Chuyện những người lợp tranh ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên

Không chỉ đơn thuần là những lớp lá mía phơi khô kết nối với từng thanh tre già, mái nhà tranh tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên còn là nơi lưu giữ những ký ức thiêng liêng, là dấu ấn một thời tuổi thơ gian khó của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm tháng trôi qua, những mái tranh vẫn được thay mới đều đặn, như một cách để giữ trọn vẻ mộc mạc, giản dị của quê hương Người.

Chú thích ảnh
Trong công việc, ai cũng chỉn chu, say mê cống hiến bởi đó còn là tình cảm thiêng liêng dành cho Bác. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Kỳ công từ những nguyên liệu mộc mạc

Chúng tôi đến thăm Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên vào thời điểm những người thợ đang chăm chú “thay áo mới” mái nhà tranh quê Bác. Với họ, lợp tranh không chỉ cần mẫn trong từng thao tác, mà còn gửi gắm vào đó cả tâm huyết và lòng kính yêu đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Chính những bàn tay miệt mài ấy đã giúp những mái tranh quê Bác tiếp tục kể lại câu chuyện về một cuộc đời vĩ đại - một cuộc đời được nuôi dưỡng từ những điều bình dị nhất.

Nghề lợp tranh không hề đơn giản. Muốn có được những tấm tranh bền đẹp, nguyên liệu phải trải qua quá trình chọn lọc kỹ càng. Lá mía được thu mua từ các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Nghĩa Đàn…, sau đó phơi khô, rồi đem phơi sương suốt nhiều đêm để có độ dai và mềm dẻo. Tre cũng phải là những cây già được chặt vào tháng 3, qua nhiều công đoạn xử lý nhằm chống mối mọt, đảm bảo độ bền cho mái tranh.

Theo ông Trần Đình Quang (xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn) - người có nhiều năm kinh nghiệm, đánh tranh không chỉ là việc kết nối từng lớp lá với nhau, mà còn là sự tính toán cẩn thận để đảm bảo độ bền và thẩm mỹ. Người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ, kết từng hàng tranh đều đặn, thẳng tắp nhưng không được quá chặt để tránh làm mất đi độ mềm mại cần thiết. Đó là cả một nghệ thuật, một bí quyết được đúc kết qua nhiều năm tháng.

Chú thích ảnh
Người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ, kết từng hàng tranh đều đặn, thẳng tắp nhưng không được quá chặt để tránh làm mất đi độ mềm mại cần thiết. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

“Trong tất cả các công đoạn, đánh tranh là phần khó nhất, đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm lâu năm. Đánh tranh có kết 5 hom và 3 hom, nhưng việc kết 5 hom đòi hỏi người thợ phải khéo léo và tỉ mỉ hơn. Người thợ phải kết từng hàng tranh sao cho thẳng đều, sát nhau nhưng không dính vào nhau”, ông Quang chia sẻ.

Ông Nguyễn Công Ngọc (63 tuổi, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn) cho biết, hiện nay do sự thay đổi cơ cấu cây trồng nên nguyên liệu ngày càng khan hiếm. Lá mía phải được thu mua ở các huyện miền núi, những nơi ít chịu tác động của hóa chất, bởi vậy người thợ phải vất vả đi xa tìm mua nguyên liệu. Chất lượng lá cũng không còn tốt như trước, khiến việc thay mái tranh phải thực hiện mỗi năm một lần thay vì hai, ba năm như trước. Năm nay, Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác cũng là năm tổ chức lễ hội cấp quốc gia nên công việc lợp tranh tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên được thực hiện sớm hơn những năm trước. Thời tiết đang khá mát mẻ nên việc lợp tranh cũng đỡ vất vả hơn.

Ấm áp tình cảm dâng Người

Chú thích ảnh
Những mái nhà tranh đều được thay mới trước dịp 30/4 hàng năm. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

Gắn bó với cộng việc đánh tranh, trùng tu những mái nhà tranh trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên từ năm 2009, ông Trần Đình Huệ (67 tuổi, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn) cho biết, công việc đánh tranh, lợp tranh thì không phải nặng nhọc nhưng đòi hỏi người thợ phải kiên trì, tỉ mỉ.

“Công việc này không đơn thuần là mưu sinh, mà là niềm tự hào. Vì vậy, ai cũng cẩn thận, tỉ mỉ từng chút một, bởi chúng tôi hiểu rằng, mỗi mái nhà tranh không chỉ là nơi lưu giữ ký ức mà còn là biểu tượng của sự giản dị, mộc mạc. Được góp phần giữ gìn nét bình dị nơi Bác đã từng sống là một điều thiêng liêng", ông Huệ tâm sự.

Những bàn tay gầy guộc đều đặn chẻ từng thanh tre, đánh từng hàng tranh một cách chỉn chu. Những mái nhà tranh mang theo cả tâm huyết, cả lòng kính yêu đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc được đều đặn thay mới hàng năm. Có lẽ với những người thợ lợp tranh quê Bác, điều họ mong muốn nhất không phải là sự ghi nhận, mà là niềm tin rằng nghề đan tranh này sẽ mãi được duy trì, để mỗi lần du khách ghé thăm Làng Sen, ai cũng thấy được những mái nhà tranh xưa cũ, giản dị nhưng đầy xúc cảm thiêng liêng.

Ông Lâm Đình Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, trước đây, tầm 2 - 3 năm, Khu di tích mới thay mái tranh một lần. Nhưng gần 20 năm trở lại đây, do lá mía chịu nhiều hóa chất trong quá trình chăm sóc, chất lượng lá không còn đảm bảo như ngày xưa nên Khu di tích tổ chức trùng tu, thay mái tranh mỗi năm một lần vào trước dịp 30/4. Năm nay, với nhiều sự kiện quan trọng, trong đó có Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác nên công việc trùng tu, chỉnh trang Khu di tích được đơn vị triển khai sớm hơn. Không riêng cán bộ, nhân viên trong Khu di tích mà kể cả những người thợ thời vụ tham gia vào công việc trùng tu, thay lại những mái nhà tranh, chăm sóc cây cảnh… luôn cảm thấy vinh dự, tự hào. Trong công việc, ai cũng chỉn chu, say mê cống hiến bởi đó còn là tình cảm thiêng liêng dành cho Bác.

Chú thích ảnh
Những mái tranh quê Bác tiếp tục kể lại câu chuyện về một cuộc đời vĩ đại, được nuôi dưỡng từ những điều bình dị nhất. Ảnh: Văn Tý/TTXVN

“Hiện nay, khó khăn lớn nhất vẫn là sự thiếu hụt lớp thợ kế cận. Trong đội thợ lợp tranh, hầu hết đều là những người đã ngoài 60 tuổi, có người còn trên 70 tuổi. Để giải quyết vấn đề này, thỉnh thoảng, Ban Quản lý Khu di tích đã tổ chức hội thi đan tranh, mời các cụ cao niên truyền lại từng động tác, từng kỹ thuật cho lớp trẻ. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu sau này không còn người đan tranh đơn vị có thể phải dùng tranh nhân tạo bằng nhựa”, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên cho hay.

Giữa bao đổi thay của thời đại, những người thợ lợp tranh quê Bác vẫn lặng lẽ làm việc, từng ngày gìn giữ nét đẹp mộc mạc của mái nhà xưa. Công việc này không chỉ là lao động, mà còn là tâm huyết, tấm lòng kính yêu dành cho Người. Để mỗi lần du khách bước chân về Kim Liên, họ không chỉ thấy lại mái tranh quen thuộc, mà còn cảm nhận được cả một quá trình gìn giữ đầy công phu, với tình yêu và lòng tự hào sâu sắc.

Xuân Tiến - Văn Tý (TTXVN)
Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng quê Bác
Phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng quê Bác

Với tài nguyên du lịch vùng nông thôn đa dạng và nhiều giá trị văn hóa, Nghệ An hướng phát triển du lịch nông nghiệp thành một trong những loại hình du lịch chính.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN