Thực hiện mô hình “Dân vận khéo 1+10” giúp đảng viên tại các thôn, tổ dân phố có thêm thời gian để gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, mô hình giúp các chi bộ Đảng hoạt động thiết thực, gần dân, sát dân và vì dân hơn. Các đảng viên, thay vì họp hành hành chính đã chủ động đến từng hộ, lắng nghe, hướng dẫn, hỗ trợ và giải quyết vấn đề. Từ đó, mỗi đảng viên là “mắt xích” trong guồng quay phát triển địa phương. Sự nêu gương của đảng viên là yếu tố then chốt trong công tác dân vận. Những tấm gương từ cơ sở không chỉ góp phần giải quyết công việc cụ thể mà còn lan tỏa niềm tin của dân vào Đảng.
Khi công tác dân vận tác động xuyên suốt
Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên đánh giá, việc triển khai mô hình “Dân vận khéo 1+10” giúp chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhận thức, trách nhiệm của các đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt, nền nếp hơn. Đảng viên làm tốt các nội dung đề ra, thể hiện vai trò là cầu nối giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, tạo nên mối quan hệ gắn bó gần gũi nhân dân hơn, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, thuận lợi trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương một cách nhanh chóng, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Ngoài ra, việc phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình còn giúp thuận lợi cho công tác đánh giá chất luợng đảng viên hằng tháng. Chi bộ có thể định lượng được đảng viên đã hoàn thành ở mức độ nào.
Cũng theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên, mô hình còn là kênh thông tin, kịp thời phát hiện, nắm tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; các vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong nhân dân được xử lý từ sớm; ý kiến, kiến nghị của người dân được giải quyết ngay tại cơ sở. Từ đó, tình hình an ninh trật tự trong các khu dân cư được giữ vững, hạn chế trộm cắp, tệ nạn xã hội, đơn thư, khiếu kiện vượt cấp. Toàn tỉnh không có điểm nóng về an ninh trật tự.
Đặc biệt, mô hình “Dân vận khéo 1+10” không chỉ giúp thay đổi quan điểm của đảng viên, người dân mà còn tác động trực tiếp tới việc phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi khu dân cư.
Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết thêm, khi người dân có niềm tin với Đảng mở lối cho nhiều ý tưởng khác ra đời trong khu dân cư. Qua thống kê, từ khi có mô hình dân vận đã là chất xúc tác để khơi gợi phát triển kinh tế ở địa phương với các phong trào: “Tổ Hợp tác làm quất cảnh, bưởi cảnh” ở Văn Giang (cũ); mô hình vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng “Cây vải trứng Hưng Yên”, huyện Phù Cừ (cũ); mô hình Tổ Hợp tác xã “Sản xuất ổi VietGap” ở Khoái Châu (cũ)…
Mô hình “Dân vận khéo 1+10” tác động mạnh mẽ tới việc thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tích cực triển khai phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Các phong trào: “Xây dựng 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”; “Nhà sạch, ngõ sạch”, “Nhà sạch, vườn đẹp”; “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”…cũng từ việc các đảng viên mô hình dân vận, vận động, khởi xướng mà hình thành, giúp bộ mặt mỗi địa phương thêm khởi sắc.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên trao đổi với phóng viên TTXVN về mô hình "Dân vận khéo 1+10". Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên, tỉnh đã sơ kết 2 năm thực hiện mô hình “Dân vận khéo 1+10”, qua đó, thu nhận nhiều kết quả tích cực, giúp tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến công tác điều hành quản lý của cấp ủy đảng, theo hướng trọng dân, gần gần, làm dân tin.
Nhận thấy hiệu quả mô hình, Tỉnh ủy Hưng Yên thống nhất rất cao và đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I nhiệm kỳ 2025-2030, với tinh thần tiếp tục chỉ đạo cấp ủy các địa phương, xã, phường triển khai sâu rộng mô hình này trên toàn địa bàn tỉnh. Qua đây thể hiện quyết tâm chính trị rất cao nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, đưa tỉnh phát triển theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thời gian tới.
“Việc triển khai mô hình không chỉ củng cố khối đại đoàn kết toàn dân còn giúp từng chi bộ nâng cao năng lực lãnh đạo, giữ vững vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Dân tin, dân nghe, dân làm theo - đó là cốt lõi để các chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Chiến nhìn nhận và phân tích thêm, mô hình “Dân vận khéo 1+10” đang và tiếp tục là “kim chỉ nam” trong đổi mới tư duy, cách làm của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, góp phần xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, vững mạnh từ cơ sở. Tỉnh đang dự kiến kế hoạch biểu dương, khen thưởng mô hình tiêu biểu, mang lại nhiều hiệu quả cho nhân dân.
Mặc dù vậy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên cũng nhận thấy, hiện nay, một số địa phương, việc triển khai nhân rộng mô hình còn chậm. Một số đảng viên được phân công phụ trách chưa nhiệt tình thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc tiếp cận hộ gia đình của một số đảng viên được phân công còn chưa thường xuyên dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Nguyên nhân do cấp ủy địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện xây dựng mô hình.
Cũng có thực tế, đảng viên được giao phụ trách cao tuổi nên việc sử dụng công nghệ thông tin để trao đổi giữa các thành viên gặp khó khăn; trình độ, năng lực của đảng viên không đồng đều nên khả năng tiếp cận thông tin, truyền tải nội dung hạn chế. Sự hợp tác của một số hộ có lúc, có việc chưa chặt chẽ. Còn lực lượng đảng viên trẻ thường xuyên đi làm ăn xa, làm công nhân nên việc phân công phụ trách gặp trách khó khăn. Việc phân bố đảng viên trong các chi bộ trong cùng địa bàn dân cư không đồng đều dẫn đến có đảng viên phụ trách 12 - 15 hộ.
Đồng thuận từ cơ sở - nền tảng phát triển bền vững
Tiến sỹ Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương trao đổi với phóng viên TTXVN. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN
Đề cập đến việc công tác tuyên - vận phải đi trước một bước, dẫn lối nhiều phong trào nhưng đã đến lúc cần phải đổi mới theo phương thức linh hoạt, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác, Tiến sỹ Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cho rằng, mô hình “Dân vận khéo 1+10” rất đặc sắc, sáng tạo, đầu tiên trên toàn quốc trong thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cũng đánh giá, việc triển khai thực hiện điểm mô hình “Dân vận khéo 1+10” được cấp ủy Đảng, chính quyền xã, phường và các chi bộ thôn, tổ dân phố tỉnh Hưng Yên thực hiện nghiêm túc; bước đầu làm chuyển biến về nhận thức của các cấp, ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đạt được những kết quả rõ nét; giúp đảng viên có cơ hội tiếp cận và gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân hơn, khắc phục biểu hiện xa dân.
Từ mô hình “Dân vận khéo 1+10” của Hưng Yên đặt ra câu hỏi về việc đổi mới, nội dung và phương thức của công tác dân vận trong thời kỳ mới. Mô hình không chỉ chuyển tải đường lối và nắm bắt tâm tư mà còn giúp đỡ kịp thời khó khăn vướng mắc của người dân. Mặt khác, mô hình đặt ra nội dung là cần phải đổi mới nội dung sinh hoạt chi bộ, từ đó, mỗi cán bộ đảng viên phải nhận thức được trọng trách của mình trong việc gần dân, cùng với nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.
Nhìn nhận ở bối cảnh đất nước đang có nhiều chính sách mới, đặc biệt là mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng như việc triển khai “bộ tứ trụ cột”, đòi hỏi có sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên và nhân nhân, Tiến sỹ Đinh Thị Mai cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện những hạn chế để nhân rộng mô hình “Dân vận khéo 1+10” trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, để mô hình có sức sống và lan tỏa, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì thế, mỗi cán bộ, đảng viên, yếu tố 1 phải là tấm gương mẫu trong đạo đức, lối sống, trong công việc, từ đó, lan tỏa giá trị tốt đẹp để quần chúng học và làm theo.
Người dân rất tán đồng với mô hình “Dân vận khéo 1+10”. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Có thể khẳng định, mô hình “Dân vận khéo 1+10” ở Hưng Yên không chỉ là sáng kiến trong công tác vận động quần chúng mà còn là bước đột phá trong đổi mới phương thức lãnh đạo, củng cố tổ chức Đảng từ cơ sở. Việc đưa đảng viên về gần dân, sát dân, lắng nghe và giải quyết từng vấn đề cụ thể tạo dựng niềm tin, khơi dậy tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân - nền tảng cốt lõi cho phát triển bền vững. Đây cũng là minh chứng sống động cho tinh thần “trọng dân, gần dân, vì dân” mà Đảng ta luôn nhấn mạnh.
Hiệu quả thiết thực từ mô hình mở ra hướng đi mới trong công tác dân vận thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, chính quyền kiến tạo, phục vụ. Để mô hình lan tỏa mạnh mẽ và bền vững hơn nữa, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt vai trò nêu gương, chủ động đổi mới tư duy, phương thức làm việc của mỗi cán bộ, đảng viên - những “cầu nối đỏ” giữa Đảng và dân.