Công tác dân số góp phần phát triển nhanh, bền vững đất nước

Trong hơn 60 năm qua, công tác dân số đã trải qua tiến trình từ giảm sinh đến đạt và duy trì mức sinh thay thế. Thành tựu này góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự tiến bộ trên nhiều mặt của nước ta cũng như khẳng định vai trò to lớn của công tác dân số đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Chú thích ảnh
Chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN

Góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống dân cư

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Phạm Vũ Hoàng, sự gia tăng dân số quá nhanh là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách dân số của nước ta trước đây với các quan điểm và hệ thống giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu nhất quán là giảm mức sinh, giảm tỷ lệ gia tăng dân số, giảm sức ép của dân số đến quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có hai con) vào năm 2006 và duy trì trong suốt thời gian qua.

Nhờ giảm sinh, tỷ số phụ thuộc chung (phần trăm dân số ở nhóm tuổi ngoài lao động so với tổng dân số lao động) của Việt Nam giảm mạnh, từ 89,5% (năm 1979) xuống 63,6% (năm 1999), 44,7% (năm 2009) và 47,6% (năm 2020). Năm 2007 nước ta bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, nghĩa là cứ một người ngoài độ tuổi lao động thì có 2 người trong độ tuổi lao động; tạo cơ hội lợi thế về số lượng người trong độ tuổi lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Năm 2019, Việt Nam có gần 88% dân số trong độ tuổi từ 25-59 tham gia lực lượng lao động. Với nguồn nhân lực lớn và trẻ, nếu Việt Nam tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động, sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ và giá trị tích lũy không nhỏ cho tương lai của đất nước.

Việt Nam đã ra khỏi nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ thu nhập thấp từ năm 2008 để gia nhập nhóm thu nhập trung bình thấp. Đất nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 là 2.786 USD/người. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em: Các nhà khoa học tính toán rằng, riêng cơ cấu “dân số vàng” đã đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam bình quân mỗi năm 1,2% trong giai đoạn 2009-2019. Mức sinh giảm, quy mô gia đình ngày càng nhỏ. Kết quả Điều tra mức sống dân cư từ năm 1992 đến 2002 đều cho thấy, quy mô gia đình càng nhỏ thì thu nhập và chi tiêu bình quân một người/một tháng càng cao. Tính quy luật này đúng cho mọi năm, trên phạm vi toàn quốc và cả ở cấp độ vùng. Rõ ràng, mức sinh giảm thực sự góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống dân cư.

Cải thiện chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho trẻ

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nhờ khống chế được tốc độ gia tăng dân số, số lượng và tỷ lệ dân số trong độ tuổi đi học giảm mạnh, tạo điều kiện đầu tư, phát triển theo hướng hiện đại cơ sở vật chất trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục.

Dân số trong độ tuổi đi học từ 5-19 tuổi giảm từ 39,3% (1979) xuống 22,9% (2019). Tỷ lệ nhóm tuổi đi học giảm gần một nửa đã giảm gánh nặng dân số đối với hệ thống giáo dục, nhờ đó tỷ lệ đi học đúng tuổi cũng tăng dần lên ở các cấp, đặc biệt ở cấp Trung học phổ thông. Tỷ số học sinh/giáo viên cũng được cải thiện, năm học 1998-1999 tỷ số này là 28,8 đến năm học 2019-2020 giảm còn 21.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử cho rằng, việc giảm hàng triệu học sinh phổ thông đã tháo gỡ áp lực dân số lên ngành giáo dục, làm giảm mạnh nhiều chỉ báo, như số học sinh/một trường, số lớp/một trường, tỷ số học sinh/giáo viên… tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Mặt khác, do ít con nên các gia đình có khả năng cho cả con trai và con gái đi học. Vì vậy, tỷ lệ nữ sinh khá cao, ở bậc tiểu học và trung học cơ sở hiện đã ngang bằng với nam sinh. Ở các bậc học cao hơn, tỷ lệ nữ sinh còn cao hơn nam sinh. Năm học 2020-2021, tỷ lệ nữ sinh trong các trường trung học phổ thông là 55%, còn ở các trường đại học là 53,3%. Nâng cao học vấn là cơ sở vững chắc để phụ nữ nâng cao năng lực, vị thế, thực hiện bình đẳng giới.

Gia tăng dân số được kiểm soát là cơ hội để chăm sóc và cải thiện sức khỏe cho cả bà mẹ và trẻ em. Phụ nữ mang thai nhiều lần hoặc sinh nhiều con cũng như khoảng cách giữa các lần sinh quá ngắn làm tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con. Thực tế này rất rõ ở Việt Nam, khi mức sinh thay thế (TFR) giảm dần thì tỷ suất chết ở trẻ dưới 1 tuổi (IMR) cũng giảm theo.

Gia đình ít con hơn, trẻ em có điều kiện được chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ trẻ em đạt tiêm chủng quốc gia những năm gần đây đều đạt ngưỡng 95%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi liên tục được cải thiện, từ 44,1% năm 1999 xuống 19,3% năm 2020.

Việc chăm sóc sức khỏe tốt cho thế hệ trẻ là tiền đề để tạo ra thế hệ tương lai khỏe mạnh, góp sức vào phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống

Ngoài những tác động nói trên, tốc độ tăng dân số được kiểm soát góp phần quan trọng vào giảm tác động xấu đến môi trường như nguồn nước sạch, khoáng chất, hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng. Nước ta có điều kiện phát triển điều kiện sống của con người song song với phát triển hệ sinh thái bền vững. Bởi nếu dân số liên tục tăng trong khi diện tích đất gần như không thay đổi, sẽ gây sức ép tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường khí hậu để phục vụ nhu cầu nhà ở, sản xuất lương thực, thực phẩm, công nghiệp...

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử cho rằng, thành công của việc giảm mức sinh thời gian qua còn tác động tích cực đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội, như: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong trẻ em; nâng cao chất lượng dân số; ngăn chặn đà giảm sâu một số chỉ báo về tài nguyên thiên nhiên bình quân đầu người… Mức sinh giảm, dân số dần ổn định tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phát triển bền vững.

Trong thời kỳ kế hoạch hóa gia đình là trọng tâm của công tác dân số, các hoạt động đã được lồng ghép vào chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương. Việc thực hiện tốt các hình thức lồng ghép này giúp mang lại kết quả lớn và hiệu quả cao cho công tác dân số.

Tuy nhiên hiện nay, nước ta đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng, đối tượng. Mức sinh giảm, thấp và khác biệt giữa các vùng, các địa phương khiến đẩy nhanh quá trình già hóa; mất cân bằng giới tính khi sinh, góp phần phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc...

Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030 với mục tiêu: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương có mức sinh còn cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, bảo đảm phát nhanh, bền vững đất nước”.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng, duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước.

Tiếp tục giảm mức sinh ở những địa phương có mức sinh còn cao sẽ tránh được các tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục….

Phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương đang có mức sinh thấp sẽ tránh được tình huống mức sinh xuống quá thấp, không vực lên được như một số nước phát triển đang phải đối mặt. Khi mức sinh tăng lên, sẽ làm giảm một phần mất cân bằng giới tính khi sinh và cũng góp phần làm chậm lại quá trình già hóa dân số, cải thiện chất lượng dân số (do một bộ phận dân số có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy tốt hơn sẽ sinh thêm con).

Giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương góp phần làm chậm lại tốc độ gia tăng khoảng cách, tiến tới giảm khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các vùng, các đối tượng.

M.H (TTXVN)
Công tác dân số góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội
Công tác dân số góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội

Trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đã đạt được nhiều thành công góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, giảm tình trạng đói nghèo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN