Ông Trần Đức Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Đến nay tình trạng sản xuất chè tầm bằng việc cho cháo vào làm chất phụ gia hoặc cho các tạp chất khác vào chè hiện đã được dẹp bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, khi được hỏi về số lượng chè cháo đã được sản xuất trước đây liệu có còn lưu hành trong dân không, ông Lâm cho hay, điều này không thể khẳng định được vì rất có thể một số lượng nhỏ vẫn được giấu ở các gia đình nên cơ quan chức năng khó kiểm soát nổi.
Ngay khi báo chí thông tin về nạn chè bẩn ở Yên Bái, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 06/CĐ - UBND yêu cầu các ngành chức năng chấn chỉnh ngay việc hoạt động sản xuất, chế biến chè nhằm nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến chè trên địa bàn. UBND các huyện đã tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền vận động người làm chè thu hái, chế biến chè đảm bảo chất lượng; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra, kiểm soát không để tình trạng thu mua, chế biến chè không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành liên quan thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tình hình thu mua, chế biến chè của các tổ chức, cá nhân có chế biến chè trên địa bàn, xử lý nghiêm vi phạm về chế biến chè theo quy định. Đặc biệt, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Yên Bái với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo 127 về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đã thành lập đội liên ngành đồng loạt tiến hành kiểm tra hoạt động thu mua, chế biến, vận chuyển chè, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở chế biến chè không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để xử lý kịp thời. Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện và xử phạt 15/20 cơ sở chế biến vi phạm như doanh nghiệp Sơn Tim bị phạt 1.950.000 đồng, DN Thành Tân 4.000.000 đồng, HTX Xuân Anh 16.950.000 đồng; thu giữ buộc tiêu hủy gần 8 tấn chè khô...
Thực tế cho thấy ở các vùng chè mà cách đây chừng 1 tháng có thể nói là vùng "nhà nhà, người người sản xuất chế biến chè" nay đã không còn hình bóng chè phơi trên mặt đường, sân phơi nữa. Chủ một gia đình thuộc xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn trước đây mỗi ngày thu mua 2 - 3 tấn chè búp tươi để chế biến chè tầm, nay đã nghỉ việc hoàn toàn. Một người dân ở xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: Trước kia người ta đặt mua chè tầm có cho cháo vào làm phụ gia, nay họ không mua nữa nên chúng tôi phải chuyển sang chế biến chè xanh để bán. Toàn bộ số chè búp tươi này là của gia đình hái về chứ không phải chè thu mua như trước vì nếu sản xuất nhiều sẽ không tiêu thụ hết.
Đức Tưởng