Chiều 23/9, UBND huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng đã tổ chức họp báo về việc cưỡng chế thu hồi đất của những hộ chưa chịu bàn giao thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng.
Trong tháng 9/2016, nếu 7 hộ dân thuộc xã An Lư, huyện Thủy Nguyên không chịu di dời (gồm 2 hộ chưa nhận tiền và 5 hộ đã nhận tiền) thì UBND huyện sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất theo phương án sau: giao nhà tạm trú cho hộ gia đình khó khăn về chỗ ở. Ban cưỡng chế thu hồi đất cùng các ngành chức năng của huyện và xã An Lư, Công ty Trách nhiệm hữu hạn VSIP Hải Phòng tổ chức họp đối thoại, vận động, thuyết phục các hộ dân chấp hành việc tháo dỡ, di chuyển tài sản ra khỏi phạm vi khu đất thu hồi và chấp hành việc bàn giao đất xong trước 17 giờ ngày 27/9.
Để giảm khó khăn cho các hộ có diện tích đất bị cưỡng chế, UBND huyện Thủy Nguyên đã đề nghị và được Công ty VSIP Hải Phòng quan tâm, đồng ý hỗ trợ việc bơm ao cá và hỗ trợ tháo dỡ, di chuyển tài sản, vật kiến trúc ra khỏi phạm vi khu đất thu hồi nếu các hộ tự nguyện chấp hành việc bàn giao đất để thực hiện dự án. Nếu các hộ vẫn cố tình chây ỳ không bàn giao đất để thực hiện dự án, Ban cưỡng chế thu hồi đất của huyện sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ.
Tại buổi họp báo, Chủ tịch UBND xã An Lư Nguyễn Minh Thuận cho biết: 7 hộ chưa bàn giao đất đã ký kết hợp đồng thuê đất với xã theo thời hạn 1 năm/lần để nuôi trồng thủy sản. Diện tích đất 7 hộ thuê không thuộc đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng.
Dự án VSIP đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép thành phố Hải Phòng thực hiện việc thu hồi đất đai với toàn bộ dự án từ tháng 9/2007. Theo đó, ngày 10/12/2008, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành quyết định số 2112/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 khu đô thị công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng với diện tích quy hoạch là 1.566 ha, thuộc địa bàn 8 xã gồm An Lư, Dương Quan, Lập Lễ, Thủy Triều, Trung Hà, Thủy Đường, Tân Dương, Thủy Sơn.
Dự án được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 12/2008. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng được triển khai từ năm 2009, đến nay đã quyết định thu hồi với tổng diện tích 684 ha. Tổng diện tích đã kiểm kê, lập, phê duyệt phương án bồi thường 574, 5 ha. Diện tích đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ là 569,3 ha với tổng số tiền 1.140 tỷ đồng của 6.808 hộ dân, đã bố trí 230 hộ vào khu tái định cư, trong đó, diện tích đã bàn giao cho chủ đầu tư là 544,3 ha.
Ông Lê Anh Thân, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện Thủy Nguyên cho biết: Diện tích đất thuộc dự án VSIP đã được các đơn vị liên quan chi trả tiền nhưng nhân dân chưa bàn giao mặt bằng còn khoảng 25 ha. Diện tích này chủ yếu nằm tại xã An Lư, thuộc các khu đất cần bàn giao để xây dựng các nhà máy Nipro Pharma, Zeon, Kein Hing, TPA. Các hộ chưa chịu bàn giao đất đều đưa ra yêu cầu không có cơ sở giải quyết như miễn nộp tiền sử dụng đất khi được giao đất vào khu tái định cư, phải bồi thường công trình vật kiến trúc với tỷ lệ bằng 100% đơn giá, giao đất tái định cư cho các con chưa lập gia đình (mặc dù toàn bộ diện tích đất của các hộ thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án là đất nông nghiệp và không phải là đất ở).
Trong quá trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, các kiến nghị của các hộ đã được UBND huyện chỉ đạo tổ công tác rà soát, xác minh trực tiếp giải quyết bằng các biên bản làm việc. Cụ thể là: Cho phép giao đất có thu tiền sử dụng đất cho hộ dân không đủ điều kiện giao đất tái định cư nhưng không còn nơi ở nào khác trên địa bàn xã vào Khu tái định cư Dự án VSIP Hải Phòng. Hỗ trợ đối với 400 m2 đất nông nghiệp bằng 100% giá đất vườn ao và 50% giá đất ở liền kề, tính trung bình mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 132 triệu đồng/hộ để di dời. Hỗ trợ 80% đơn giá toàn bộ công trình vật kiến trúc xây dựng thay cho mức hỗ trợ 50% đơn giá theo quy định đối với một số công trình vật kiến trúc trên đất nông nghiệp (ăn ở ổn định, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp trước 1/7/2014).
Khu đô thị, công nghiệp dịch vụ VSIP Hải Phòng từ khi đi vào hoạt động đã thu hút được 35 nhà đầu tư thứ cấp với tổng mức đầu tư trên 1,6 tỷ đô la Mỹ, trong đó có những tập đoàn đa quốc gia như Nipro Pharma, Fuji Xerox, Kyocera… Dự án đã tạo việc làm cho khoảng 17.000 lao động, dự kiến đến hết năm 2016, thu hút thêm 5.000 lao động, trong đó 70% lao động thuộc huyện Thủy Nguyên với mức thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/ lao động/ tháng.