Nhớ em, Đinh Hữu Dư!
Nghe bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) sáng 13/9/2020, tôi nghẹn ngào nhớ tới Đinh Hữu Dư, một đồng nghiệp trẻ tuổi (sinh năm 1988), vào ngành Thông tấn sau tôi rất nhiều, nhưng em xứng đáng là đại diện cho thế hệ trẻ hôm nay đã góp phần làm rạng danh cho trang sử hào hùng 75 năm của TTXVN.
Trong bài phát biểu đầy cảm xúc của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Tôi vừa đi thăm phòng truyền thống của Thông tấn xã Việt Nam và thực sự xúc động khi thấy một không gian treo kín những tấm chân dung các nhà báo liệt sĩ. Lịch sử 75 năm của Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2020) được viết nên bởi những sự hy sinh thầm lặng đó, để “dòng thông tin chính thống không bao giờ ngừng chảy”! Rồi Thủ tướng căn dặn: "Nhiều bạn phóng viên đang ngồi đây sinh ra và lớn lên trong hòa bình, không hề biết đến chiến tranh. Nhưng những trang sử hào hùng, sự hy sinh anh dũng của những nhà báo Thông tấn thế hệ đi trước vẫn còn lưu lại ở nơi đây, chính tòa nhà này, trên bia đá thờ trong nhà tưởng niệm, trên những kỷ vật trong Phòng truyền thống, những bức ảnh lịch sử mà các bạn đang triển lãm dưới kia...". Liền sau đó, Thủ tướng nhắc đến em - Đinh Hữu Dư, một phóng viên trẻ tuổi của Thông tấn xã Việt Nam mấy năm trước đã bị nước lũ cuốn đi - khi đang tác nghiệp ở Yên Bái và Thủ tướng khẳng định "Câu chuyện sẽ còn được kể mãi về hy vọng, về sự dấn thân không ngừng nghỉ của những người làm báo Thông tấn”.
Đây không phải lần đầu Thủ tướng nhắc đến sự hy sinh của Đinh Hữu Dư. Hẳn chúng ta còn nhớ, tháng 10/2017 khi đang tác nghiệp phản ánh tình hình mưa lũ tại cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư đã không may bị lũ cuốn trôi. Sau đó, Thủ tướng đã truy tặng Bằng khen cho em.
Tôi biết Đinh Hữu Dư khi em trúng tuyển kỳ thi tuyển phóng viên của TTXVN cuối năm 2016. Ấn tượng của tôi về em là một phóng viên trẻ, khôi ngô và ít nói nhưng ẩn chứa trong tâm hồn một nghị lực sống mạnh mẽ. Sau đợt học nghiệp vụ tại Hà Nội, Dư được lãnh đạo TTXVN phân công về “đầu quân” cho cơ quan thường trú trọng điểm tại Yên Bái.
Gặp em sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2017, tôi rất vui khi nghe em kể về thời sinh viên đầy ước mơ và hoài bão. Qua câu chuyện, tôi được biết, ngày theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, là sinh viên Lớp báo in Khóa 27 (Khoa Báo chí), đến năm học cuối, Dư được vinh dự kết nạp vào Đảng. Sau khi nhận Bằng Thạc sĩ báo chí học, Dư trúng tuyển vào TTXVN đứng tốp đầu và em lên Yên Bái làm phóng viên thường trú của TTXVN tại đây.
Được biết, ngày theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Dư được bầu làm lớp phó phụ trách học tập. Thầy Hà Huy Phượng, nguyên Phó trưởng Khoa báo chí rất ấn tượng về Dư bởi tính tình hiền lành, ít nói, hay cười.
“Sự kiện nào diễn ra trong trường, cũng thấy em xông xáo chụp ảnh. Ý thức nghề và tinh thần trách nhiệm có trong Dư từ năm thứ nhất. Sau mỗi buổi dạy của thầy cô, Dư thường là học trò của lớp về sau cùng để chờ ký và nộp sổ đầu bài…” - thầy Phượng kể lại.
Quả thực, khi chứng kiến cách Dư tác nghiệp, bạn bè đồng nghiệp ai cũng thán phục về độ nhiệt huyết với nghề của em.
Ngày Dư ra đi, tất cả TTXVN đều bàng hoàng xúc động và làm hết sức mình để bù đắp phần nào cho những mất mát của Dư và gia đình. Chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm viên Nội chính chuyên theo dõi Quốc hội đã nhanh chóng quyên góp ủng hộ gia đình em với tấm lòng sẻ chia. Và sau đó, Đoàn Thanh niên Thông tấn cũng phát động phong trào "Tủ sách Đinh Hữu Dư" rộng khắp để viết tiếp giấc mơ còn dang dở của em.... Cá nhân tôi, tôi đã dành tặng cuốn sách do tôi viết "Cờ thắm giữa biển xanh", ủng hộ chương trình tủ sách Đinh Hữu Dư tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Vào ngành Thông tấn năm 2016, hy sinh khi tác nghiệp năm 2017, thời gian làm việc của em không dài, nhưng những cống hiến của em, sự hy sinh của em và tất cả những câu chuyện về em "sẽ còn được kể mãi về hy vọng, về sự dấn thân không ngừng nghỉ của những người làm báo". Chắn chắn vậy, Dư ạ!