Luôn quan niệm “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Anh em ông Sết làm công việc “lặn ma” một cách tự nguyện chứ không có sự thúc ép về tiền bạc. Gần nửa thế kỉ lặn sông tìm xác, các ông chưa bao giờ để ý đến chuyện tiền công, ai cho bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Các ông đều có một suy nghĩ mình đang làm việc thiện tích chút phúc đức cho con, cho cháu mà thôi.
Ông Sết hướng dẫn cháu mình lặn sông tìm xác. |
Ông Sết nói rằng đó là cái nghiệp có tiếng mà không có miếng cũng chẳng sai chút nào. Không chỉ có nguy hiểm nơi sông nước luôn rình rập mà chuyện oán trách thân nhân người tử nạn khi chưa tìm thấy xác, lời gièm pha, dị nghị của người đời khi cho rằng mấy ông chưa vớt xác lên do còn muốn nâng giá.
Cả đời vớt xác lần được thưởng “thù lao” lớn nhất của mấy anh em ông là 500.000. Ngoài ra thì ai có bao nhiêu thì cho bấy nhiêu, khi thì 1, 2 trăm nghìn khi thì chai rượu. Không có thì thôi chứ các ông không bao giờ oán thán hay trách móc. “Người ta đang đau khổ khi mất người thân, tâm trí còn rối bời nên có thể quên, mình cũng thông cảm cho họ”, ông Sết nói.
“Sau khi vớt được xác nạn nhân và đưa lên bờ, người nhà cho được bao nhiêu thì cho chứ tui chưa một lần ra giá, đòi tiền công. Số tiền đó bọn tui cũng không lấy cho riêng mình mà chỉ mua đồ hương hoa, vàng mã về cúng cho Thần sông và vong hồn người tử nạn được thanh thản. Còn dư bao nhiêu thì mua rượu, mồi anh em ngồi lai rai chống lạnh”, ông Sết nói.
Có nhiều trường hợp xác vớt lên là xác người bị điên, tâm thần không có người thân. Mấy ông còn phải tắm rửa, khâm liệm. Rồi tự bỏ tiền túi ra mua đồ về cúng cho họ. Gặp gia đình nghèo khó, ba anh em còn giúp đỡ họ làm đủ “thủ tục” cho thân nhân nữa.
“Vàng bạc, trang sức của người đã mất thì mình phải giữ và trả lại cho thân nhân họ, lấy mấy thứ đó mà làm của riêng thì không bao giờ sống thanh thản được. Suốt đời sẽ sống trong sự dằn vặt của lương tri và có lỗi với vong linh người quá cố, bọn tui không bao giờ tham mấy thứ đó”.
Ông Nguyễn Văn Nết canh phòng trên sông Hương, nơi có nhiều người nhảy cầu tự tử. |
Có lần mấy ông vớt xác một người đàn ông cỡ 35 tuổi bị chết đuối ở cầu Bạch Hổ. Khi lặn xuống ông Sết thấy người bị nạn nằm sấp dưới đáy sông, hai tay ôm trước ngực giữ chặt một bọc được gói bằng túi nilon màu đen. Lúc đưa nạn nhân lên bờ, khi kiểm tra xem còn giấy tờ tùy thân gì không, mấy ông rất bất ngờ khi biết đó là một bọc tiền. Ông Sết đã cất giữ số tiền đó rồi bàn giao cho công an để trả lại tiền cho thân nhân người kia rồi mới ra về.
Nhiều lúc đang nửa đêm mà có người chạy đến gõ cửa nhờ đi lặn tìm xác, thấy ông cùng con lục đục chuẩn bị lên đường là vợ ra sức ngăn cản.
“Thấy việc “lặn ma” của chồng con vừa vất vả vừa nguy hiểm, đôi khi còn tốn tiền cúng bái nữa, đúng là “ăn cơm nhà vớt ma người dưng” mà hễ có người gọi là bất kể cả ngày hay đêm, bỏ công bỏ việc để đi vớt xác. Khuyên ngăn mãi mà ông ấy vẫn vậy, cứ thích ôm của nợ vào thân. Bây giờ tôi cũng chỉ biết ủng hộ và lo lắng thay cho ông mỗi lần đi lặn”, bà Đỗ Thị Lài, vợ ông Sết thổ lộ.
Để thuận lợi cho công việc “lặn ma” ở dưới nước được lâu hơn, ba anh em ông Sết tự mày mò nghiên cứu chế tạo máy tạo khí để phục vụ cho việc lặn ở những đoạn sông sâu. Họ tự bỏ tiền túi hơn 7 triệu đồng sắm máy nổ, mua dây dẫn khí, kính lặn và tự thiết kế bình hơi, chế tạo bộ phận tạo khí.
“Cái máy ni có thể cung cấp khí cho 2 người cùng lặn một lúc. Có máy tạo khí mình lặn được lâu hơn, việc tìm kiếm cũng dễ hơn trước bội phần”, ông Sết nói.
Công việc chính của ông Sết là chở khách qua sông. |
Nghề chính của ông Chí, ông Sết, ông Nết là chèo đò chở khách ở bến chợ Cồn, công việc vất vả mà thu nhập chả có bao nhiêu, chủ yếu là giúp bà con tiểu thương có phương tiện giao thông qua lại để buôn bán. Nhưng từ khi Ủy ban thành phố buộc bến đò ngừng hoạt động để chờ cấp giấy phép thì nguồn thu nhập nhỏ bé đó của mấy ông cũng bị cắt. Mấy người con của ông Sưa có thuyền Rồng phục vụ chở khách du lịch chỉ làm được mấy ngày hè là có khách còn mấy tháng nay mưa bão liên tục con thuyền đành phải nằm “đắp chiếu” ở bến, cuộc sống của gia đình ba ông càng thêm khó khăn hơn.
Sau bao năm vật lộn với sông nước, tiếp xúc nhiều với những xác chết bị phân hủy, sức khỏe của các ông cũng đã suy giảm nhiều. Nhưng mấy anh em ông vẫn chưa có ý định nghỉ nghề lặn vớt xác. Ông vẫn muốn cống hiến sức mình để làm việc thiện.
“Mình còn sức là còn lặn thôi, khi nào quá già yếu rồi, lặn đuối sức thì mới nghỉ”, ông Sết tâm sự.
Ông chỉ mong rằng các cấp cơ quan thành phố, tỉnh quan tâm thành lập hẳn một cái đội chuyên nghiệp làm việc “lặn ma”. Được trang thiết bị chuyên dụng giúp cho công việc tìm kiếm cứu nạn tốt hơn.
Bế đứa cháu ngồi trong lòng mình, ông Sết mỉm cười, ánh mắt hướng ra triền sông nơi xa có con đò ông vẫn thường đi “lặn ma”. Khuôn mặt ông bỗng rạng rỡ hẳn lên, ông buột miệng nói với chúng tôi: “Sau này cháu, chắt ông lớn lên không chừng chúng nó cũng theo cái nghiệp “lặn ma” của ông cha để cứu vớt những linh hồn xấu số nơi đáy sông”.
Bạch Long