Chú trọng đào tạo ngành nghề mới xã hội đang có nhu cầu

Các địa phương sớm chú trọng đào tạo các ngành nghề mới, với các kỹ năng mới xã hội đang có nhu cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế.

Chiều 9/9, Ban cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Bộ LĐTBXH phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết: Hội nghị đánh giá toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW; làm rõ kết quả đạt được, hạn chế khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao, phù hợp với định hướng phát triển thời gian tới.

Bộ LĐTBXH đã tiến hành khảo sát thực tế tại 9 địa phương, 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trên cơ sở đó, đã hoàn thành dự thảo báo cáo tổng kết. Theo báo cáo, trong 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 37, việc đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nhân lực tay nghề cao đã đạt nhiều kết quả: Về tuyển sinh, đào tạo, số lượng tuyển sinh giai đoạn 2014-2023 đạt gần 21,24 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng đạt 1,716 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%). Quy mô đào tạo tăng, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của cả nước năm 2023 đạt 27,6%.

Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh cả về quy mô và đa dạng hóa về nội dung, hình thức. Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, nhiều nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng ở những nước tiên tiến. Giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, từng bước quốc tế hóa tiêu chuẩn kỹ năng nghề.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Việc triển khai mô hình đào tạo thí điểm áp dụng chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Australia và Đức và một số quốc gia tiên tiến khác mang lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được học tập, rèn luyện kỹ năng nghề trong môi trường hiện đại và sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động khu vực và quốc tế.

Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã gắn kết hơn với doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động bắt đầu hình thành và vận hành có hiệu quả trong thực tiễn.

Tuy nhiên, theo đánh giá, trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam thấp, chủ yếu là trung học cơ sở (67%); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở thấp hơn so với các nước phát triển; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đủ điều kiện đào tạo nhân lực tay nghề cao; công tác quản lý và kiểm soát chất lượng đào tạo nhân lực tay nghề cao hạn chế...

Thứ trưởng Lê Văn Thanh mong muốn sau hội nghị, các địa phương cần quan tâm tới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện cho các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý thực hiện nhiệm vụ đào tạo, đảm bảo về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực tay nghề cao phục vụ nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị, địa phương.

XC/Báo Tin tức
Triển khai tuyển dụng lao động đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia
Triển khai tuyển dụng lao động đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia

Ngày 6/9, Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội (Bộ LĐTBXH) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố thực hiện hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình Di chuyển lao động giữa Australia và Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN