Chiến công của những “chiến sỹ áo trắng”: Bài 1: Vị bác sĩ và những ca mổ đặc biệt

Chiến thắng Điện Biên Phủ cách đây 60 năm là một bản hùng ca, một mốc son chói lọi “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân Việt Nam. Làm nên chiến thắng ấy có sự chung vai góp sức của nhiều lực lượng, trong đó có đội ngũ cán bộ y tế đã không ngại hy sinh, gian khổ sẵn sàng cứu chữa cho thương binh, trong điều kiện làm việc vô cùng gian khổ tại chiến trường. Cho đến tận bây giờ, những ký ức hào hùng năm xưa vẫn còn đọng mãi trong trí nhớ của những “chiến sĩ áo trắng” tham gia chiến dịch ngày ấy.

 

Bài 1: Vị bác sĩ và những ca mổ đặc biệt

 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 60 năm, GS.TS Phạm Văn Phúc (nguyên Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn) (ảnh) là cán bộ quân y của Đội điều trị Đại đoàn 316. Trong 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã cứu chữa cho hàng ngàn thương binh, trong đó trực tiếp mổ liên tục mấy trăm ca, góp phần vào chiến thắng lịch sử của dân tộc.

 

Bàn mổ bằng... tre


Nhớ lại những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, GS.TS Phạm Văn Phúc không khỏi bồi hồi, xúc động. Sau trận đánh Nà Sản trong chiến dịch Tây Bắc, Đội điều trị của Đại đoàn 316 của ông được lệnh rút về đóng ở Lang Chánh, vùng núi giáp ranh giữa Hòa Bình và Thanh Hóa. Mùa thu năm 1953, ông được cử đi cùng đồng chí Lê Quảng Ba, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 316 (sau là Sư đoàn trưởng) và nhóm các trung đoàn trưởng của Trung đoàn 174, Trung đoàn 98, Trung đoàn 76 và ban tham mưu của đồng chí Lê Quảng Ba đi Tây Bắc chuẩn bị vào chiến trường.



Một thời gian sau, Đội điều trị của Đại đoàn 316 cũng lên đến nơi, bố trí phòng mổ, lán thương binh để chuẩn bị phục vụ chiến dịch. Phòng mổ lúc đó được làm rất đơn sơ do anh em tự dựng lên. Lán làm bằng tre, mái lợp bằng cỏ gianh, bàn mổ được đóng tạm bằng tre, có 4 cọc chôn xuống đất, có chỗ rửa tay bằng xà phòng… Công tác chuẩn bị vừa xong thì thương binh cũng được đưa về.


GS.TS Phạm Văn Phúc kể lại: Mặc dù lúc đó đang bị ốm, sốt, ông vẫn bắt tay vào đứng mổ ngay, quyết tâm đặt nhiệm vụ cứu chữa cho anh em thương binh lên hàng đầu. Càng về sau thương binh chuyển về càng nhiều. Thật xót xa khi chứng kiến anh em phải phẫu thuật trong điều kiện thiếu thốn trăm bề. Không có găng tay phẫu thuật, nên trước khi mổ ông chỉ rửa sạch tay bằng xà phòng, sau đó ngâm tay vào nước diệt trùng. Khi mổ, thuốc kháng sinh không có, thuốc gây mê chỉ là Crophom. Hồi sức thì chỉ có huyết thanh dung dịch muối 9 phần nghìn do tổ dược tự chế. Rất may là các chiến sỹ của chúng ta đều là thanh niên, sức khỏe tốt nên việc điều trị cũng dễ dàng hơn. Chỉ những ca mổ nặng mới cần truyền. Ánh sáng phục vụ cho việc phẫu thuật lúc bấy giờ chủ yếu là đèn dầu (đèn bão), sau này là dùng dinamo xe đạp quay để tạo ánh sáng. “Nhiều hôm đang mổ, tự dưng thấy ánh sáng cứ yếu dần, nhìn sang thì thấy đồng chí phụ trách quay đang ngủ gật vì mệt quá” - GS.TS Phạm Văn Phúc nhớ lại.


