Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh

Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh luôn được Bộ Y tế chú trọng nhằm giảm phiền hà, thời gian chờ đợi, khám chữa bệnh của bệnh nhân; đồng thời nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh trong các bệnh viện.

Hiện 100% bệnh viện đều có hệ thống công nghệ thông tin giúp người bệnh thuận lợi hơn khi đến khám chữa bệnh. Ngành đã nâng cấp, hoàn chỉnh phần mềm quản lý bệnh viện (phần mềm HIS), đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để đáp ứng tốt việc kết nối liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế với cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng như Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế.

Kiểm tra phương tiện, máy móc, dụng cụ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh (Nghệ An). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Kết nối thông tin quản lý khám chữa bệnh đạt 99,5%

Ngành y tế đã đẩy nhanh phát triển hệ thống thông tin y tế trong khám chữa bệnh; hoàn thành thí điểm bệnh án điện tử tại 6 bệnh viện, công bố rộng rãi các tiêu chuẩn Hồ sơ sức khỏe cá nhân phiên bản tiếng Việt (áp dụng vào phần mềm quản lý bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế).

Bộ Y tế đã hoàn thành thông tư quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế từ xa và hướng dẫn triển khai hệ thống thông tin quản lý xét nghiệm tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; 2 bệnh viện hạt nhân trực thuộc Bộ Y tế đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng hệ thống Telemedicine; hoàn thành kết nối hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế qua mạng điện tử đạt 99,5%. Hiện nay, 100% bệnh viện đều có hệ thống công nghệ thông tin giúp người bệnh thuận lợi hơn khi đến khám chữa bệnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Đặng Hồng Nam cho biết, đến nay, các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng một hệ thống kết nối liên thông khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong toàn quốc. Các cơ sở y tế đã và đang tiếp tục cập nhật, hoàn thiện phần mềm theo chuẩn qui định để đảm bảo dữ liệu trích xuất và kết nối giữa cơ sở khám chữa bệnh với Bộ Y tế và với cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đạt kết quả cao nhất. Một số tỉnh có tỷ lệ đạt thấp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Long An...

Theo ông Đặng Hồng Nam, trong quá trình thực hiện, việc liên thông dữ liệu vẫn gặp nhiều khó khăn như: Hệ thống dữ liệu danh mục dùng chung ngành y tế còn chưa đầy đủ; chưa có văn bản hướng dẫn về thuê dịch vụ công nghệ thông tin, một số văn bản hướng dẫn do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam ban hành chưa thống nhất. Đồng thời, các máy tính yếu về cấu hình, thiếu về số lượng, tốc độ đường truyền internet còn chậm, không ổn định; chưa kết nối được kết quả xét nghiệm vào phần mềm do thiếu đồng bộ của các máy xét nghiệm.

Ngoài ra, các cán bộ y tế ít được đào tạo về công nghệ thông tin, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở, nguồn nhân lực công nghệ thông tin vừa yếu vừa thiếu; người đứng đầu chưa thực sự quan tâm và hiểu hết ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...

Từng bước hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế

Thời gian tới, để hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh đạt hiệu quả hơn, Bộ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục/từ điển dùng chung cốt yếu gắn liền với mã định danh, làm nền tảng cho việc trao đổi thông tin, khả năng tích hợp giữa các hệ thống trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để các bệnh viện chủ động hoàn thiện hệ thống thông tin bệnh viện. 

Khoa Cấp cứu (A9) - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Ngành y tế sẽ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn công nghệ thông tin y tế, chuẩn hóa các quy trình nghiệp vụ, chuyên môn; áp dụng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế vào các hệ thống công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống công nghệ thông tin; xây dựng hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân (sử dụng ID của bảo hiểm xã hội làm ID y tế).

Đồng thời, ngành y tế sẽ triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế xã kết nối liên thông với hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử từng bước giảm thiểu giấy tờ sổ sách tại trạm y tế xã, phường, thị trấn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giảm quá tải cho tuyến trên.

Theo đó, Bộ Y tế sẽ ưu tiên tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế; xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, đảm bảo việc quản lý, lưu trữ, khai thác dữ liệu y tế tập trung tại Bộ Y tế; triển khai hệ thống thống kê y tế điện tử; đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin y tế điện tử.

Bộ Y tế sẽ xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa Bộ Y tế, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, ngành xây dựng cơ chế tài chính vận hành hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; xây dựng nội dung, kế hoạch và tổ chức đào tạo tập huấn, hướng dẫn cho các địa phương, các sở y tế về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh; tiếp nhận, phản ánh về chất lượng dịch vụ công nghệ thông tin, khó khăn trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Các cơ sở y tế chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin; tổ chức cập nhật, mã hóa danh mục dùng chung. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp phần mềm, đường truyền...

Thu Phương (TTXVN)
Thuốc nội đã đáp ứng 50% nhu cầu khám, chữa bệnh của người Việt
Thuốc nội đã đáp ứng 50% nhu cầu khám, chữa bệnh của người Việt

Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” được Bộ Y tế triển khai nhằm hưởng ứng cuộc vận động của Bộ Chính trị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN