Để từng bước khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, cùng với nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài quân đội, những năm qua, Trung tâm Bom mìn 20, Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng) đã tham gia rà phá, xử lý an toàn hàng nghìn quả bom mìn, vật nổ các loại, trả lại màu xanh cho những vùng đất tưởng chừng đã chết.
Đào tạo cán bộ chuyên sâu, trang bị đồng bộ
Tuy được thành lập chưa lâu nhưng Trung tâm Bom mìn 20, Tổng Công ty 36 đã tham gia rà phá bom mìn, vật nổ trên nhiều vùng của cả nước; từ vùng sâu, vùng xa biên giới Tây Bắc đến tận miền Đông, miền Tây Nam Bộ, từ nông thôn, miền núi đến thành thị, góp phần giải phóng, làm sạch hàng nghìn ha đất.
Cán bộ, chiến sĩ trung tâm khoanh vùng thực hiện dò gỡ bom mìn, vật nổ tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Võ Ba |
Thiếu tá, kỹ sư Võ Văn Ba, Giám đốc Trung tâm Bom mìn 20 bộc bạch: “Đặc thù của nghề không cho phép rút kinh nghiệm bởi chỉ sơ suất một chút thôi hay thao tác sai quy trình là nguy hiểm đến tính mạng của bộ đội. Chính vì vậy, chúng tôi luôn tâm niệm phải lựa chọn, làm tốt công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, chuyên môn sâu, ý thức tổ chức kỷ luật quân đội nghiêm trong thực hiện nhiệm vụ. Mặt khác, từ ngày thành lập đến nay, trung tâm luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Ban giám đốc Tổng Công ty, mà trực tiếp là đại tá, Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty 36. Chính đồng chí tổng giám đốc đã đồng thuận và luôn quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ để trung tâm trang bị nhiều chủng loại thiết bị rà phá bom mìn, vật nổ hiện đại của Hoa Kỳ, Đức, Australia, Trung Quốc,... phục vụ công việc một cách hiệu quả; qua đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ ở các địa bàn khó và tránh được những sơ suất đáng tiếc. Đến nay, toàn trung tâm chưa có trường hợp nào bị thương hay tử vong trong lúc thi công”.
Đội ngũ cán bộ của trung tâm hiện nay gồm hơn 50 người, được đào tạo bài bản ở Trường Sĩ quan công binh, Học viện Kỹ thuật quân sự, các trường cao đẳng, đại học chuyên ngành khác và lớp đội trưởng rà phá bom mìn; trong đó có thể kể đến thiếu tá, kỹ sư Võ Văn Ba, Giám đốc trung tâm, trung tá Nguyễn Văn Huynh, trung tá Đàm Quang Nghĩa đều là Phó giám đốc trung tâm; trung tá Phạm Đình Sơn, thiếu tá Trần Phú Hữu, đại úy Thái Khắc Dũng, thượng úy Thái Minh Tuấn, Nguyên Thế Vinh, Nguyễn Văn Hạnh, Vũ Văn Tĩnh… là đội trưởng các đội thi công. Hơn 300 lao động cũng được huấn luyện cơ bản về chuyên ngành và được cấp chứng chỉ rà phá bom mìn. Các đội thi công được trang bị đầy đủ máy dò bom, dò mìn hiện đại phục vụ theo yêu cầu từng nhiệm vụ khác nhau trải dài trên địa bàn cả nước.
Những dự án gắn liền với trung tâm
Vào tháng 12/2011, tại cuộc tọa đàm “Chung tay, góp sức khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh” tổ chức ở Hà Nội, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh nhấn mạnh: “Hằng năm, Chính phủ đã chi hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả nhưng do số lượng bom mìn, vật nổ mà quân đội ngoại xâm sử dụng còn sót lại rất lớn, tình trạng ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đến nay vẫn rất nặng nề; tai nạn thương tích đối với người dân, đặc biệt là trẻ em vẫn diễn ra hàng giờ, hàng ngày trên phạm vi cả nước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của một bộ phận không nhỏ dân cư…”. Cùng góp phần chia sẻ khó khăn ấy với Nhà nước, thời gian qua, Trung tâm Bom mìn 20 đã thi công rà phá bom mìn, vật nổ nhiều dự án có quy mô lớn, tính chất phức tạp song vẫn đảm bảo chất lượng, tiến độ, được các chủ đầu tư đánh giá cao như: hồ chứa nước Bản Mồng, thủy điện Bản Vẽ, thủy điện Khe Bố, quốc lộ 1A - Thái Hòa, đại lộ Vinh - Cửa Lò, hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam (thuộc tỉnh Nghệ An); thủy lợi Huổi Rống (Điện Biên), thủy điện Trung Sơn (Thanh Hóa), tuyến vận tải thủy Việt Trì - Tuyên Quang, Đài phát sóng Phát thanh Quán Tre (TP Hồ Chí Minh), khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai), đảo Phú Quý (Bình Thuận), cảng biển Cam Ranh (Khánh Hòa), quốc lộ 1A - mỏ sắt Thạch Khê, cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh), đường A Sầu - A Lưới (Thừa Thiên - Huế); các gói thầu trên đường cao tốc Bắc Nam, đường mòn Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, đường tuần tra biên giới, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, quốc lộ 1A Cần Thơ - Hậu Giang; dự án Rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia Lai, Thành phố Đà Nẵng và nhiều dự án khác,...
Trong số đó, có những dự án được triển khai đòi hỏi tiến độ thời gian và khối lượng bom mìn, vật nổ sót lại lớn. Điển hình tại địa bàn tỉnh Nghệ An, năm 2012 trung tâm đã rà phá, phát hiện, xử lý an toàn 4 quả bom phá loại 500 bảng Anh, 2 quả tên lửa, 17 quả bom bi, 47 quả đạn và đầu đạn pháo, cối, đạn 12,7 mm, hơn 1.000 kg mảnh bom, sắt vụn, qua đó làm sạch 1.300 ha đất. Trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xử lý an toàn 1 quả bom phá loại 1.000 bảng Anh ở xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà và hơn 150 quả đạn cối, pháo, bom bi,… làm sạch 630 ha đất. Ở tỉnh Quảng Trị xử lý an toàn 356 quả bom bi, đạn M79, pháo, cối, bộ binh và 1.200 kg mảnh bom, sắt vụn, làm sạch 250 ha đất. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, trung tâm đã triển khai dò gỡ hàng chục dự án; đồng thời được phê duyệt thêm 16 dự án mới, bao gồm: 5 dự án do Bộ Quốc phòng phê duyệt, 11 dự án do Bộ tư lệnh các quân khu, binh chủng phê duyệt, có tổng diện tích rà phá hơn 600 ha với gần 100 ha dưới nước.
“Nhiều chuyến đi, nhất là khu vực các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, chứng kiến những tai nạn mà người dân gặp phải do bom mìn, vật nổ rất thương tâm, đau xót, càng làm chúng tôi thêm quyết tâm vượt khó thực hiện nhiệm vụ. Ngoài thi công rà phá, anh em đơn vị còn kiêm luôn công việc tuyên truyền đến đông đảo người dân về tác hại, cách phòng tránh tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Với mong muốn giúp người dân nâng cao nhận thức về bom mìn để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, trung tá Phạm Đình Sơn, Đội trưởng Đội thi công 23 tâm sự.
“Thống kê trong hơn 4 năm (từ năm 2008 đến nay), trung tâm đã rà phá, xử lý an toàn 8 quả bom phá từ 250 bảng Anh đến 1.000 bảng Anh; 2 quả tên lửa; 252 quả bom bi, bom khoan, lựu đạn, đạn M79; 617 quả đạn pháo, cối, đạn bộ binh; 3.400 kg mảnh bom, sắt vụn; làm sạch gần 4.370 ha đất”. Thiếu tá, kỹ sư Võ Văn Ba, Giám đốc Trung tâm Bom mìn 20 chia sẻ. |
Thái Hà
Kỳ 2: Nơi thử thách bản lĩnh và tình yêu nghề