Trả lời báo chí chiều qua (15/5), Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết, Cục không thể biết hiện có bao nhiêu lao động Việt Nam đang làm việc ở Angola. Lý do, những lao động này sang đây làm việc đều qua những con đường không chính thống.
Theo ông Quỳnh, hiện có rất đông công dân Việt Nam đang làm việc tại Angola. Bên cạnh những chuyên gia y tế, chuyên gia giáo dục làm việc tại đây theo các thỏa thuận hợp tác lao động ký giữa hai Chính phủ từ nhiều năm trước và những lao động được nhóm này bảo lãnh, còn lại nhiều công dân sang đây làm việc tại các công trường xây dựng.
Có những tổ chức, cá nhân đã liên hệ với các doanh nghiệp bên Ănggôla để kiếm được những giấy phép lao động mà Chính phủ Ănggôla cấp cho các doanh nghiệp. Họ dùng giấy phép này để xin visa cho lao động Việt Nam sang làm việc. Tuy nhiên, khi sang đây, người lao động lại không làm việc cho doanh nghiệp được Chính phủ Angola cấp giấy phép. Đương nhiên, theo luật pháp của Ănggôla, những lao động Việt Nam trong diện này bị coi là làm việc trái phép tại Angola.
Ông Quỳnh cũng cho biết, có những lao động của ta thu nhập khoảng 800- 900 USD/tháng. Tuy nhiên, do bị coi là làm việc bất hợp pháp nên nhiều lao động Việt Nam có thể bị các cơ quan chức năng nước sở tại gây khó dễ, thu nhập không được bảo đảm, không có bảo hiểm.
Hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tìm kiếm đối tác thực sự có nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam để đưa lao động sang làm việc tại thị trường này một cách hợp pháp. Hiện Cục đang thẩm định một vài hợp đồng như vậy.
Còn nếu đi bằng những con đường khác- cách mà từ trước tới nay nhiều lao động lựa chọn- thì họ có nguy cơ gặp nhiều rủi ro. Cục khuyến cáo người lao động cần tìm hiểu thật kỹ thông tin trước khi quyết định sang đây làm việc.
Hiện chưa có doanh nghiệp nào được phép đưa lao động sang thị trường này.
Mạnh Minh