Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, khi thẩm tra sơ bộ Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về vấn đề này, các ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cho rằng, cần thể chế hóa Nghị quyết số 28 của Đảng, cụ thể hóa quy định về bảo đảm an sinh xã hội của Hiến pháp và phù hợp với xu hướng hiện nay của nhiều quốc gia trên thế giới về bảo hiểm xã hội (BHXH) đa tầng, phù hợp với Công ước số 102, đồng thời kế thừa và phát triển quy định hiện hành về trợ giúp người cao tuổi.
Tuy nhiên, nội dung này nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật nào? Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có hai loại ý kiến khác nhau:
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội để thiết lập sàn an sinh, cùng với BHXH bắt buộc, bảo hiểm hưu trí bổ sung hình thành hệ thống BHXH đa tầng trong một văn bản luật. Điều này phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhằm chuyển hướng mở rộng diện bao phủ đối tượng hưởng các chế độ hưu trí đa dạng và không chỉ dựa trên cơ sở đóng góp mà còn dựa trên sự hỗ trợ của Nhà nước (phi đóng góp) nhằm hướng tới bảo đảm an sinh xã hội trên diện rộng.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, trợ cấp hưu trí xã hội thực chất là chế độ thuộc chính sách bảo trợ xã hội, chỉ dành cho những người đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, chưa thực sự phù hợp với nguyên lý của bảo hiểm là đóng - hưởng và bù đắp thu nhập. Do vậy, không cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội vào dự án Luật mà có thể sửa quy định tương ứng của Luật Người cao tuổi, các quy định này sẽ là bộ phận của pháp luật về BHXH, mà không cần quy định trong Luật BHXH. Trên thực tế, Luật việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động cũng quy định về các chế độ BHXH.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Xã hội và một số ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia thẩm tra, góp ý đối với dự án Luật nhất trí việc bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội như đề xuất của Chính phủ để thể hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 28 và là một trong những giải pháp góp phần hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân; Phù hợp với thông lệ và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm có thể so sánh được độ bao phủ của chế độ hưu trí giữa các quốc gia.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ: Cần đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội đối với ngân sách Nhà nước, xung đột chính sách khi đưa các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh và áp dụng của Luật Người cao tuổi sang dự án Luật này, ảnh hưởng đến chính sách khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ phương thức chuyển kinh phí và việc thanh toán, quyết toán, có bao gồm phần chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) hay không? Hiện nay dự thảo Luật mới chỉ giao “Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện trợ cấp hưu trí xã hội” là chưa đầy đủ. Báo cáo đánh giá tác động về vấn đề này cần lý giải chế độ này sẽ được nâng lên từ mức 360.000 đồng trên cơ sở quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, song dự thảo Nghị định về chính sách Trợ cấp hưu trí xã hội kèm theo Hồ sơ dự án Luật vẫn giữ nguyên mức trợ cấp này là chưa thuyết phục và không phù hợp với tên gọi của chế độ và tạo ra chênh lệch lớn đối với các đối tượng hưu trí bắt buộc, hưu trí tự nguyện quy định trong dự thảo Luật.
Cần nghiên cứu để bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm, phương thức đóng linh hoạt để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 29. Ví dụ, có thể tính đến việc được đóng (tặng) BHXH tự nguyện cho cha, mẹ, người thân và các đối tượng khác… nhằm vừa góp phần gia tăng đối tượng tham gia, vừa giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước nhưng vẫn bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Mặt khác quy định hiện hành đã cho phép người tham gia BHXH tự nguyện đóng trước một khoảng thời gian. Do đó, cần có đánh giá tác động của đề xuất này để luật hóa nhằm vừa bảo đảm quyền lợi lâu dài, vừa tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội.
Về đưa “bảo hiểm hưu trí bổ sung” vào phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1 của Luật BHXH (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung đã được quy định trong Luật BHXH hiện hành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về chính sách này do tại thời điểm sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn.
Qua 8 năm thực hiện, chính sách này chưa đạt kết quả như mong muốn, báo cáo tổng kết việc thi hành Luật BHXH năm 2014 cũng chưa đánh giá kỹ về việc thực hiện chính sách này. Việc tiếp tục giao cho Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật là chưa phù hợp. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về việc thực hiện chính sách này và cần có quy định những nội dung mang tính chất nguyên tắc cơ bản về chế độ hưu trí bổ sung trong dự thảo Luật để bảo đảm tính minh bạch và làm căn cứ trong tổ chức thực hiện.