Hiện tại, còn khoảng 200 công nhân tiếp tục nghỉ việc, do phía lãnh đạo công ty chưa đáp ứng những nguyện vọng chính đáng của người lao động.
Trước đó, tại xưởng 2, Công ty trách nhiệm hữu hạn IVORY Việt Nam - Thanh Hóa thay Giám đốc mới. Sau 1 tháng nhận nhiệm vụ, Giám đốc xưởng 2 (người Hàn Quốc) đã tập hợp các tổ trưởng trong xưởng và thông báo từ tháng 11/2018, Công ty sẽ cắt một số khoản tiền hỗ trợ trước đó của công nhân. Không đồng tình với việc này, 8 giờ ngày 18/10, toàn bộ hơn 1.000 công nhân xưởng 2 đã nghỉ việc tập thể, yêu cầu Ban lãnh đạo công ty trả lời thỏa đáng. Chiều 18/10, toàn bộ 2.000 công nhân của xưởng 1 và 3 cũng đồng loạt nghỉ việc tập thể đòi quyền lợi chính đáng.
Trước tình hình trên, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa đã xuống hiện trường, chỉ đạo Liên đoàn Lao động huyện Hậu Lộc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân và đã tập hợp được 12 kiến nghị liên quan đến quyền lợi của người lao động gửi đến công ty. Từ ngày 18-26/10, mặc dù Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan chức năng đã tích cực xuống hiện trường để trao đổi, làm việc nhưng phía doanh nghiệp không hợp tác. Đến nay, số lượng công nhân trở lại làm việc mới đạt gần 90% (2.900/3.100 công nhân).
Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa cho biết: Liên đoàn vẫn đang cử cán bộ túc trực tại hiện trường, tuyên truyền cho công nhân lao động đảm bảo an ninh trật tự; tránh bị kẻ xấu lợi dụng kích động.
Đồng thời, Công đoàn đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đề nghị Ban lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn IVORY Việt Nam xem xét các kiến nghị chính đáng của người lao động. Hiện nay, công ty đang chi trả mức tiền lương cơ bản của công nhân chưa công bằng (người làm 1 năm cũng bằng người làm 5 năm), mỗi năm chỉ xét nâng lương cho khoảng gần 4% công nhân lao động.
Công ty đã hoạt động trên địa bàn huyện Hậu Lộc gần 8 năm nhưng cũng chỉ trả cho công nhân khoản chênh lệch thâm niên mức 30.000 đồng/người cho năm đầu, năm thứ hai là 60.000 đồng/người, đến 5 năm cũng chỉ được có 150.000 đồng/người, thấp hơn mức chi trả của các doanh nghiệp trên cùng địa bàn mới đi vào hoạt động 2-3 năm. Công ty không tăng tiền thâm niên cho người lao động trên 5 năm là bất hợp lý, không tương xứng với trình độ tay nghề và sức lao động mà họ bỏ ra.
Về tiền thưởng tháng 13, công ty đang áp dụng mức 300.000 đồng/người đối với công nhân dưới 6 tháng; 500.000 đồng/người đối với công nhân từ 6 tháng đến 1 năm; 60% lương cơ bản với công nhân 1 đến 2 năm; 80% lương cơ bản đối với công nhân từ 2 đến 5 năm và 100% lương cơ bản đối với công nhân từ 5 năm trở lên. Đây là mức thưởng quá thấp so với mặt bằng chung.
Liên đoàn Lao động tỉnh và các đơn vị chức năng đề nghị Ban lãnh đạo công ty tăng cường đối thoại nhằm sớm giải quyết các vấn đề vướng mắc trong sản xuất, việc chấp hành nội quy, quy chế của doanh nghiệp, các chế độ, chính sách cho người lao động… kịp thời thăm hỏi, động viên công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Công ty bố trí thời gian tổ chức tuyên truyền, nắm bắt tình hình công nhân mỗi năm ít nhất một đến hai đợt, có như vậy mới từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nội quy, quy chế của công ty, pháp luật của Nhà nước; qua đó, sớm nắm bắt nguyện vọng công nhân để giải quyết…