Dạy nghề ở miền núi phía Bắc vẫn chưa chuyển biến

Mục tiêu của việc triển khai các dự án dạy nghề ở khu vực miền núi phía Bắc là nhằm tạo sự chuyển biến về nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn chưa đạt được.

Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, ngân sách Trung ương đầu tư cho hoạt động dạy nghề khu vực miền núi phía Bắc từ Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề và Chương trình 30a là trên 1.514 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các dự án ODA cũng hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở dạy nghề vùng này hơn 1,3 triệu USD; còn các tỉnh bố trí từ ngân sách địa phương trên 165 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, đào tạo giáo viên dạy nghề và hỗ trợ lao động nông thôn học nghề. Khoản kinh phí cho dạy nghề vì vậy được đánh giá là khá lớn.

Lớp học nghề phòng dịch bệnh cây trồng tại Cao Bằng. Ảnh: Tổng cục dạy nghề.

Ba năm trở lại đây, trung bình mỗi năm cũng có khoảng 140.000 người ở khu vực miền núi phía Bắc được tham gia đào tạo nghề, nhưng chủ yếu là đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo Chương trình 1956 về đào tạo nghề ở nông thôn (chiếm gần 90%). Tỷ lệ học viên được đào tạo nghề trình độ cao đẳng và trung cấp chỉ chiếm hơn 10%.

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc:

“Vùng Tây Bắc có khoảng 70.000 người tốt nghiệp đại học ra không có việc làm. Trong khi đó, học nghề đang được người dân quan tâm và cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Thời gian tới, cần tính đến việc xây dựng trường nghề chất lượng cao cấp vùng”.

Ông Vũ Văn Thịnh, Giám đốc tuyển sinh và việc làm (Trường Cao đẳng nghề than khoáng sản Việt Nam):

Việc định hướng cho người học tại các trung tâm dạy nghề - giáo dục thường xuyên chưa rõ ràng. Chúng tôi đã khảo sát một lớp có 40 học sinh về vấn đề nghề nghiệp tương lai, thì gần như 100% đăng ký học kế toán. Cũng có tình trạng người học nghề có đăng ký học một số nghề thì không phù hợp với điều kiện nơi mình sinh sống.

“Số lao động nông thôn sau học nghề được doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng hoặc doanh nghiệp ký hợp đồng sau bao tiêu sản phẩm còn ít. Số lao động học các nghề phi nông nghiệp để chuyển đổi nghề nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ thấp. Đa số học nghề nông nghiệp, sau học nghề tiếp tục làm nghề nông nghiệp. Do điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, giao thương hàng hóa khó khăn nên việc làm chưa bền vững”, đại diện Vụ Dạy nghề thường xuyên (Tổng cục Dạy nghề) cho biết.

Tình trạng dạy và học nghề không hiệu quả như đánh giá ở trên khá phổ biến ở nhiều địa phương tham gia dạy nghề theo Chương trình 1956. Có tình trạng cả xã học nghề sửa xe, rồi cả làng học nghề làm đầu... Nhiều lớp dạy nghề không gắn với thị trường lao động, nên học xong cũng không tạo được chuyển biến gì trong lĩnh vực lao động tại khu vực.

Nguyên nhân khiến việc dạy và học nghề tại khu vực miền núi phía Bắc chưa hiệu quả là do việc triển khai còn thiếu hiệu quả, còn đào tạo theo phong trào. Có tình trạng hàng trăm người của 1 xã cùng tham gia học 1 nghề, nên khi ra nghề thì sự cạnh tranh nhau rất cao; chưa kể các nghề được đào tạo cũng chưa thực tế. Chị Hà Thị Lan Hương, thôn Phát 1 (xã Lai Đồng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) cùng gần 100 người dân xã Lai Đồng tham gia lớp học thêu trong 3 tháng. Khi mới học, ai cũng hy vọng sau khi tốt nghiệp, sẽ có thể kiếm sống bằng nghề mới này, nhưng sản phẩm thêu làm ra không có nơi tiêu thụ; nên gần 100 người đành nhất loạt bỏ nghề. “Mất công học nghề xong lại bỏ, tôi thấy cũng tiếc, nhưng không còn cách nào để duy trì vì sản phẩm làm ra không bán được”, chị Lan Hương cho biết.

Bên cạnh đó, do thời gian đào tạo không dài, nội dung đào tạo chưa chuyên sâu, nên kể cả những lao động nông thôn được đào tạo nghề nông, thì sau đào tạo cũng không tạo được nhiều chuyển biến trong nghề nghiệp (áp dụng khoa học kỹ thuật, cách làm mới, sáng tạo...). Theo đại diện UBND xã Lai Đồng, trong 5 năm qua, xã có gần 200 người tham gia học nghề, trong đó có gần 100 người học nghề thêu nói trên. Số còn lại theo học các nghề nông, nhưng rồi học xong cũng chủ yếu lại gắn bó với mảnh ruộng, mảnh vườn của mình; nên cũng không tạo được sự chuyển biến rõ rệt sau học nghề. Hoặc như anh Bùi Văn Nam (Tân Lạc, Hòa Bình) học nghề cơ khí nhưng thực tế đào tạo chỉ mức giới thiệu về nghề. “Còn sống được bằng nghề phải học thêm và thực hành mới làm được nghề”, anh Nam chia sẻ

Cơ sở vật chất của các trường nghề còn thiếu và yếu, xuống cấp... dẫn tới việc đào tạo nghề thiếu hiệu quả, hoặc chỉ đào tạo được những nghề đơn giản, không theo nhu cầu thực tế. Theo ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, các huyện miền núi thuộc diện 30a của tỉnh trong thời gian qua được đầu tư cơ sở trường học đầy đủ nhưng không có thiết bị để dạy. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không đầu tư vào miền núi nên khó trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút tạo việc làm.
Do đó, việc đào tạo nghề của khu vực miền núi phía Bắc vẫn chưa thể như mong đợi.

Trong số lao động được dạy nghề, lao động nông thôn chiếm 72,2%, trong đó, người dân tộc chiếm 62%, thuộc hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 19%). Số học xong chủ yếu tự tạo việc làm (chiếm 87%), một số ít được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc thành lập các tổ, nhóm sản xuất nhỏ (chiếm 13%). Theo các chuyên gia lao động, giai đoạn đầu của Chương trình 1956, nhiều địa phương dạy nghề theo chỉ tiêu kế hoạch, nên dẫn đến tình trạng triển khai máy móc, cả xã học cùng một nghề và chưa tính đến hiệu quả của dạy nghề gắn với thị trường lao động.


Xuân Cường
Chỉ mở lớp dạy nghề khi đảm bảo đầu ra
Chỉ mở lớp dạy nghề khi đảm bảo đầu ra

Với thực tế hiện nay, việc học nghề đã trở thành một xu hướng mạnh, không kém việc học đại học. Theo Tổng cục Dạy nghề, 2 năm trở lại đây, học nghề đã có những chuyển biến trong ý thức người dân, nhất là học sinh và phụ huynh học sinh. Nguyên nhân cơ bản là áp lực về việc làm sau tốt nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN