Công đoàn trong đời sống công nhân lao động - Bài cuối: Cán bộ công đoàn giỏi - 'chỗ dựa' vững chắc 

Những năm gần đây, hoạt động công đoàn trên cả nước đã có nhiều đổi mới, phong phú về nội dung và hình thức; chế độ quyền lợi của người lao động được cải thiện rõ rệt...

Chú thích ảnh
Sản xuất hàng may mặc tại Xí nghiệp Sơ mi, Veston của Tổng Công ty May 10 tại Sài Đồng, Quận Long Biên, Hà Nội. Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN

Góp phần tạo nên kết quả đó, đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đã ngày càng hoàn thiện về năng lực, nghiệp vụ, trở thành lực lượng quan trọng, là chỗ dựa vững chắc cho người lao động.

Cán bộ công đoàn có “tâm” và có “tầm”

Chị Trần Quý Dân (Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10 - Công ty cổ phần, Công đoàn Dệt May Việt Nam) là một trong những "thủ lĩnh" công đoàn xuất sắc nhận Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ 2, năm 2020 được nhiều người biết đến. Là Chủ tịch Công đoàn cơ sở trong đơn vị doanh nghiệp sản xuất, chị Trần Quý Dân có nhiều sáng kiến, giải pháp đổi mới trong hoạt động công đoàn, đem lại hiệu quả cao và nhân rộng trong hệ thống công đoàn cơ sở của ngành Dệt May. Những sáng kiến ấy xuất phát từ trách nhiệm và tấm chân tình của người cán bộ công đoàn có tâm và có tầm, được người lao động tín nhiệm, yêu thương...

Những ngày dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam, nhiều đơn vị giáo dục phải tạm thời dừng hoạt động để bảo đảm an toàn. Khách hàng, đối tác khi đến làm việc với Công ty May 10 ngạc nhiên khi thấy nhiều giáo viên mầm non đang làm việc tại dây chuyền sản xuất. Tìm hiểu được biết, đó chính là "sáng kiến" của công đoàn Công ty nhằm đảm bảo thu nhập cho những lao động làm việc ở các bộ phận phải đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19 như trường học, siêu thị, khách sạn.

Cô giáo Nguyễn Thu Huyền (ở Trường mầm non thuộc Tổng Công ty May 10" cho biết, những ngày nghỉ làm để phòng, chống dịch khiến thu nhập bị giảm sút. Được bổ sung sang làm việc tại dây chuyền sản xuất để đảm bảo cuộc sống đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Công ty cũng như tổ chức công đoàn. 

Không chỉ cô giáo Huyền, mà nhiều lao động ở đây khi nhắc đến Chủ tịch công đoàn Trần Quý Dân đều tỏ ra khâm phục, yêu mến. Từ thực tế công việc, chị Dân đã có những sáng kiến, giải pháp được áp dụng nhằm phục vụ người lao động tốt hơn. Là một Công ty lớn, có hàng nghìn lao động ở các lứa tuổi, địa phương khác nhau, nên phát sinh nhiều nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, ăn uống, các dịch vụ hỗ trợ (trông trẻ), học tập nâng cao trình độ, rèn luyện thể chất. Để người lao động yên tâm và dành toàn bộ tâm huyết vào sản xuất thì việc hình thành mô hình tổ hợp công trình đa phúc lợi, đa tiện ích sẽ thiết thức, giúp cho người lao động nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trăn trở trước những nhu cầu thực tế của công nhân, chị Dân đề xuất ý tưởng và cùng lãnh đạo doanh nghiệp chuyển hóa ý tưởng thành hiện thực, đồng thời tham gia giám sát việc thực hiện các ý tưởng trong từng thiết chế công đoàn. Tổ hợp trường mầm non, trạm y tế, khách sạn, siêu thị - nhà ăn ca  - điểm sinh hoạt văn hóa ra đời, đang duy trì, luôn đổi mới nâng cao chất lượng dưới sự giám sát đồng hành của tổ chức công đoàn cơ sở, được người lao động ủng hộ, đánh giá cao.

Chọn cách làm có lợi nhất cho đoàn viên, người lao động

Tiếp xúc với Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Long Biên (Hà Nội) Phan Thị Thu Hằng, người đối diện luôn cảm nhận được một nguồn năng lượng mạnh mẽ của một cán bộ công đoàn dành cho việc chăm lo đoàn viên, người lao động. Theo đánh giá của lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động quận Long Biên là đơn vị duy nhất đã áp dụng thực hiện tốt công tác điều hành, chỉ đạo, tổ chức các cuộc họp Ban Thường vụ thông qua mạng Internet, đảm bảo công tác phòng dịch COVID-19 và duy trì công tác điều hành hoạt động của tổ chức công đoàn. Đó chính là ý tưởng của chị Phan Thị Thu Hằng nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công việc khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam.

Đặc biệt hơn, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chị Hằng đã mạnh dạn thay đổi hình thức chuyển tiền hỗ trợ cho những đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 có hoàn cảnh khó khăn. Đó là, thay vì mời người lao động lên nhận tiền theo cách truyền thống, chị Hằng quyết định chuyển khoản tiền hỗ trợ trực tiếp vào tài khoản của người lao động. Trường hợp người lao động không có tài khoản ngân hàng thì chuyển vào tài khoản của công đoàn cơ sở đơn vị họ làm việc. Với cách làm này, người lao động ở quận Long Biên nhận được tiền sớm nhất so với các địa phương khác ở Hà Nội.

Về công tác phát triển đoàn viên, chị Phan Thị Thu Hằng được cấp trên nhận định là người có nhiều sáng tạo, đem lại hiệu quả cao. Đề án “Giải pháp thu hút, tập hợp công nhân viên chức lao động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trên địa bàn quận Long Biên” được Liên đoàn Lao động quận áp dụng từ đầu năm đến nay đã nhận được sự đồng tình của đông đảo đoàn viên, người lao động.

Nói về mục đích xây dựng ý tưởng, Chị Hằng cho biết, trong công tác phát triển đoàn viên cần xác định khu vực nào là nòng cốt và phải tranh thủ mọi nơi mọi lúc để tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp thành lập công đoàn; vận động người lao động gia nhập tổ chức công đoàn. Theo chị, để công nhân, người lao động thấy được lợi ích khi trở thành đoàn viên, tổ chức công đoàn cần tổ chức nhiều hoạt động mang lại quyền lợi thiết thực cho người lao động. Tuy nhiên, để phân biệt quyền lợi riêng mà chỉ khi là đoàn viên công đoàn mới được hưởng, chị Hằng phát thẻ ưu đãi mua hàng cho đoàn viên. Với thẻ này, đoàn viên công đoàn được mua hàng giá ưu đãi của 23 doanh nghiệp mà Liên đoàn Lao động quận đã ký chương trình phối hợp.

Với tinh thần đổi mới, sáng tạo, sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chị Hằng đã góp phần rất quan trọng trong thành tích của Liên đoàn Lao động quận Long Biên, được tổ chức công đoàn cấp trên ghi nhận, đánh giá cao.

Cũng với mục tiêu hướng về người lao động và để các hoạt động Công đoàn trở nên sinh động, hiệu quả, hấp dẫn đoàn viên, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Trưởng ca sản xuất Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà máy Bia Heineken Việt Nam Phạm Hồng Thái cho rằng, tổ chức công đoàn cần có nhiều hoạt động mang lại quyền lợi cho người lao động, một trong số đó là các điều khoản trong thỏa ước lao động tập thể.

Với vai trò là chủ tịch công đoàn cơ sở, anh Thái luôn xác định mình là cầu nối quan trọng giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Vì thế, anh luôn quan tâm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người lao động, để từ đó đề xuất với lãnh đạo Công ty tìm cách tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của người lao động.

Mặc khác, anh Thái thường xuyên thông tin cho người lao động biết về hướng phát triển và những khó khăn của doanh nghiệp nhằm tạo sự chia sẻ, hợp tác, cảm thông giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, tạo ra môi trường làm việc thoải mái. Từ việc anh làm tốt vai trò cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, luôn có tiếng nói chung hài hòa lợi ích giữa các bên. Doanh nghiệp thấy được vai trò của tổ chức công đoàn và ngày càng quan tâm hơn đến người lao động.

Những đề xuất, kiến nghị của người lao động đều được lãnh đạo doanh nghiệp xem xét và đưa vào Thỏa ước lao động tập thể. Nhờ có sự quan tâm của tổ chức công đoàn, người lao động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà máy Bia Heineken Việt Nam được nghỉ 18 ngày phép (luật quy định chỉ có 12 ngày phép); thưởng tháng lương 13 theo mức lương lĩnh tháng 12 và thưởng theo mức độ hoàn thành công việc vào cuối năm; Công ty không những mua bảo hiểm sức khỏe cho nhân viên, mà còn mua cho chồng/vợ/ con của nhân viên...

Đỗ Bình (TTXVN)
Công đoàn trong đời sống công nhân lao động - Bài 2: Sáng tạo để bảo vệ người lao động
Công đoàn trong đời sống công nhân lao động - Bài 2: Sáng tạo để bảo vệ người lao động

Cùng với những chủ trương, hướng dẫn của tổ chức công đoàn Việt Nam, nhiều tổ chức công đoàn cơ sở đã phát huy sức mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa có tâm, vừa có tầm, với tinh thần vì người lao động. Nhiều mô hình, sáng kiến hay được triển khai, đem lại hiệu quả cao, được người lao động đồng tình ủng hộ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN