"Bão bụi" hoành hành ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của người dân trong khu vực.
Cửa nhà dày đặc tro bụi
Theo phản ánh của người dân phường Đô Vinh (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm), thời gian qua, cuộc sống của người dân bị đảo lộn bởi tro bụi từ bã mía của Nhà máy đường Biên Hòa - Phan Rang. Trong quá trình sản xuất đường, hàng chục tấn bã mía được đốt, thải ra không được che chắn cẩn thận và vận chuyển đi xử lý kịp thời, khi gặp trận gió lớn đã cuốn bay vào nhà của người dân xung quanh.
Bà Nguyễn Thị Cát (ở khu phố 8, phường Đô Vinh) bức xúc, giờ nào người dân cũng phải quét dọn bụi. Chỉ cần chạm nhẹ tay xuống nền nhà hoặc các vật dụng sinh hoạt, tay bị nhuộm đen từ bụi tro của nhà máy.
Nhiều nhà phải đóng cửa thường xuyên, dùng khăn che, lót dưới khe cửa để tro bụi không len lỏi vào nhà. Người dân đã phải mua tấm lưới chắn bụi. Tuy nhiên, nhà vẫn tràn bụi, lá cây nhuốm màu đen. Tro bụi cũng đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Một số người bị đau mắt đỏ, mẩn ngứa, viêm mũi, chảy nước mắt, ho…
Ông Bùi Công Tiến, Trưởng Ban quản lý khu phố 8 (phường Đô Vinh) cho biết, trước đây, người dân đã có nhiều phản ánh đến doanh nghiệp và chính quyền địa phương yêu cầu có giải pháp xử lý. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Nghiêm trọng nhất là khoảng một tháng nay, "bão bụi" ập vào nhà dày hàng lớp khiến người dân rất bức xúc.
Khu phố 8 (phường Đô Vinh) có 120 hộ dân; trong đó có đến 60 hộ bị ảnh hưởng nặng bởi tro bụi. Lượng tro bụi theo gió bay vào nhà ngày càng nhiều. Nhiều nhà phải đóng kín cửa cả ngày đêm nhưng cũng vẫn bị bụi tấn công, ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là trẻ nhỏ. Ông Nguyễn Đình Nhàn, Phó Chủ tịch UBND phường Đô Vinh cho hay, người dân nơi đây rất khổ do tình trạng tro bụi bay ra từ nhà máy. Để người dân có môi trường sống trong lành, ổn định, UBND phường đã đề nghị lãnh đạo công ty và các bên liên quan giải quyết tình trạng ô nhiễm trong thời gian sớm nhất. UBND phường mong muốn, lãnh đạo thành phố quan tâm, kiến nghị với UBND tỉnh có hướng di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư.
Khẩn trương trả lại môi trường trong lành
Trước tình trạng bụi tro gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương thành lập đoàn kiểm tra; đồng thời, yêu cầu Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang tập trung khắc phục triệt để tình trạng này để bảo vệ môi trường sống cho người dân.
Ông Lê Khắc Huy Anh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương cùng người dân đến kiểm tra trực tiếp, giám sát hoạt động sản xuất của nhà máy và tiến hành đo các chỉ số bụi, chất thải phát sinh. Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang đã nhận trách nhiệm để xảy ra sự cố và đang nỗ lực khắc phục bằng các biện pháp như: khẩn trương vận chuyển bã bùn, tro, bã mía cho đơn vị làm phân bón hữu cơ vi sinh; phun nước và phủ bạt che kín tại khu vực bãi chứa; lắp đặt hệ thống phun nước tự động trong nhà máy để giảm bụi; che chắn bằng lưới để hạn chế bụi phát tán ra ngoài phạm vi nhà máy. Để khắc phục vệ sinh môi trường, Công ty đã huy động hàng chục công nhân sử dụng máy bơm nước, máy hút bụi xịt rửa làm vệ sinh nhà cửa, sân vườn, đường nội bộ cho các hộ dân sống gần nhà máy.
Theo cam kết với người dân, đến cuối tháng 3/2023, Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang sẽ hoàn tất việc dọn dẹp vệ sinh nhà cửa cho hơn 50 hộ dân bị ảnh hưởng bởi tro bụi còn lại. Ông Trần Đình Phúc, Giám đốc Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang cho biết, đơn vị đã cắt cử công nhân của nhà máy đến dọn dẹp trực tiếp nhà cửa cho các hộ dân 3 ngày/tuần, dự kiến sẽ tăng lên 4 ngày/tuần. Bên cạnh đó, công ty cũng huy động máy móc xịt rửa, vào từng nhà để hút bụi, xịt rửa trên mái nhà... Ban Giám đốc Công ty đã họp và triển khai những chương trình hành động cụ thể để khắc phục sự cố vừa qua. Nhà máy sẽ che chắn tất cả bã bùn, bã mía để gió lớn không cuốn bụi bay sang nhà dân; tăng cường quan trắc vệ sinh môi trường độc lập bên phía nhà dân trong thời gian tới.
Qua kiểm tra, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận xác định, các thông số về ô nhiễm của nhà máy đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ. Tuy nhiên, để không xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh yêu cầu, đơn vị duy trì công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy theo đúng cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trường hợp sau khi dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh theo yêu cầu, nhưng trong quá trình hoạt động vẫn còn tình trạng bụi tro ảnh hưởng đến người dân, Công ty sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và tạm dừng hoạt động để khắc phục.
Ông Lê Khắc Huy Anh, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, Sở đã giao cho Chi cục Bảo vệ môi trường phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, giám sát các nội dung khắc phục của Công ty như đã cam kết. Đồng thời, thường xuyên theo dõi dữ liệu về nồng độ các chất ô nhiễm được truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường thông qua hệ thống quan trắc tự động khí thải liên tục được lắp đặt tại ống khói nhà máy. Trường hợp phát hiện thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép, Sở sẽ thông báo cho doanh nghiệp để khắc phục; đồng thời, phối hợp với Thanh tra Sở kiểm tra, xử lý theo đúng quy định trong trường hợp tái phạm.
Bên cạnh đó, Sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động, công tác bảo vệ môi trường tại nhà máy trong thời gian nhà máy hoạt động; thực hiện kiểm định các thiết bị quan trắc tự động, liên tục theo đúng quy định; kịp thời tham mưu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nếu có. Trước mắt, sau khi kết thúc vụ sản xuất năm 2022 - 2023 (dự kiến vào cuối tháng 3/2023), Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang rà soát, kiểm tra toàn bộ dây chuyền sản xuất để đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng kế hoạch sản xuất, bảo vệ môi trường phù hợp theo nội dung đã báo cáo; đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực khi vào vụ sản xuất năm 2023 - 2024.