Cấp bách tìm nguyên nhân khiến sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm

Từ cuối tháng tháng 4 đến nay, hàng trăm hộ dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua địa bàn các huyện Châu Thành, Gò Dầu và thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh liên tục phản ánh tình trạng nước sông chuyển sang màu đen, kèm theo mùi hôi bất thường.

Chú thích ảnh
Nước thải và đủ loại rác thải chưa qua xử lý từ chợ Gò Dầu, thị trấn Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh xả ra sông Vàm Cỏ Đông. 

Sông Vàm Cỏ Đông chảy qua địa bàn tỉnh Tây Ninh có thủy trình khoảng hơn 105 km, không chỉ mang nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nông nghiệp mà còn có giá trị chiến lược trong phát triển kinh tế vùng. Theo ngành chức năng của tỉnh Tây Ninh, gần đây, sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm cục bộ, việc truy tìm nguyên nhân gây ô nhiễm là yêu cầu cấp thiết trong bảo vệ tài nguyên nước.

Từ cuối tháng tháng 4 đến nay, hàng trăm hộ dân sống ven sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua địa bàn các huyện Châu Thành, Gò Dầu và thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh liên tục phản ánh tình trạng nước sông chuyển sang màu đen, kèm theo mùi hôi bất thường.

Ông Nguyễn Minh Triệu (57 tuổi, ngụ phường Long Trung, thị xã Hòa Thành) cho biết: Kênh Gò Kén phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành nhiều năm nay luôn trong tình trạng ô nhiễm nặng, có màu đen như nhớt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nguồn nước trên kênh Gò Kén bị ô nhiễm là do phần lớn nước thải sinh hoạt từ chợ, bệnh viện và khu dân cư tại thị xã Hòa Thành chưa qua xử lý dẫn ra kênh gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước này theo tuyến kênh đổ trực tiếp nước thải ra sông Vàm Cỏ Đông.

Chú thích ảnh
Nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, sủi bọt trắng, bốc mùi hôi thối từ thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh đổ trực tiếp ra môi trường rồi dẫn thẳng ra sông Vàm Cỏ Đông. 

Bà Nguyễn Thị Trúc Giàu (43 tuổi, ngụ khu phố 3, thị trấn Gò Dầu) cho hay, khoảng 10 ngày trước, nước sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua khu vực Thị trấn Gò Dầu đột ngột chuyển sang màu đen, kèm theo mùi hôi lạ rất khó chịu; tình trạng ô nhiễm nguồn nước diễn ra thường xuyên đã khiến tôm cá trên sông ngày càng thưa thớt, thậm chí cá nuôi của gia đình bà Giàu các hộ dân dọc sông Vàm Cỏ Đông thời gian qua bị chết hàng loạt. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm trên sông Vàm Cỏ Đông là do hoạt động xả thải của các nhà máy, xí nghiệp phía thượng nguồn.

Theo ông Nguyễn Văn Tám, (63 tuổi, ngụ ấp Phước Lộc, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành), hàng năm, vào khoảng tháng 4 đến tháng 5, nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông đoạn chảy qua huyện Châu Thành thường xuyên chuyển thành màu đen, bốc mùi hôi khiến cho cá nổi đầu và chết nhiều, đặc biệt năm nay có hiện tượng cá chết nhiều hơn năm trước, lên đến hàng trăm kg. Nguyên nhân dẫn đến nước trên sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm là do hoạt động băm, chặt, xử lý lục bình trên sông.

Chú thích ảnh
Nước thải chưa qua xử lý, sủi bọt trắng, bốc mùi hôi thối từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện Gò Dầu xả trực tiếp ra sông Vàm Cỏ Đông. 

Đối với thông tin người dân cho rằng hoạt động băm, chặt, xử lý lục bình trên sông dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh cho hay, phương án xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông được duyệt là băm, cắt và trục vớt tại các vị trí lục bình tập trung nhiều; thời gian qua, công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông đã được đơn vị xử lý thực hiện hằng ngày (từ 8 đến 12 giờ/ngày), diễn ra nhiều năm nay, được ngành chức năng của tỉnh giám sát chặt chẽ và cơ bản không gây ô nhiễm nguồn nước.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Châu, tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Vàm Cỏ Đông qua khảo sát từ năm 2024 và 2025 không diễn ra thường xuyên mà có tính thời điểm, như vào khoảng tháng 4 đến tháng 5 hằng năm (đầu mùa mưa) thì nước trên sông Vàm Cỏ Đông lại chuyển thành màu đen, có mùi hôi và không tập trung tại vị trí xử lý lục bình, vì vậy, việc người dân phản ánh nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước trên sông Vàm Cỏ Đông là do lục bình thối rửa sau xử lý là chưa đúng với tình hình thực tế.

Chú thích ảnh
Hiện tượng cá chết trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh.

Ông Huỳnh Long Định, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công (đơn vị được UBND tỉnh Tây Ninh giao trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông) cho biết: Những năm qua đơn vị luôn tuân thủ nghiêm phương án xử lý lục bình đã được ngành chức năng phê duyệt và tình hình lục bình phát triển dày đặc trên sông Vàm Cỏ Đông đã được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Ngoài công tác trục vớt lục bình tạo thông thoáng cho việc di chuyển của người dân và các phương tiện trên sông, thì đơn vị cũng đã chủ động tăng cường các biện pháp xử lý phần lục bình sau khi trục vớt đảm bảo công tác xử lý lục bình không gây ô nhiễm nguồn nước. 

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh, sông Vàm Cỏ Đông đoạn đi qua địa bàn tỉnh có nhiều khu dân dư, khu đô thị nằm dọc theo tuyến sông, ước tính, mỗi ngày có khoảng 50.000 m3 nước thải sinh hoạt từ các đô thị như: thị xã Hòa Thành, Trảng Bàng, thị trấn Gò Dầu, Châu Thành, thành phố Tây Ninh... được xả thẳng ra sông mà không qua xử lý. Cùng với đó, gần 2.977 cơ sở sản xuất, dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, garage...) cũng xả trực tiếp khoảng 8.000 m3 nước thải/ngày đêm vào môi trường sông ngòi.

Chú thích ảnh
Cán bộ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh kiểm tra chất lượng nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông khu vực xã Trí Bình, huyện Châu Thành. 

Ngày 23/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến đã ban hành văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tây Ninh tăng cường công tác kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh nước thải xả thải vào lưu vực sông Vàm Cỏ Đông. Nếu phát hiện tình trạng tổ chức, cá nhân xả nước thải không đạt quy chuẩn theo quy định ra môi trường thì kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ cơ sở gây ô nhiễm môi trường theo quy định. Các chủ nguồn thải có lưu lượng xả nước thải từ 500 m³/ngày/đêm trở lên thực hiện lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục truyền dữ liệu về Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh để quản lý;

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị Sở Xây dựng tỉnh nghiên cứu phương án nạo vét bùn đáy sông Vàm Cỏ Đông theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt tại Quyết định số 1736/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; yêu cầu đơn vị thi công trục với lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông tăng cường công tác trục vớt, đảm bảo lưu thông dòng chảy, lục bình sau khi băm, cắt phải thu gom về địa điểm tập kết, không xả lại dưới sông. Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh và UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống công trình thu gom, xử lý nước thải đô thị đảm bảo đạt chuẩn quy định trước khi xả thải…

Tin, ảnh: Minh Phú (TTXVN)
Nước thải từ vùng nuôi trồng thủy sản nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước
Nước thải từ vùng nuôi trồng thủy sản nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước

Xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh từ lâu được xem là “thủ phủ” nuôi trồng thủy sản của tỉnh, chủ lực là nuôi cá lóc và ba ba thương phẩm. Tuy nhiên, do phát triển ồ ạt, lượng nước thải phát sinh số lượng lớn không qua xử lý đang chảy thẳng ra kênh thủy lợi, đe dọa nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của cả vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN