Chuyện những người “lặn ma” ở Huế - Kỳ 1: Bốn đời theo nghiệp “lặn ma ”

“Chẳng ai muốn làm công việc vớt xác ghê sợ này nhưng cũng không tránh được. Gia đình người ta mất đi thân nhân, họ cũng chỉ biết cầu cứu dân chài bọn tui, từ chối sao được. Cũng vì lương tâm nghĩa tử là nghĩa tận mà, muốn tích chút phúc đức cho con cháu sau này ”. Đó là lời tâm sự từ đáy lòng của ông Nguyễn Văn Sết ở thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, khi nói về công việc “lặn ma” của 3 anh em ông. Và cái nghề hay nói đúng hơn là cái duyên nghiệp ấy đã gắn bó với gia đình ông tới 4 thế hệ với hàng trăm phận người xấu số được cứu vớt.

Về thôn Lại Tân, xã Phú Mậu hỏi anh em ông Chí, ông Sết, chuyên vớt xác không ai là không biết. Thậm chí 3 anh em ông còn nổi tiếng tới mức được người dân nơi đây đặt cho biệt danh là những con Rái Cá “lặn ma” trên sông.

Ba anh em ông Sết lặn tìm xác ở cầu Kho Rèn.


Tiếp chuyện chúng tôi tại căn nhà mới xây ở khu tái định cư của cư dân vạn đò tại thôn Lại Tân, ông Sết cùng anh Nguyễn Văn Bình 26 tuổi (là con của ông Nguyễn Văn Sưa, anh trai kế ông Sết đã qua đời cách đây 2 năm) kể về cái nghiệp lặn sông vớt xác của mấy anh em.

“Nhà tui theo cái nghiệp “lặn ma” này đã bốn đời rồi, tính đến nay cũng gần 100 năm. Từ đời ông nội, tới bố, tới 4 anh em chúng tôi và bây giờ khi con chúng tôi lớn chúng nó cũng bén duyên với cái nghề này ”.

Châm điếu thuốc rít một hơi thật dài, ông kể tiếp. Trước đây gia đình ông là cư dân vạn đò sống ở tổ 22, khu vực 7, phường Vỹ Dạ, TP Huế. Cuộc sống lênh đênh trên sông nước nên từ nhỏ mấy anh em đã biết bơi và ai cũng có biệt tài bơi lặn giỏi.

“Từ nhỏ bốn anh em tui đã theo cha là ông Nguyễn Văn Hoan đi làm chài lưới đánh bắt tôm, cá trên sông. Ba tôi thời ấy cũng nổi tiếng là người lặn giỏi. Sống trên sông nước thì việc cứu người chết đuối làm sao tránh khỏi, và cũng vì có tài bơi lội và lặn lâu nên những vụ chết đuối trên sông người ta đều nhờ ông lặn vớt cả. Mỗi lần cha tôi đi vớt xác đều đem tụi tui đi theo để phụ giúp. Cha lặn, con cũng lặn rứa rồi quen. Mà không phải từ cha tui mô. Từ đời ông nội tui đã làm cái việc ni rồi”.

Lâu dần bốn anh em ông Sết đã là những tay bơi, lặn có tiếng trên sông Hương. Cả ba anh em ông lặn xuống đáy những con nước sâu đến 30 sải tay mà không cần bình dưỡng khí, thiết bị bảo hộ là chuyện hết sức bình thường. Theo phụ giúp cha mãi, mấy ông đã nối nghiệp thành thợ “lặn ma” lúc nào không hay. Khi ông Hoan mất thì các ông gánh luôn phần việc của cha mình.

Ông Sết bên chiếc máy thở do mình sáng chế.


Hành nghề từ lúc 16 tuổi đến nay đã 53 tuổi rồi ông cũng không nhớ nổi số người mà 4 anh em ông vớt được, ông chỉ áng chừng cũng hơn cả trăm người. Lúc mới làm nghề này, lần đầu tiếp xúc với xác chết, nhất là xác đã bị chìm 3, 4 ngày thi thể gần phân hủy, ông cảm thấy rợn rợn và mùi tử khí thoát ra xộc vào mũi rất khó chịu. Nhiều lúc đi lặn vớt xác về tắm rửa sạch sẽ rồi mà 3 ngày sau trong người cứ có cảm giác chất nhờn từ xác người vẫn đang dính trên người. Làm miết rồi quen, ông trở nên “miễn dịch” với mùi xác chết nên ông vô tư làm việc mà không cần găng tay hay bảo hộ gì cả.

“Làm nghề này thì phải có tinh thần thép, phải không biết lo sợ thì mới lặn được. Công việc này nhiều áp lực lắm, trên bờ thì thân nhân người bị nạn giục, dưới nước thì đối mặt với bao nhiêu nguy hiểm như: nước sâu xoáy, dẫm phải mẻ chai, vật nhọn sắt thép rỉ sét ở đáy sông là chuyện thường. Nhưng bọn tui luôn quyết tâm khi nào mò được xác mới thôi, lúc thời tiết lạnh quá thì mấy anh em chỉ uống ngụm nước mắm hoặc chén rượu cho ấm để lặn chứ chưa bao giờ bỏ cuộc”.

Khi được hỏi mấy anh em ông có sợ không khi nhiều xứ vạn chài rất kiêng cứu, vớt xác người trên sông vì Hà Bá, Thần sông đã bắt người nào thì không ai dám cưỡng lại. Nếu cố tình thì sẽ phải đổi lại bằng mạng sống của chính bản thân, của vợ con mình. Thế mà ông chỉ cười khề khà rằng: “Mình không quan niệm chuyện đó, làm việc thiện giúp người có chi mà sợ. Xuống nước đưa họ lên với thân nhân chứ nằm dưới nước sâu lạnh lẽo tội nghiệp”.

Nói về kinh nghiệm “lặn ma”, ông chỉ cười bảo rằng: “Cũng chỉ theo cảm giác của mình thôi. Xuống dưới nước rồi thì đêm cũng như ngày có thấy chi mô, chỉ có lấy tay mà quờ quạng, mò khi trúng mới thôi”. Theo kinh nghiệm của dân sông nước, ông còn đoán được xác nạn nhân trôi cách chỗ tử nạn bao xa, nước sông sâu hay nông, có đá ngầm... để có phương án lặn tìm tốt nhất. Để có xác suất cao hơn, mỗi lần lặn là mấy anh em lại nắm tay nhau dàn hàng ngang dưới đáy sông hoặc phân công nhau mỗi người một khu vực để không bỏ sót nơi nào.

Hiện nay “đội lặn ma” của ông có tất cả 7 người, gồm 3 anh em ông là: Anh cả Nguyễn Văn Chí (60 tuổi), ông Sết và người em trai út là Nguyễn Văn Nết (50 tuổi) (người anh kế ông là Nguyễn Văn Sưa mới mất hồi đầu năm do bệnh hiểm nghèo) cùng 2 người con là anh Nguyễn Văn Thanh (29 tuổi), anh Nguyễn Văn Manh (26 tuổi), 3 đứa cháu làm việc này nữa. Đôi lúc gặp “phi vụ” khó hoặc ban đêm còn gọi thêm mấy người hàng xóm bên cạnh đi giúp sức cùng. Họ không lặn được thì đi phụ giúp, động viên tinh thần cho anh em ông làm việc. Công việc này càng nhiều người làm mới có tinh thần và tìm kiếm mới nhanh được.

Ba anh em ông Sết hiện là “cộng tác viên” của Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Sau khi dân vạn đò Huế được đưa lên bờ, cả 4 anh em nhà ông Sết đã được UBND TP Huế cấp đất tái định cư ở Lại Tân, xã Phú Mậu. Mỗi người đều có nhà riêng, nhưng nhà cũng rất gần nhau ngay trong khu tái định cư, nên khi có người nhờ, công an“ điều động ”đi lặn vớt xác là họ đều có mặt và sẵn sàng lên đường bất kể ngày hay đêm, đông hay hè.

Không chỉ “ lặn ma ” trên các con sông ở Thừa Thiên – Huế mà anh em ông còn tham gia lặn vớt xác ở Quảng Bình, Gia Lai, Kon Tum và nhiều nơi khác nữa, hễ có người nhờ là anh em ông sẵn sàng lên đường bất kể nắng mưa, trời đêm rét buốt.

Bạch Long

Kỳ 2: Những ký ức rùng rợn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN