“Con ma điện tử” cần có giải pháp

Ở xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) theo trục lộ đường liên huyện Châu Đức - Xuyên Mộc, chiều dài cụm dân cư chưa đầy 3 km mà đã có tới 5-6 điểm Internet. Khách của những điểm này đa số là học sinh cấp I và cấp II, là những khách quen của tiệm nét và luôn có mặt thường xuyên.


Ảnh minh họa. Nguồn Internet.


Có những học sinh vừa đi học về quăng vội cặp sách, chưa kịp thay đồng phục là chạy đi chơi game ngay, có những trò khỏi cần về cất cặp, đi ngang qua rồi ghé vào luôn, tệ hại hơn cả có những trò trốn học, ngồi chơi game suốt từ sáng đến trưa, chờ bạn cùng lớp đi học về mới đứng dậy, về nhà cũng làm như thiệt: “chào bố mẹ con mới đi học về”. Còn có những bạn dị biệt, biết bố mẹ đi làm cả ngày không về, nên trốn học chơi từ sáng đến tối, bữa trưa mua quà bánh tại chỗ ăn qua quít hoặc nhịn đói vì đang mải theo một “sô” game thủ không thể bỏ. Có những gia đình có máy tính, nối mạng đàng hoàng, nhưng chúng không thích hoặc không muốn chơi ở nhà mà chỉ thích ra tiệm “nét”, gặp bạn bè chơi game theo phe cá độ ăn tiền. Những ngày cuối tuần, chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ, tiệm nét đông như kiến, gia chủ không đủ máy cho “quý khách” chơi, nhiều khách phải đứng chờ, máy vừa trống là “nhào” vô ngay.


Vì ở vùng thôn quê nên nhiều cha mẹ chỉ lo làm lụng kiếm sống, mà không để ý quan tâm nhiều đến con cái, mặc cho con trẻ muốn làm sao thì làm, cứ tưởng hễ “cắp sách vở” là tới trường, cũng có vài bố hoặc mẹ nghe người ngoài mách bảo, đến tiệm nét thấy con mình trốn học đang chơi say sưa, lôi về đánh cho một trận nhưng sau một thời gian ngắn lại đâu vào đó, chúng không chơi gần nhà mà đi xa hơn hoặc thay đổi tiệm nét, thậm chí có những đứa con nhà khá giả thuê bạn đứng “canh” hễ thấy bóng người thân quen là phải “báo động”, ngay lập tức chúng lẻn ra cửa sau biến mất.


Chỉ có những chủ tiệm nét mới “thấu hiểu” tình thế, nhưng cũng vì cuộc sống “cơm áo gạo tiền” nên “giả điếc, giả đui” làm ngơ. Đó là chưa kể có những trường hợp cá biệt, có những cô cậu học sinh nhỏ, mặc đồng phục, vai mang ba lô, cổ quàng khăn đỏ, tò mò túm nhau lại mở những trang web đen không lành mạnh, vừa xem vừa đấm nhau cười “híc, híc…”


Xã hội ngày càng phát triển thì càng có nhiều trò chơi giải trí ra đời, trong đó tồn tại hai mặt trái phải, những cái tốt cái xấu đan xen, nhất là những loại game online mang tính chất bạo lực đang không ngừng gia tăng, đã tiêm nhiễm ăn sâu vào tiềm thức giới trẻ, nhất là các em học sinh đã tiếp thu những loại hình này khi tuổi đời còn quá non trẻ, dẫn đến nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.


Tình trạng này quả thật vô cùng tệ hại, là vấn đề cấp bách cần được chấn chỉnh kịp thời, vì số học sinh mê chơi vi tính thời gian gần đây ở quê tôi ngày càng nhiều, không những mê chơi không lo học hành, lại mất sức khỏe, mắt đờ đẫn, đầu óc mụ mị không còn sáng suốt, mà còn bị tác động “kép” phát sinh ra nhiều vấn đề như: bố mẹ cho tiền ăn sáng không ăn cất dành chơi game, thu gom chai lọ, sách vở cũ đem ra phế liệu bán, tệ nạn trộm cắp tài sản vặt vãnh từ trong gia đình cho đến hàng xóm láng giếng ngày càng phổ biến, chủ yếu chỉ để có tiền chơi game. Đây là mầm mống của loại tội phạm đang nhen nhúm và hình thành theo từng bước, vô cùng nguy hiểm cho nề nếp gia đình và an ninh xã hội.


Người xưa có câu “ăn trộm quen tay, ngủ ngày quen mắt” lúc mới đầu là trộm vặt, trộm nhỏ nhưng nếu cứ tiếp diễn thì tương lai của bọn trẻ sẽ đi về đâu?


“Dạy con dạy thuở còn thơ” đây là một bài toán nan giải, rất cần các cấp, các ngành có biện pháp hữu hiệu và ngăn cấm triệt để đối với các nhà cung cấp các loại game bạo lực; các tiệm nét cần hiểu rõ và ý thức tác hại của vấn đề; nhà trường có biện pháp xử lý và kỷ luật nặng đối với học sinh; nhất là các bậc phụ huynh phải luôn quan tâm con cái, theo dõi sát sao, ngăn chặn ngay từ bước khởi đầu, trẻ chơi nhiều lần sẽ quen nhanh và rất khó bỏ. Hãy dành thời gian nhiều hơn cho con cái, những điều chúng học được lúc còn nhỏ là những gì chúng nhớ dai nhất. Trẻ thơ như tờ giấy trắng, cố gắng hạn chế đừng để những tờ giấy hoen ố, phải phân tích dạy dỗ cho trẻ hiểu khi chưa quá muộn. Đừng để “con ma điện tử” hút mất hồn chúng, đánh mất tuổi trẻ và quãng đời học sinh tươi đẹp.



Xuân Sơn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN