Hội nghị là dịp tổng kết việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai trong cán bộ, nhà giáo, người lao động giai đoạn 2015-2020; khẳng định những kết quả đạt được và làm rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Từ đó, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong giai đoạn tiếp theo 2020 - 2025.
Nhân dịp này, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tuyên dương 34 tập thể và 138 cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động Công đoàn và trong các phong trào thi đua, cuộc vận động giai đoạn 2015 - 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: 172 tập thể, cá nhân được tuyên dương là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa đẹp. Họ đại diện cho các công đoàn cơ sở giáo dục và 1,6 triệu giáo viên đã có đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
Chia sẻ về quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, Bộ trưởng khẳng định: Trong 5 năm qua, ngành Giáo dục đã có nhiều đổi mới, từ tư duy, cách nghĩ, cách làm cho đến nội dung, phương pháp và các điều kiện để bảo đảm chất lượng. Đối với giáo dục phổ thông, chúng ta đã thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Quốc hội, Nghị quyết 44 của Chính phủ, trong đó nổi bật là Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Lần đầu tiên có Chương trình giáo dục phổ thông tiếp cận giáo dục toàn diện và tiếp cận theo hướng quốc tế. Việc xây dựng chương trình đã được thực hiện một cách bài bản, căn cơ, khác hẳn với những lần đổi mới trước. Đây cũng là lần đầu tiên, chúng ta có một Chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa và giáo viên lớp 1 được tham gia chọn sách. Đến nay, những đổi mới cơ bản đã đi vào nề nếp, trong đó có vai trò chủ thể của các thầy cô giáo.
Khẳng định giáo dục đại học cũng có nhiều đổi mới và phát triển mạnh, Bộ trưởng chia sẻ: Chúng ta đi từ thí điểm tự chủ đại học với 4 trường, sau đó lên 17 trường và 23 trường. Đến nay, tự chủ đại học đã được khái quát trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Số lượng chương trình được kiểm định quốc tế tăng lên; Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng nhóm 500 trường đại học của Châu Á, top 1.000 trường đại học thế giới. Những kết quả đó thể hiện nỗ lực không mệt mỏi của các nhà trường, các thầy, cô giáo nói riêng và toàn hệ thống nói chung.
Nhấn mạnh một số công việc trong thời gian tới, Bộ trưởng lưu ý, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cần phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: Dạy tốt - Học tốt; Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học; Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm, gắn với việc đẩy mạnh "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"… Đây là những phong trào, cuộc vận động có ý nghĩa sâu sắc nên cần thực hiện tốt trong toàn ngành.
Nhắc đến hai từ khóa quan trọng là: đổi mới và sáng tạo, Bộ trưởng cho rằng, ở đâu giáo viên đổi mới sáng tạo, tâm huyết thì ở đó chất lượng giáo dục sẽ tốt, học sinh được thụ hưởng lợi ích. Vì thế, đổi mới - sáng tạo không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần mà còn là mệnh lệnh từ trái tim và là nhu cầu tự thân của mỗi nhà giáo.
Đề cập đến vai trò của tổ chức công đoàn, Bộ trưởng cho rằng: Ngoài việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động, các tổ chức công đoàn ngành giáo dục phải là nơi để đội ngũ thầy, cô giáo gửi gắm tâm tư, nguyện vọng và phải tạo điều kiện, động lực để thầy cô làm việc, cống hiến.