Chúng tôi đi vào con ngách hẹp 17/86 - lối ban đầu dẫn vào khu tưởng niệm. Trước kia, con ngách này là lối vào duy nhất, 2 chiếc xe đạp tránh nhau còn khó. Từ năm 2013, một đường vào rộng hơn được mở từ phía Minh Khai vào. Tuy nhiên khi có các đoàn khách đến thì đường mới này cũng không đủ. Chiếc cổng sắt nhỏ như cửa vào một hộ gia đình, bên trên ghi số điện thoại của người quản lý. Bước qua cổng sắt là khu di tích hiện nay có “bể mộ” cao hơn mặt đất gần 1 mét, sâu 4 mét và rộng gần 40 m2. Phần trên "bể mộ" có bức tường được đắp mái, lợp ngói ống, cùng dòng chữ nổi “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944-1945”. Diện tích xung quanh bể mộ khá nhỏ, nếu muốn đi xung quanh bể mộ phải đi hàng một.
Ông Đặng Văn Tuyến giới thiệu về Khu tưởng niệm. |
Ông Đặng Văn Tuyến, người trông coi khu tưởng niệm cho chúng tôi xem những bức ảnh ghi lại nạn đói kinh hoàng cũng như cuốn lưu niệm có rất nhiều lưu bút của du khách Nhật Bản. Ông Tuyến cho biết: Khu tưởng niệm đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm viếng, nhất là ngày rằm và mùng một. Nhiều gia đình nhờ nhà ngoại cảm đến đây tìm hài cốt người thân và tổ chức lễ cầu siêu cho các vong linh. Được sự quan tâm của nhà nước cũng như các cấp chính quyền nên khu tưởng niệm được khang trang như hiện nay. Tuy nhiên vì diện tích khuôn viên quá hẹp nên khi có đoàn khách tới viếng thường không đủ chỗ đứng, nhất là việc đi lại do con ngõ khá nhỏ. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn để có thể xây dựng khu tưởng niệm rộng hơn.
Nơi đây, trước kia là nghĩa trang Hợp Thiện phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng. Năm 1951, người dân đã quy tập hài cốt của những nạn nhân bị chết đói năm 1945 đưa về đây chôn cất và dựng chung một tấm bia lớn. Đến năm 2003 khu tưởng niệm được xây dựng lại, nhưng do sức ép tăng dân số và đất đai có giá trị nên con đường dẫn vào khu di tích chỉ là con ngõ nhỏ hẹp. Đến năm 2013, khu tưởng niệm được chỉnh trang hơn, nhưng diện tích của khu tưởng niệm vẫn là vấn đề khiến nhiều người suy nghĩ.
Đường vào Khu tưởng niệm trước đây, nay đã được cải tạo nhưng vẫn chật hẹp. |
Nhà sử học Phạm Mai Hùng cho biết: Nhìn nhận lại mốc lịch sử đau thương của dân tộc, cũng là để thế hệ trẻ hôm nay thấy được giá trị của cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Theo tôi, thành phố Hà Nội cần có quy hoạch khu bảo tồn di tích này cho xứng tầm là khu di tích quốc gia. Hiện nay đã có đường đi vào và bia đá, tuy nhiên vẫn chưa thực hiện bài bản, chưa được xứng tầm của khu di tích. Cần có sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, nên mở rộng quy mô khu di tích…”.
Khu tưởng niệm Hòa bình Hiroshima với tên “Vòm bom nguyên tử” ở thành phố Hiroshima là một khu rộng lớn, trang trọng tưởng nhớ về 200 nghìn người chết vì thảm họa bom nguyên tử khủng khiếp 70 năm về trước, mang một sức mạnh tinh thần đối với mỗi người dân đất nước mặt trời mọc. Nó như một bằng chứng nhắc nhở người dân nơi đây về tội ác chiến tranh đã qua và khao khát xây dựng thế giới hòa bình. Cùng thời gian đó ở nước ta vào năm 1945 xảy ra nạn đói khủng khiếp làm 2 triệu người thiệt mạng nhưng đến nay khu tưởng niệm lại chưa được quan tâm xây dựng. |
Những người dân sống xung quanh khu tưởng niệm rất mong muốn các cấp chính quyền quan tâm hơn để có thể có khu tưởng niệm khang trang. Năm 2013 một con đường vào khu di tích được làm, đi vào từ hướng đường Minh Khai. Gọi là “đường” nhưng mỗi khi có dịp kỷ niệm thì con đường này cũng vẫn chật chội.
Liên lạc với chính quyền địa phương, chúng tôi được biết việc chỉnh trang khu di tích đã được người dân đề xuất chính quyền từ lâu nhưng vẫn chưa có văn bản rõ ràng cũng như hướng giải quyết một số khó khăn nhất định.
Bà Đỗ Phương Nga, chủ tịch UBND phường Vĩnh Tuy cho biết: “Theo ý kiến của người dân, phường sẽ đề nghị lên cấp trên để mở rộng khu tưởng niệm cũng như xây dựng thêm một con đường thẳng vào khu tưởng niệm để tiện cho du khách đi lại. Khó khăn hiện nay là kinh phí xây dựng và đền bù giải tỏa một số hộ dân ở gần đường vào khu tưởng niệm”.
Và thời gian để có đề xuất này, theo bà Nga là cần chờ đợi thêm. Vậy là một khu tưởng niệm xứng tầm ghi lại dấu ấn lịch sử và đáp ứng nguyện vọng về tâm linh của người dân, vẫn còn phải tiếp tục… chờ đợi.