Còn nhiều rủi ro
Theo nhận định của các chuyên gia, đầu tư vào y tế không đơn giản, thực tế không ít doanh nghiệp bỏ vốn vào lĩnh vực này đã rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí phá sản. Tại TP Hồ Chí Minh, trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng nhiều bệnh viện ra đời rầm rộ nhưng đành “ngậm ngùi” đóng cửa sau một thời gian hoạt động do thua lỗ. Đơn cử có thể kể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vũ Anh, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, Bệnh viện Quốc tế Phúc An Khang... Do đó, tâm lý e dè đầu tư vào y tế ngày càng lớn trong giới đầu tư.
Không có nhiều doanh nghiệp dám đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng bệnh viện bởi tính rủi ro cao, thu hồi vốn chậm, trong khi đó các thủ tục cấp phép, xây dựng, hoạt động… khá nhiêu khê, phức tạp, tốn kém thời gian công sức.
Bà Trần Thị Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm - đơn vị đầu tư lớn trong lĩnh vực y tế với Khu y tế kỹ thuật cao Shangrila, trong đó có hai bệnh viện là Bệnh viện Quốc tế City và Bệnh viện Gia An 115 đã đi vào hoạt động, chia sẻ: Đầu tư vào bệnh viện mang tính đặc thù, đòi hỏi tâm huyết cao và uy tín để thu hút được đội ngũ y, bác sĩ giỏi tay nghề. Bên cạnh đó, đầu tư vào y tế là cống hiến cho xã hội và muốn tham gia vào lĩnh vực này không chỉ phải có tiền mà còn phải có trái tim và trí tuệ. Chính vì vậy, dù quyết định đầu tư vào lĩnh vực y tế từ năm 2005, nhưng đến nay Tập đoàn Hoa Lâm vẫn chưa thể thu hồi vốn. Đầu tư y tế rất khó lời, phải khấu hao trong 30 năm chưa kể các thủ tục xin giấy phép phải trải qua nhiều cấp, gõ cửa hết cơ quan này đến cơ quan khác.
Một nghịch lý trong chính sách - rào cản khiến nhiều nhà đầu tư “chùn bước”, theo bà Trần Thị Lâm, là lãi suất cho vay đầu tư vào y tế ở Việt Nam còn quá cao và không phải ai cũng nhận được sự ưu đãi về lãi suất vay từ thành phố, Chính phủ. Đa số các nhà đầu tư mới chỉ được hỗ trợ về tinh thần.
Còn chuyên gia tư vấn đầu tư Đỗ Thành Nhân lại cho rằng xã hội hóa y tế được trải thảm đỏ mời gọi đầu tư, tuy nhiên thực tế nhiều nhà đầu tư chưa “mặn mà” bởi nhiều rào cản. Đầu tiên có thể kể đến là quyền lợi, dù nhà đầu tư bỏ vốn 100%, nhưng để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước trong hợp tác công - tư, họ thường phải mất tối thiểu là 30% cho nhà nước (bệnh viện).
Trong phương án tài chính họ phải chịu 100% trách nhiệm, rủi ro nhưng chỉ được hưởng tối đa 70% hiệu quả, thậm chí tỷ lệ này có khi lên đến 50/50. Do vậy, thời gian thu hồi vốn diễn ra trong thời gian rất dài; nguy cơ tiềm ẩn rủi ro là nhà đầu tư mất quyền kiểm soát trong tương lai.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng tình trạng quá tải bệnh viện chính là mảnh đất màu mỡ hình thành “nguồn thu khác” của bệnh viện, cho nên chính bản thân lãnh đạo nhiều bệnh viện cũng không “mặn mà” với chính sách này.
Cần tháo gỡ những điểm nghẽn
Ngay tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 vừa diễn ra Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã thắng thắn nhìn nhận, có những khó khăn mà các doanh nhân ở TP Hồ Chí Minh đang phải đối đầu, cần tìm giải pháp nhanh.
Trong số những khó khăn mà ông Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra có các nguyên nhân mà các doanh nghiệp, nhà đầu tư nói chung, các nhà đầu tư vào lĩnh vực y tế nói riêng gặp phải như: Thủ tục hành chính và quản lý Nhà nước với doanh nghiệp còn rườm rà, lạc hậu so với nhiều nước; luật pháp còn chồng chéo, chưa đồng bộ, mâu thuẫn, thời gian khắc phục quá dài; sự hài lòng của doanh nghiệp chưa thực sự được chính quyền các cấp xem là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá việc cải cách hành chính đối với doanh nghiệp…
Tại tọa đàm về thu hút đầu tư trong lĩnh vực y tế do Hội Y học TP Hồ Chí Minh, Hội Hành nghề y dược Tư nhân thành phố phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức gần đây, bên cạnh việc nhận định đầu tư vào y tế đang là áp lực đối với không ít nhà đầu tư, chuyên gia đã phân tích: Đầu tư vào lĩnh vực y tế không hề đơn giản.
Không ít doanh nghiệp bỏ vốn vào lĩnh vực này đã thất bại. Ngoài ra, có những doanh nghiệp đắn đo khi đầu tư số vốn lớn để xây dựng bệnh viện đưa vào khai thác bởi tính rủi ro cao, thu hồi vốn chậm. Trong khi đó theo nhiều nhà đầu tư, việc xin cấp phép hoạt động cho đến triển khai xây dựng đều trải qua những công đoạn quy trình tốn kém thời gian, công sức.
Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực y tế mong muốn Việt Nam đơn giản hóa thủ tục đầu tư hơn nữa, thuận tiện cho các nhà đầu tư khi muốn bỏ vốn vào các ngành, trong đó có ngành y tế. Như vậy, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh để trở thành điểm đến đầu tư y tế hấp dẫn.
Có nhà đầu tư cũng còn băn khoăn về hình thức chủ sở hữu đối với mô hình đối tác công tư trong lĩnh vực y tế hay không, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital cho rằng dù sau khi đầu tư vào cơ sở y tế công nào đó thì quyền sở hữu vẫn thuộc về nhà nước nhưng quan trọng là nhà đầu tư cần được nắm quyền điều hành trong một khoảng thời gian nhất định để có thể thu hồi vốn và tìm được lợi nhuận.
Còn theo ông Bảo Nguyễn, Giám đốc New Light Advisors Ltd đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Canada tại Việt Nam, hình thức đối tác công tư không đơn giản là sự kết hợp làm việc giữa một bộ phận công và một bộ phận tư, "mà phải có các điều kiện ràng buộc cụ thể, thậm chí có khi phải có cả mức doanh thu cam kết cho nhà đầu tư".
Bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh, chia sẻ, hiện nay hành lang pháp lý của Nhà nước đối với việc đầu tư vào ngành y tế vẫn chưa thật sự rõ ràng, cụ thể để có thể chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư. Điều này khiến một số nhà đầu tư e dè khi quyết định đầu tư.
Trong khi đó, bác sĩ Phan Thanh Hải, Chủ tịch Hội hành nghề y tế tư nhân TP Hồ Chí Minh cho rằng ngoài hành lang pháp lý, để thu hút sự đầu tư của các nguồn lực bên ngoài vào y tế hoặc sự phối hợp công tư thì Nhà nước cần mở rộng thêm mức chi trả bảo hiểm y tế, đặc biệt đối với các cơ sở y tế tư nhân, phòng khám tư nhân bởi đây là mạng lưới y tế giải quyết hiệu quả nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân.
Ở góc độ nhà quản lý, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc ở Y tế TP Hồ Chí Minh, nêu rõ, trong việc thu hút đầu tư vào ngành y tế cần lưu ý ba yếu tố: tối ưu hóa đầu tư, tối đa hóa hiệu quả và phân bố rủi ro hợp lý.
Như vậy, có thể thấy, các nhà đầu tư đang mong muốn trong thời gian tới Nhà nước tiếp tục có những chính sách phù hợp, tiếp tục khắc phục những bất cập, tháo gỡ các điểm nghẽn giúp việc đầu tư vào lĩnh vực y tế được thuận lợi và hiệu quả hơn.