Sang năm 1954, các trận tiến công của quân ta diễn ra liên tiếp. Trận Him Lam, đồi Độc Lập, các trận đánh chiếm đồi C1, A1… diễn ra ngày càng ác liệt. Thương binh được chuyển về liên tục. Đội điều trị của Đại đoàn 316 khi đó đóng quân cách đồi A1 chỉ một cánh đồng, khoảng hơn một cây số. Ngày nào cũng có thương binh được đưa về, nhất là vào tầm chiều tối. “Tôi mổ suốt ngày đêm. Mỗi khi có thương binh mới được chuyển về, tôi ra chọn lọc, phân loại từng vết thương. Ai cần mổ trước, ai mổ sau để anh em sắp xếp. Sau đó tôi lại vào mổ tiếp. Riêng các vết thương về sọ não, là những vết thương khó, chúng tôi được yêu cầu đưa về Đội điều trị 1 ở tuyến sau để GS. Tôn Thất Tùng mổ” - GS.TS Phạm Văn Phúc kể lại.


Công việc cứu chữa thương binh cứ liên tục diễn ra trong suốt chiến dịch. Những thương binh nặng sau khi cứu chữa được chuyển về tuyến sau. Thương binh nhẹ thì điều trị đến khi phục hồi được đưa trở lại đơn vị chiến đấu. Đến cuối tháng 4/1954, khi đó mùa mưa đến. Những trận mưa rừng ầm ầm đổ xuống, khiến việc cứu chữa cho các thương binh ngày càng trở nên khó khăn hơn. Mưa lâu ngày ẩm ướt, nhiều bùn đất, các vết thương của anh em thương binh bị nhiễm trùng nhiều hơn. Công tác chăm sóc thương binh càng vất vả. “Nhưng lúc đó chúng tôi lo nhất là sụp lán, sập hầm, vì hầm mổ của chúng tôi không có ván gỗ chống, rất dễ bị sập, rất nguy hiểm”.


Những ca mổ đặc biệt


GS.TS Phạm Văn Phúc cho biết ở chiến trường, các chiến sĩ của ta bị thương đủ loại, trong đó có rất nhiều vết thương khó. Nếu không xử lý tốt thì anh em sẽ phải chịu khổ. Hồi đó, ông rất ngạc nhiên khi thấy có nhiều chiến sỹ bị thương tương tự nhau. Họ đều bị dập nát cẳng tay, vỡ khuỷu tay, mà phần nhiều là cánh tay bên phải. Qua tìm hiểu ông được biết, những trường hợp đó đều là do anh em nấp bắn, phần cánh tay nhô ra nên dễ bị trúng đạn. Những vết thương ở khuỷu tay rất nguy hiểm và khó xử lý, vì ở đó có nhiều mạch máu, dây thần kinh. Nếu mổ không tốt hoặc không kịp thời thì thương binh sẽ phải cắt bỏ cánh tay.


Ông Phúc tâm sự: “Nếu lúc đó cắt bỏ cánh tay của anh em thương binh thì quá đơn giản, dễ dàng, nhưng rất đau lòng và thiệt thòi cho anh em quá”. Không đành lòng nhìn các chiến sỹ bị mất đi cánh tay của mình, ông quyết tâm nghiên cứu, tìm mọi cách để chữa trị. Với những kinh nghiệm, kỹ thuật mổ học được từ bác sỹ Tôn Thất Tùng, ông đã quyết định mổ cắt khớp, bảo tồn tối đa cho anh em. Để ca mổ thành công, ông cố gắng mổ nhanh gọn, vừa là để giảm sốc cho thương binh, vừa để cho các khớp có điều kiện liền lại, không bị cứng. Sau khi mổ xong các ngón tay nạn nhân vẫn cử động được. May mắn là 27 ca mổ đều thành công, không có chiến sỹ nào bị mất tay. Sau này, những vết thương về khớp đó là đề tài bác sĩ Phạm Văn Phúc dùng trong nghiên cứu bảo vệ luận án tiến sỹ, được hội đồng bảo vệ luận án, trong đó có GS Tôn Thất Tùng rất khen ngợi.


60 năm đã trôi qua, giờ đã bước vào tuổi 90, nhưng GS.TS Phạm Văn Phúc vẫn thường xuyên nhớ đến những ngày tháng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy, nhớ đến những người thương binh mà ông đã mổ ở chiến trường, nhớ những người anh hùng đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. “Trong tâm trí tôi, đó là những người anh hùng vĩ đại” - GS.TS Phạm Văn Phúc tâm sự.



Phương Lan


Bài 2: Các anh đã tiếp thêm sức mạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN