với chiều dài 850m. Khoảng ba năm gần đây, kè nhiều lần bị sạt, lún nghiêm trọng, tốn hàng chục tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp, qua kiểm định chất lượng xây dựng công trình kè Bình Thành cho thấy, hồ sơ thiết kế chưa đánh giá được hết những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến sự ổn định của công trình theo thời gian, nhất là thiếu sót trong công tác khảo sát, thu thập số liệu phục vụ thiết kế kè. Công tác tổ chức thi công tạo mái bằng bao tải cát chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật do vận tốc dòng chảy lớn, lòng sông sâu. Nếu không tính toán điều chỉnh biện pháp, bao tải cát sẽ không rơi đúng vị trí thiết kế.
Bên cạnh đó, kè Bình Thành xây dựng ở đoạn sông cong, co hẹp, địa tầng có lớp đất yếu dày, chế độ dòng chảy phức tạp tác động vào bờ lõm của đoạn sông cong và co hẹp tạo ra dòng chảy xoáy làm xói lở lòng sông phía ngoài chân kè, hình thành các hố xói mở rộng về phía chân kè, gây mất ổn định công trình. Ngoài ra, còn do một số tác động từ hoạt động khai thác cát, khai thác thủy sản (bằng ghe cào) gần bờ, các phương tiện thủy có tải trọng lớn lưu thông trong hành lang bảo vệ công trình.
Kè khu vực chợ Bình Thành không những bị sạt trượt ở đoạn ngoài sông Tiền - con sông lớn, có dòng chảy phức tạp, xuất hiện các hố xói ở lòng sông… mà còn bị sụp lún ở đoạn trong rạch Cái Dầu - một con rạch nhỏ, điều kiện tự nhiêu không phức tạp. Gần đây, đoạn kè ven rạch Cái Dầu xuất hiện tình trạng nghiêng, sụp lún với chiều dài khoảng 30 m. Phần vỉa hè lún xuống, gạch lót bị bong tróc, mặt kè nghiêng ra phía ngoài làm xuất hiện khe hở, cách cống thoát nước hơn 20 cm.
Ông Trần Chí Tâm ở gần rạch Cái Dầu, sau thời gian vất vả, đến năm 2019, ông tích góp xây được ngôi nhà trị giá hơn 500 triệu đồng. “Bờ kè nghiêng ra phía ngoài rạch, trong khi nhà của tôi ở kế bên bờ kè nên cảm thấy rất sợ, ăn ngủ không yên. Tôi mong chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm khắc phục để tránh sạt lở nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới cuộc sống của gia đình tôi” - ông Tâm lo lắng cho biết.
Nói về giải pháp ứng phó, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: “Biện pháp kè không đảm bảo an toàn tuyệt đối và rất tốn kém. Chỉ có những nơi nào buộc phải bảo vệ thì mới nên làm kè bảo vệ nhưng chúng ta không nên làm một cách tràn lan. Bởi, thứ nhất kè có tuổi thọ, thứ hai làm kè sẽ chống lại tự nhiên, thứ ba khi làm kè sẽ làm sạt lở ở nơi khác. Dòng sông phải cân bằng, khi điểm này quá kiên cố thì nó sẽ tấn công điểm khác để cân bằng. Tình trạng kè đang bị sụp đổ đã xảy ra nhiều nơi, trong đó kè ở chợ Bình Thành là minh chứng”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết, Chính phủ ban hành Quyết định 957/QĐ-TTg ngày 6/7/2020 về phê duyệt “Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030”, với các giải pháp chính là: Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống sạt lở; triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách trước mắt, giải pháp căn cơ lâu dài, các công trình, phi công trình để phòng, chống sạt lở; đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ phục vụ phòng, chống sạt lở… Tuy nhiên, các giải pháp này khó có thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ sạt lở bởi nguyên nhân lớn nhất là nguồn cát và các chất trầm tích suy giảm từ thượng nguồn không thể kiểm soát và khống chế.
“Hiện nay, các công trình lớn như cầu đường, khu phức hợp các tòa nhà lớn, đê sông… có nhu cầu cát xây dựng và san lấp rất lớn, trong khi giá cát vẫn đều đặn tăng vì nguồn cung khan hiếm. Nhiều nơi san lấp phải sử dụng vật liệu rất yếu so với cát như đất bùn cát nạo vét, xỉ than, rác thải… Điều này làm công trình mau sụt lún và xuống cấp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.
Hướng tới các giải pháp 'xanh, thuận thiên'
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về hệ sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, công trình kè bê tông chỉ thực hiện ở những nơi như: khu đô thị, khu đông dân cư… với điều kiện phải tính toán về lợi ích đem lại và chi phí bỏ ra.
Thực tế, Đại học Cần Thơ cũng có nhiều nghiên cứu đề xuất những giải pháp chống sạt lở cho các kênh, rạch nhỏ theo hướng thân thiện môi trường, chi phí thấp. Ðơn cử như: giải pháp túi vải địa kỹ thuật, sử dụng vỏ xe ô tô cũ, ứng dụng cọc xi măng đất gia cố mái, ứng dụng cây xanh trong gia cố mái, ứng dụng cốt liệu tro bay làm vật liệu chống sạt lở… Các giải pháp nêu trên đã được tiến hành thực nghiệm tại một số tỉnh trong vùng (An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp…) và bước đầu cho kết quả khả quan.
Là địa phương thí điểm, mô hình chống sạt lở bờ sông của tỉnh Hậu Giang được xây dựng trên cơ sở hai tiêu chí là chống xói mòn và tăng độ ổn định. Theo kỹ sư Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang, tùy theo đặc thù thổ nhưỡng có thể trồng các loại cây có hệ rễ sâu như: dừa, tràm, cà na ở vùng có chênh lệch triều thấp (huyện Phụng Hiệp); còn vùng chênh lệch triều cao (huyện Châu Thành) trồng bần. Tiêu biểu như 500 m kè sinh thái trồng bần ở kênh Tân Hiệp, thị trấn Một Ngàn, Châu Thành A, triển khai từ tháng 5/2022 với kinh phí 270 triệu đồng được vận động từ nguồn xã hội hóa.
Kỹ sư Trần Thanh Toàn cho biết, so với kinh phí làm kè cứng (kè tường chịu lực, kè cọc bê tông cốt thép), bình quân tốn 70 triệu đồng/m chiều dài, việc làm kè sinh thái thực sự tiết kiệm và đạt hiệu quả bền vững trong bối cảnh tình trạng sạt lở đáng báo động như hiện nay. “Phía trên mỗi kè sinh thái, người dân kết hợp trồng thêm các loại cây ngắn ngày như sả, cây ăn trái… Đường giao thông gần với bờ kè trồng thêm hoa, làm đẹp cảnh quan nông thôn. Như vậy, cùng lúc vừa phòng sạt lở hiệu quả, tạo sinh kế cho người dân, chúng ta còn có thêm những khúc sông đẹp gắn với con đường đẹp, có thể thu hút khách tham quan du lịch sinh thái vùng sông nước Nam Bộ”.
Thực tế, các mô hình kè sinh thái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được kỹ sư Trần Thanh Toàn tâm huyết khởi xướng từ năm 2018. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, đến nay, các mô hình này đã được nhân rộng tại các huyện, thành phố với bình quân 50 km/năm. Nhiều đoàn công tác từ tỉnh An Giang, Bạc Liêu đã đến tham quan, khảo sát, học tập. Kỹ sư Toàn cho rằng, ngoài việc tính toán kỹ thuật làm kè sinh thái cho phù hợp với từng vùng đất, rất cần sự chung tay tham gia của người dân địa phương. Bởi vì, kè sinh thái sau khi làm cần thường xuyên chăm sóc, bảo dưỡng. Hiện vẫn còn nhiều người dân chưa hiểu được mối nguy hiểm của sạt lở cũng như vai trò, hiệu quả của kè sinh thái. Do vậy, chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân để tiếp tục phát huy hiệu quả các mô hình kè sinh thái.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giải pháp nhập cát từ các nơi khác và sử dụng cát nhân tạo (đá núi, bê tông tháo dỡ công trình xay nhỏ) tại Đồng bằng sông Cửu Long để thay thế cát sông cũng phải tính đến cho dù chi phí cao hơn. Ngoài ra, trong công nghệ vật liệu xây dựng phải tính đến giảm khối lượng sử dụng cát và xi măng như: làm các tòa nhà, cầu bằng thép chịu lực, sử dụng vách nhôm, kính, nhựa tổng hợp… Ngành Thủy lợi cần nghiên cứu để có những đề xuất xây dựng công trình ổn định lòng dẫn ở các vị trí xung yếu về kinh tế và dân cư. Các địa phương vùng ngập lũ nên giảm bớt diện tích đê bao cho vụ 3, mở nước đón lũ nhận phù sa, thay vì để dòng lũ xiết hơn về phía hạ lưu, tăng nguy cơ sạt lở.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cho rằng, giải pháp căn cơ xử lý tình trạng sạt lở bờ sông là kiến nghị Trung ương, các nhà khoa học thực hiện những đề tài khảo sát, đánh giá toàn tuyến sông Tiền, sông Hậu đưa ra các giải pháp lâu dài; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, thực hiện những giải pháp “mềm”, tiết kiệm như: trồng bần, thủy sinh để hạn chế sạt lở nội đồng.