Chăm lo đời sống người lao động

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 và tháng công nhân, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xung quanh vấn đề nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho công nhân.

 

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước, Tổng Liên đoàn đã có những chính sách gì quan tâm tới đội ngũ lao động, thưa ông?


Đảng ta xác định việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã được cụ thể hóa thành các đề án, chương trình hành động và luật pháp hóa. Điều này được thể hiện qua bản Hiến pháp sửa đổi vừa mới được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó là việc sửa đổi, bổ sung Luật Lao động và Luật Công đoàn năm 2012. Nhiều chính sách liên quan đến công nhân, lao động được Nhà nước quan tâm như chính sách về tiền lương, nhà ở, giáo dục đào tạo.

 

Mô hình phòng y tế tại doanh nghiệp do Bệnh viện đa khoa Mỹ Phước (huyện Bến Cát, Bình Dương) đầu tư đã phát huy hiệu quả việc phòng bệnh và sơ cấp cứu cho người lao động.


Cụ thể như với tiền lương, Nhà nước đã ban hành mức tiền lương tối thiểu. Về xây dựng xã hội học tập, Tổng Liên đoàn Lao động cũng đã có đề án xây dựng xã hội học tập suốt đời của công nhân tại các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, địa phương đã quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân, nổi bật nhất là ngành than khoáng sản. Công nhân ngành than khoáng sản được ở 4 - 5 người/phòng khá tiện nghi, cũng là cách quan tâm để họ yên tâm làm việc.


Chính phủ có Quyết định số 1780 về chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Thực tế, trong số gần 2 triệu công nhân lao động khu công nghiệp (KCN) thì đa phần gặp khó khăn, tới 80% là công nhân lao động nhập cư ở ngoại tỉnh. Do xuất thân từ nông dân, chưa được đào tạo bài bản về kiến thức pháp luật, yếu về trình độ tay nghề, kể cả về kỹ năng sống. Trong điều kiện hiện nay, các khu nhà ở; rồi điều kiện văn hóa thể thao các KCN rất thấp do mức lương chưa cao, bữa ăn còn thấp. Do vậy, Chính phủ đã định hướng tới năm 2015 - 2020 là chăm lo cho công nhân, gồm nhà trẻ cho con công nhân, nhà ở, nơi khám chữa bệnh, các điểm sinh hoạt văn hóa để công nhân vui chơi, giải trí, nhằm tái tạo sức lao động. Tuy nhiên, công nhân được thụ hưởng những chính sách này mới chỉ chiếm trên 10% số lao động trong cả nước.

 

Tư vấn chăm sóc sức khỏe, pháp luật cho công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội).


Bên cạnh đó, vẫn còn người sử dụng lao động cố tình nợ đọng, chây ỳ không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân lao động. Tính đến cuối tháng 12/2013, số nợ đọng bảo hiểm xã hội của công nhân lên tới 11.000 tỷ đồng. Môi trường làm việc còn khó khăn, doanh nghiệp không quan tâm đầu tư cải thiện môi trường làm việc… nên ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe công nhân.


Theo quyết định số 31 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2009, với mong muốn giai đoạn từ 2009 - 2012 với 70% số công nhân lao động được tuyên truyền cơ bản về tin tức, pháp luật lao động, pháp luật công đoàn. Thế nhưng, sau 4 năm triển khai, do nhiều nguyên nhân, nên mới chỉ có gần 50% số công nhân lao động được tuyên truyền. Do vậy, Chính phủ đã chỉ đạo cần quyết liệt hơn trong triển khai để đến năm 2016 số lượng công nhân được tuyên truyền pháp luật nhiều hơn, nhằm nâng cao kiến thức để công nhân tự bảo vệ mình trong quá trình thực thi quan hệ lao động tại doanh nghiệp.


Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn coi nhiệm vụ chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động là trách nhiệm của các cấp công đoàn. Công đoàn các cấp đang triển khai tới tới 5.000 tổ công nhân tự quản tại các KCN với các nội dung tư vấn pháp luật cho công nhân, tuyên truyền tư vấn về sức khỏe cho công nhân.


Tổng Liên đoàn tích cực tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động. Từ việc phổ biến Luật Lao động, Luật Công đoàn rồi các nghị định của Chính phủ, liên quan về tiền lương, chính sách về nhà ở, đào tạo. Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn khảo sát, thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động. Thông qua việc này vừa tuyên truyền cho cả người lao động và người sử dụng lao động để có sự hợp tác, có sự hài hòa trong quan hệ lao động.

 

Trong tháng công nhân năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ triển khai các hoạt động gì để chăm lo, bảo vệ quyền lợi của công nhân, người lao động?


Năm 2014 là năm thứ tư thực hiện Tháng công nhân và các cấp công đoàn có nhiều hoạt động sáng tạo như tổ chức các gian hàng phục vụ công nhân theo 5 nội dung: Tuyên truyền cho người lao động về truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân; phát động phong trào thi đua, mọi người tích cực lao động, vượt qua khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp; đối thoại để nghe tâm tư nguyện vọng của công nhân; chăm lo, thăm hỏi động viên công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động bị tai nạn trong quá trình làm việc; tôn vinh công nhân lao động có nhiều thành tích xuất sắc.


Cũng trong dịp này, lãnh đạo Đảng, chính quyền đến thăm và tổ chức đối thoại với công nhân. Nhiều địa phương làm hiệu quả như tại Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Ví dụ Quảng Ninh tổ chức đối thoại về vấn đề nhà ở, lãnh đạo tỉnh khẳng định việc chính quyền địa phương lo đất, doanh nghiệp lo kinh phí và người lao động cùng đóng góp một phần. Hoặc vấn đề không an toàn giao thông khi công nhân tan ca vào ban đêm tại Hải Phòng, chính quyền Hải Phòng yêu cầu công ty chiếu sáng đô thị lắp đèn thắp sáng để công nhân đi làm ca đêm an toàn. Hoặc vấn đề nâng cao chất lượng bữa ăn cho công nhân, nhiều đơn vị đề xuất nâng chất lượng bữa ăn đáp ứng đủ dinh dưỡng. Tháng công nhân sẽ tùy từng thực tế địa phương, các cấp công đoàn sẽ có những nội dung cụ thể.


Tổng Liên đoàn cũng thường xuyên chăm lo cho công nhân, nhất là con em công nhân có hoàn cảnh khó khăn thông qua Quỹ Xã hội từ thiện của hệ thống công đoàn. Như chương trình thăm hỏi công nhân lao động nghèo, trợ cấp cho công nhân lao động bị tai nạn lao động có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng mái ấm công đoàn... Quỹ mái ấm công đoàn dựa trên cơ sở đóng góp, hỗ trợ cho công nhân tùy từng mức 20-40 triệu để xây dựng chỗ ở. Trong tháng công nhân 2013 các cấp công đoàn đã tặng 950 mái ấm công đoàn.

 

Thời gian tới, Tổng Liên đoàn có giải pháp nào để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn, để lực lượng công đoàn là chỗ dựa của giai cấp công nhân?


Trong việc tham gia giải quyết những bức xúc, các cấp công đoàn tích cực kiến nghị để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Đơn cử như các KCN phải có quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân, xây phòng khám sức khỏe cho công nhân, có quỹ đất để xây các điểm văn hóa, xây dựng các khu văn hóa để công nhân vui chơi sau giờ làm việc.


Tổng Liên đoàn sẽ ban hành các nghị quyết để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhà ở, trình độ chuyên môn, học vấn. Hiện có gần 30% công nhân có trình độ cấp 3; nhưng cũng có tới 3% công nhân là trình độ tiểu học. Do đó, bên cạnh vai trò của tổ chức công đoàn, thì bản thân công nhân cũng phải được học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Bên cạnh đó là việc thực thi chính sách mà người sử dụng lao động không thực hiện nghiêm, ví dụ như chăm lo công tác bảo hộ lao động, thực hiện chính sách lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tránh tình trạng người sử dụng lao động cố tình nợ đọng trốn tránh, dẫn tới bức xúc đình công. Tổng Liên đoàn chỉ đạo công đoàn các cấp quan tâm bảo vệ quyền lợi công nhân lao động.


Xin cảm ơn ông!


Xuân Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN